Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Thông điệp hòa bình từ Lễ hội “Vì hòa bình”

Tháng 8 năm 1947, một số nhân vật nổi tiếng đã họp Đại hội thế giới các nhà trí thức và đưa ra bản kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh cho hòa bình. Cũng chính bản kêu gọi này đã dẫn đến Đại hội lần thứ nhất các chiến sĩ hòa bình vào ngày 25/4/1949. Tại đại hội này, phong trào hòa bình thế giới ra đời.

 

Đến mùa Thu năm 1949, những Ủy ban Hòa bình đã được thành lập tại 70 nước. Trong khi đó liên tiếp có những đại hội, hội nghị, biểu tình đấu tranh cho hòa bình. Phong trào hòa bình thế giới họp Đại hội lần thứ 2 tại Vácsava (Ba Lan) vào tháng 11 năm 1950 và đã lập nên tổ chức Hội đồng Hòa bình thế giới.

Hội đồng Hòa bình thế giới 3 năm họp 1 lần để cử ra Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên đại diện. Việt Nam có 7 người tham gia Hội đồng, trong đó có luật sư Phan Anh là Phó Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng Hòa bình thế giới đã đưa ra lời kêu gọi cấm tuyệt đối vũ khí nguyên tử và tàn sát hàng loạt, với hơn 500 triệu chữ ký của các chiến sĩ hòa bình khắp năm châu vào năm 1950.

Ở Việt Nam, phong trào bảo vệ hòa bình thế giới đã góp phần tích cực vào phong trào chung để bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 10 họp ở La Habana (Cuba), tháng 2/1982 đã đề ra sáng kiến tiến hành “Ngày thế giới vì hòa bình”, hàng năm vào đúng ngày bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ 2 (01/9/1939) do phát xít Đức gây ra, nhằm nhắc nhở mọi người trên trái đất đề cao cảnh giác trước hành động cực kỳ nguy hiểm của chủ nghĩa đế quốc đang âm mưu xô đẩy loài người vào một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Ngày 20/8/1982, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tuyên bố tại Henxinki (Phần Lan) kêu gọi nhân dân thế giới lấy ngày 1/9 làm ngày đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho hòa bình, vì cuộc sống trên trái đất, chống vũ khí hạt nhân. Tuyên bố nhấn mạnh: “Ngày thế giới vì hòa bình” được tổ chức giữa các phong trào hòa bình đang phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới và đã trở thành một lực lượng có khả năng ngăn chặn cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 3.

Đất nước ta trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Quảng Trị lại là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Những tên đất, tên làng đi vào lịch sử như: Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Vịnh Mốc, Khe Sanh - Đường 9, Cồn Cỏ, Cửa Việt, Dốc Miếu, Cồn Tiên... lay động mạnh mẽ lương tri nhân loại, mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử. Là vùng đất chịu đựng quá nhiều hy sinh mất mát, đau thương, nên hòa bình trở thành khát vọng cháy bỏng.

Xuất phát từ nguyện vọng thiết tha và khát vọng hòa bình cháy bỏng của Nhân dân Quảng Trị cũng như ước nguyện của Nhân dân cả nước, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất với Trung ương cho phép Quảng Trị tổ chức Lễ hội “Vì Hòa bình”. Ngày 29/5/2020 Chính phủ đồng ý chủ trương tổ chức một lễ hội với thông điệp Hòa bình tại Quảng Trị và ngày 8/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản về tổ chức Festival Vì Hòa bình tại Quảng Trị. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại các kết luận liên quan, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 233/ KH-UBND ngày 10/12/2023 về tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 (Festival for Pence - 2024).

Chủ đề Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 là “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” được diễn ra cả năm 2024, cao điểm là từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2024. Việc tổ chức lễ hội Vì hòa bình phải đạt được mục tiêu: Tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch về mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, điểm đến vì hòa bình, biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị tàn phá khốc liệt do chiến tranh; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng bị chiến tranh hủy diệt như Quảng Trị trên toàn thế giới.

Huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các đơn vị hoạt động du lịch lữ hành, nâng cao chất lượng các tour tuyến, điểm đến, chương trình du lịch, cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ du lịch; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Yêu cầu là phải tích cực tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế; thống nhất nhận thức, đồng bộ trong phối hợp triển khai thực hiện giữa các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền trong tỉnh; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Các hoạt động được tổ chức phong phú, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức; phản ánh những nét văn hóa truyền thống và đương đại mang ý nghĩa quốc gia và quốc tế với những nét đặc trưng riêng có của Quảng Trị, tạo được thương hiệu thu hút du khách trong và ngoài nước.

Với ý nghĩa giáo dục, tôn vinh các giá trị hòa bình, Lễ hội Vì hòa bình phải vận động, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, tầng lớp nhân dân trong nước và quốc tế, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh của những nước đã giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam và những nước từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam.

