Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Ngày 10/11/2023, di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội truyền thống Ariêu piing của người Tà Ôi (Pa cô)”, huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3420/QĐ-BVHTTDL.

Ariêu piing là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi/Pa Cô nói chung. Trải qua thời gian, trước xu thế phát triển của xã hội và sự giao thoa với các nền văn hóa khác, ở nhiều nơi, một số lễ hội truyền thống dần bị mai một và thậm chí là "tan biến" hẳn trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, với đồng bào Tà Ôi/Pa Cô, lễ hội Ariêu piing luôn sống mãi trong cộng đồng. Mặc dù tính chất, quy mô tổ chức lễ hội trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau, ít nhiều vẫn tồn tại những sự khác biệt nhất định. Nhưng có thể khẳng định rằng lễ hội Ariêu piing của người Tà Ôi/Pa Cô là một di sản văn hóa đặc trưng riêng có, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa tộc người, không thể pha lẫn với các dân tộc khác.

          Mỗi lần lễ hội Ariêu piing diễn ra là một ngày hội lớn của cộng đồng bản làng người Tà Ôi/Pa Cô. Nơi đây tập hợp được đông đảo người dân trong bản, vừa được đón tiếp nhiều thành phần khách mời (thông gia, làng kết nghĩa, làng huyết thống, làng lân cận, bạn bè xa gần) và kể cả những vị khách đặc biệt không mời mà đến (Ra dóoc) cùng với âm thanh của tiếng chiêng, tiếng trống... vang lên giữa chốn rừng xanh đã mang đến cho không gian lễ hội Ariêu piing thêm phần sôi động; đặc biệt lễ hội giải quyết được vấn đề tâm linh, làm thỏa mãn nhu cầu tâm lý của cộng đồng dân bản.

Lễ hội Ariêu Piing (xã A Ngo, huyện Đakrông).Ảnh: Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng

Ngoài A riêu ping người Tà Ôi còn có nhiều lễ hội  khác như A riêu A da, Puh boh… nhưng đối với người Tà Ôi, A riêu ping còn hơn cả một lễ hội bởi đây là dịp gắn kêt mọi người, giữa các dòng họ, giữa các làng, tình nghĩa giữa những người đang sống và sự tri ân với những người đi trước. Ân tình ấy có cội nguồn từ truyền thống dân tộc và là cội rễ của một cuộc sống thanh bình, yên vui và bền vững.

Trong thời gian tới, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh các biện pháp bảo vệ, phát huy di sản văn hóa nhằm bảo tồn và phát triển bền vững giá trị di sản gắn với phát triển du lịch để thu hút du khách gần xa đến với Quảng Trị./.

Ngô Lê Anh Thư - Phòng Quản lý Di sản Văn hóa.

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 424

Tổng lượt truy cập: 7.326.108