Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro không chỉ là chuyến thăm đầu tiên mà còn là duy nhất của một nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến Vĩ tuyến 17, khi Quảng Trị vẫn còn nồng khói súng, quân địch vừa rút sau khi ký Hiệp định Paris, các băng đảng thù địch và biệt kích, gián điệp vẫn còn trà trộn trong dân.

Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Đỉnh cao của quan hệ ngoại giao - Ảnh 1.

Ông Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba, thị sát Căn cứ quân sự Tân Lâm-Dốc Miếu trên Hàng rào điện tử McNamara, bị quân và dân miền Nam phá hủy, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

 

Đỉnh cao của quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba

Trong cuốn sách: “Tối mật: Những người Cuba trên Đường Hồ Chí Minh” (xuất bản năm 1990 tại La Habana), Đại sứ Cuba tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Raúl Valdés Vivó cho biết ý tưởng thăm Việt Nam nảy sinh trong dịp Chủ tịch Fidel Castro đón tiếp phái đoàn cấp cao Việt Nam tại La Habana vào đầu năm 1970.

Tổng Tư lệnh Cách mạng Cuba gọi Đại sứ Valdés Vivó - người đã lập nên “Đại sứ quán trong rừng sâu” năm 1969 tại căn cứ Tây Ninh bên cạnh trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nói rằng trong số tất cả các Đại sứ quán của La Habana trên thế giới, nơi ông muốn đến thăm nhất là Đại sứ quán tại miền Nam Việt Nam. Chủ tịch Fidel Castro khẳng định ông sẵn sàng đi ngay khi nhận được lời mời của Việt Nam, “bất chấp mọi rủi ro".

Lãnh tụ Fidel Castro không quan tâm đến những nghi thức ngoại giao tôn vinh nguyên thủ quốc gia. Ông trích dẫn câu nói của Anh hùng Dân tộc Cuba José Martí rằng “tất cả vinh quang trên thế giới đều gói gọn trong một hạt ngô". Điều kiện duy nhất cho chuyến thăm mà Đại sứ Valdés Vivó nhấn mạnh với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là: “Đối với Chủ tịch Fidel, Việt Nam bây giờ là miền Nam".

Nhà ngoại giao Cuba Raúl Valdés Vivó hiểu rõ những rủi ro hiện hữu khi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm một đất nước vẫn còn đang chiến tranh, trải qua một chặng đường dài vất vả.

Khi lãnh tụ Fidel Castro đặt chân đến Hà Nội ngày 12/9/1973, ngay cả trong dự thảo chương trình tối mật cũng không hề đề cập đến chuyến đi vào miền Nam. Điều kiện thời tiết bất lợi tại thời điểm ấy với một cơn bão hình thành ở ngoài khơi Philippines và có thể gây lũ lụt ở miền Trung đã khiến mong muốn của Chủ tịch Fidel Castro thêm phần “bất khả thi".

Trong cuốn sách, cố Đại sứ Valdés Vivó viết: "Chủ tịch Fidel yên lặng lắng nghe tôi trình bày và nói rằng chuyến đi của ông chỉ thực sự có ý nghĩa nếu đến được miền Nam. Luôn có những rủi ro, nhưng ông không ngại nếu gặp trục trặc ở miền Nam và phải mất nhiều ngày mới có thể trở về Cuba. Ông tin tưởng rằng người dân Cuba chắc chắn sẽ rất xúc động khi biết phái đoàn đã đến miền Nam Việt Nam".

Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại sứ Valdés Vivó sau đó, khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam muốn biết quan điểm của Chủ tịch Fidel Castro, Đại sứ Cuba cho biết lãnh tụ Fidel Castro chỉ hỏi: “Khi nào chúng ta lên đường đi miền Nam?” Thủ tướng Phạm Văn Đồng thốt lên: “Fidel đúng là Fidel".

Tình cảm chân thành và quyết tâm của Chủ tịch Fidel Castro đã thuyết phục Thủ tướng chấp thuận. Ông hiểu, sự hiện diện của lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro ở chiến trường lúc này sẽ động viên tinh thần của nhân dân cả nước, nhất là ở chiến trường chính.

Vậy là chuyến đi Hải Phòng theo kế hoạch bị đình chỉ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chuyển lời tới Chủ tịch Fidel Castro: “Ngày mai ta sẽ khởi hành sớm tới Sierra Maestra của Việt Nam".

