Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Qua một thời gian triển khai thực hiện, những kết quả ban đầu từ Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Hướng Hóa luôn được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang được định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa hiện nay vẫn chưa tương xứng với các giá trị của sản phẩm văn hóa. Nhiều nghi lễ, lễ hội, nghề truyền thống, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô dần bị mai một và có nguy cơ mất hẳn. Nhiều nhạc cụ dân tộc từ bao đời vốn là "món ăn" tinh thần của đồng bảo dân tộc thiểu số đến nay còn được lưu giữ với số lượng rất ít. Số lượng nghệ nhân am hiểu sâu sắc và đang nắm giữ linh hồn của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng ít và đứng trước nguy cơ thất truyền…

Lễ ra mắt Câu lạc bộ dân ca Vân Kiều, Pa Cô tại Trường TH&THCS A Xing (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)

 

Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã ban hành và đưa vào thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 28/10/2021 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô. Quan điểm của Nghị quyết này đã xác định, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiểu, Pa Cô là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết của huyện; là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền và Nhân dân là chủ thể thực hiện.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô gắn liền với ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời phát triển văn hóa, xây dựng con người mới, nếp sống mới, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa.

Giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Lấy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Theo đó, mục tiêu chung sẽ huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Văn Kiểu, Pa Cô ưu tiên các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng đến những nét văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chú trọng gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, nhất là gắn với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành du lịch và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho cộng tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tập huấn truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô

 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi năm sẽ tổ chức phục dựng ít nhất một lễ hội tiêu biểu. Tổ chức sưu tầm những vật dụng truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô để trưng bày. Thành lập ít nhất 5 Câu lạc bộ Cồng chiêng biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Vân Kiều, Pa Cô; Hỗ trợ phát triển mỗi xã có phần đông người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống một nghề truyền thống hoặc một Câu lạc bộ dân ca, dân vũ.

Cùng với đó, tiến hành tổ chức dạy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm men lá, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống. Xây dựng ít nhất 3 mô hình du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó vừa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc vừa kết hợp phát triển kinh tế bằng ngành du lịch. Phục dựng nhà sàn theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Vân Kiểu, Pa Cô, trong đó ưu tiên phục dựng mô hình tại các khu du lịch cộng đồng…

Phòng VH&TT huyện Hướng Hóa cho biết, để đưa Nghị quyết 02-NQ/HU vào đời sống, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã ban hành kế hoạch, triển khai nhiều nội dung quan trọng, thiết thực. Cụ thể, địa phương đã tổ chức thành công việc phục dựng Lễ hội "Mừng Lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Tổ chức được 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho 291 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thôn đặc biệt khó khăn của huyện (3 lớp dành cho người Vân Kiều, 1 lớp dành cho người Pa Cô).

Phục dựng Lễ hội "Mừng Lúa mới" của đồng bào dân tộc Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

 

Ngoài ra, đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các Câu lạc bộ di sản phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát, hỗ trợ điều kiện hoạt động của các Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả. Xây dựng được 2 phim ngắn và 1 bộ ảnh tư liệu quảng bá về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc dân tộc Vân Kiều, Pa Kô để trưng bày, phục vụ cho hoạt động lễ hội, truyền thông của địa phương.

Dù mới được triển khai, nhưng đây là những kết quả bước đầu rất đáng để ghi nhận. Đặt nền tảng và là động lực cho quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang còn rất dài ở phía trước.

Nguồn: Báo điện tử của Bộ VHTTDL   

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 409

Tổng lượt truy cập: 7.327.068