Việc tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 được chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công các hoạt động chính trong khuôn khổ lễ hội định hướng làm tiền đề cho việc tổ chức các kỳ lễ hội sau này càng quy mô hơn. Thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa, coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá về lễ hội đến du khách trong và ngoài nước.

Nghiên cứu xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách. Xây dựng môi trường du lịch văn hóa an toàn và thân thiện. Gắn kết hoạt động của lễ hội với chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954- 2024) diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.

Các hoạt động chính Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Trước lễ khai mạc sẽ tổ chức Ngày hội đạp xe vì hòa bình với quy mô toàn quốc và mời vận động viên một số quốc gia cùng tham gia. Ngày hội Đạp xe vì hòa bình là dịp để giới thiệu một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với Nhân dân cả nước và nước ngoài, về khát vọng hòa bình của Nhân dân Việt Nam nói chung, người dân Quảng Trị nói riêng trong các cuộc đấu tranh vì nền hòa bình; xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Khai mạc Lễ hội Vì hòa bình, tổ chức tại di tích Đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải. Chương trình khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình là một chương trình nghệ thuật đa sắc thái, nhiều điểm chạm cảm xúc, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam mà trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, nơi đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng oanh liệt và ngày nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình ái hữu quốc tế và trầm tích lịch sử-con người thân thiện- văn hóa riêng có.

Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, là chương trình nghệ thuật phức hợp với nội dung chính là các tác phẩm âm nhạc ngợi ca hòa bình, thể hiện ước mong, khát vọng của toàn thể nhân loại về một thế giới bình yên, hạnh phúc, cùng với đó là các sắc màu tươi đẹp của cuộc sống, tình yêu. Chương trình sẽ là điểm nhấn lắng đọng những cảm xúc, suy tưởng của khán giả thưởng thức trong tổng thể các hoạt động Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền nắng gió” và giao lưu diều nghệ thuật quốc tế, được tổ chức tại Khu du lịch biển Cửa Việt. Chương trình lễ hội Văn hóa - Ẩm thực gồm hoạt động trình diễn, giới thiệu các món ăn Quảng Trị cũng như những tinh hoa ẩm thực tiêu biểu của các địa phương trên toàn quốc và quốc tế gắn với giao lưu, trình diễn diều quốc tế. Hoạt động này sẽ là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Vì Hòa bình trên mảnh đất Quảng Trị.

Chương trình “Ước nguyện hòa bình” là chương trình nhằm mục đích hướng tới những giá trị tốt đẹp trong đời sống, tri ân thế hệ trước đã hy sinh cho nền hòa bình của dân tộc, khơi gợi cảm hứng tự hào tiếp bước cho thế hệ hôm nay và mai sau vững tin trên hành trình hội nhập dựng xây đất nước, đồng thời tạo nên điểm chạm cảm xúc kết nối mọi người khắp nơi dọc miền đất nước và thế giới hội tụ về Quảng Trị.

Nội dung các hoạt động của sự kiện: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện. Tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc Sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị. Các hoạt động này diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ, nhà chùa...trên địa bàn tỉnh.

Nếu thuận lợi sẽ tổ chức hòa nhạc quốc tế “Giai điệu hòa bình” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị. Đây là chương trình quy tụ nhiều quốc gia tôn vinh giá trị hòa bình thông qua âm nhạc để gắn kết, truyền đạt thông điệp hòa bình, truyền cảm hứng sống tích cực.

Phần “Ký ức và con người Quảng Trị”, phản ánh những nét văn hóa truyền thống và đương đại với những đặc trưng, bản sắc riêng của mảnh đất và con người Quảng Trị, đó là tinh thần lạc quan, khát vọng sống, khát vọng phát triển, Quảng Trị là điểm đến hòa bình.

Phần 2 “Quảng Trị-Thế giới hòa bình” là hòa âm quốc tế với những giai điệu tiêu biểu của các nước, trong đó có những giai điệu mang đặc trưng Việt Nam và nét độc đáo của Quảng Trị, nhấn mạnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, Quảng Trị là điểm đến của hòa bình.

Thông điệp hòa bình tiếp tục vang lên kêu gọi, thúc giục nhân loại tiến bộ đoàn kết, nỗ lực thường trực cùng nhau kiến tạo và bảo vệ nền hòa bình bền vững. Việc tổ chức Lễ hội Vì hòa bình định kỳ tại tỉnh Quảng Trị mang ý nghĩa nhân văn và nhân loại.

Đây là cơ hội để Nhân dân Quảng Trị và Nhân dân Việt Nam thể hiện khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá góp phần tích cực cùng nhân loại bảo vệ nền hòa bình bền vững trên hành trình tươi đẹp của chúng ta; góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh Quảng Trị, hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm kiến tạo, giữ gìn, vun đắp nền hòa bình bền vững.

Nguồn: Nguyễn Văn Dùng (baoquangtri.vn)

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 314

Tổng lượt truy cập: 7.325.287