Ngay sáng hôm sau, 15/9, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Chủ tịch Fidel Castro có mặt ở sân bay Gia Lâm và lên chuyến bay bí mật vào Đồng Hới - sân bay còn ngổn ngang bom đạn, trong khi đó nhân dân Hải Phòng đang nóng lòng chờ đón người bạn yêu quý.

Tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã đi thăm Đồng Hới, Vĩnh Linh. Sớm 16/9, ông vượt Vĩ tuyến 17. Thủ tướng Phạm Văn Đồng tự hào khoe với Chủ tịch Fidel Castro rằng ông là “người miền Nam lần đầu tiên được tranh thủ “thăm nhà” vài tiếng đồng hồ từ sau năm 1954”.

5 giờ 25 phút sáng, Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung và Thứ trưởng Ngoại giao Hoàng Bích Sơn (Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đón đoàn tại bờ Nam Sông Bến Hải.

Chuyến đi miền Nam Việt Nam của vị Lãnh tụ lịch sử của Cách mạng Cuba được giữ kín đến mức chỉ tới khi đích thân Chủ tịch Fidel Castro tiết lộ trong tiệc chiêu đãi chia tay ông ngày 16/9 tại Hà Nội, những người tham dự mới biết.

Tổng Tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam: Đỉnh cao của quan hệ ngoại giao - Ảnh 2.

Chủ tịch Fidel Castro cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh kỷ niệm bên đồn An ninh Nhân dân Bến Hải, địa cầu của miền Nam trong chuyến đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Fidel Castro cho biết ông đã đến thăm Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã vượt qua biên giới lãnh thổ giải phóng dọc theo Vĩ tuyến 17, đã thăm Cao điểm 241 và gặp gỡ cán bộ chiến sỹ của Lực lượng Vũ trang Giải phóng Nhân dân miền Nam Việt Nam cùng nhân dân Quảng Trị.

Lãnh tụ Fidel Castro hào hứng kể về cuộc gặp gỡ tại Cam Lộ với đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời và thời gian ông ở tỉnh Quảng Bình anh hùng, nơi “không một ngôi nhà, một tòa nhà, một trường học, một bệnh viện nào còn đứng vững". Chủ tịch Fidel Castro xúc động khi được tặng nắm đất đẫm mồ hôi và máu của một dân tộc rất đỗi anh hùng.

Lãnh tụ Fidel Castro bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước tình đoàn kết không gì lay chuyển, lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng, ý thức cách mạng, tinh thần quốc tế, lòng nhiệt tình, đức hy sinh, tinh thần đấu tranh và lao động của nhân dân Việt Nam. Qua mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro cảm nhận được dấu ấn của Đảng Cách mạng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân."

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro không chỉ là chuyến thăm đầu tiên mà còn là duy nhất của một nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến Vĩ tuyến 17, khi Quảng Trị vẫn còn nồng khói súng, quân địch vừa rút sau khi ký Hiệp định Paris, các băng đảng thù địch và biệt kích, gián điệp vẫn còn trà trộn trong dân.

Chuyến thăm Việt Nam năm 1973 của ông là đỉnh cao của quan hệ ngoại giao song phương, chính thức thiết lập từ ngày 2/12/1960, một sự kiện chưa từng có ở khu vực Mỹ Latinh, tiếp sau là việc thành lập Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam vào tháng 9/1963.

Nhân dân hai nước Cuba và Việt Nam mãi khắc ghi lời bất hủ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro ngày 2/1/1966: “Chúng ta sẵn sàng trao cho nhân dân Việt Nam không chỉ đường mà cả máu của chúng ta, thứ quý giá hơn đường rất nhiều!”.

Trong bài phát biểu trước khi lên đường về nước, Chủ tịch Fidel Castro xúc động: “Chúng tôi đến vùng đất anh hùng này với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam và chúng tôi ra đi với lòng ngưỡng mộ còn lớn hơn nữa".

Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố rằng ông trở về Cuba với niềm tiếc nuối duy nhất, đó là “không có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh," người mà nhân dân Cuba vô cùng khâm phục.

Nguồn: congdankhuyenhoc.vn

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 821

Tổng lượt truy cập: 7.326.505