Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

           Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong việc tang, nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được loại bỏ. Tuy nhiên, tập tục địa táng truyền thống  người quá cố vẫn còn đó, chưa được thay thế bằng  hình thức hỏa táng văn minh, tiết kiệm và đang ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại.           

Về mặt khoa học, hoả táng góp phần giảm sức ép về quỹ đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, giảm sức ép cho các nghĩa trang, tiết kiệm thời gian, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, tránh lây lan dịch bệnh. So với hình thức địa táng truyền thống thì hỏa táng giúp tiết kiệm chi phí, vừa nhanh gọn, sạch sẽ, văn minh vì không phải qua cải táng, di dời mộ nên sẽ không ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, giảm đau thương cho người thân trong gia đình.
          Nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng và người dân trên địa bàn làng Vệ Nghĩa (xã Triệu Long) , bà con ngôi làng này có nguyện vọng và ý tưởng về lâu dài cần có một ngôi nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng” (thuộc địa phận làng Vệ Nghĩa), nhằm tạo điều kiện tốt cho môi trường sống, không phải tốn nhiều quỹ đất, phù hợp với sự văn minh, hợp vệ sinh trong việc chôn cất người chết, vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống về thờ cúng, tri ân người đã khuất. Nguyện vọng và ý tưởng này nhằm mục tiêu thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Làng Vệ Nghĩa là ngôi làng có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, được thành lập vào năm 1548, niên hiệu Thống nguyên dưới triều Hậu Lê, có nguồn gốc từ Thanh Nghệ Tĩnh vào khai hoang, lập nghiệp.

Từ khi làng Vệ Nghĩa được hình thành, có những vị khai canh, khai khẩn, tạo lập, hội tụ thêm nhiều dòng họ cùng kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, đoàn kết, lao động sáng tạo, hình thành nên lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa bản địa mang bản sắc mới mẽ, nhưng vẫn giữ được cái gốc của văn hóa người Việt từ phía Bắc. Bản sắc văn hóa trên vùng đất mới này có sự giao thoa giữa Văn hóa Việt và Văn hóa Chăm Pa để tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo, đa dạng nhưng vẫn tôn vinh hồn cốt của Văn hóa người Việt.

Làng Vệ Nghĩa là nơi được vinh danh thành lập một trong những Chi bộ Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Trị vào tháng 3/1930. Đây là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, truyền thống học tập, tôn sư trọng đạo, cần cù lao động, thông minh, sáng tạo; có nhiều di tích như Miếu Ông, miếu Bà gắn với các các hoạt động của các phong trào cách mạng (địa điểm miếu Bà Vệ Nghĩa được xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố ngày 20/8/2004 và địa điểm nhà ông Lê Quang Sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh thành phố ngày 20/8/2004). Làng Vệ Nghĩa đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong sự nghiệp giáo dục của quê hương, đất nước: Điển hình là Cụ Nguyễn Khắc Tuân, sắc thọ hậu quan văn dưới triều Nhà Nguyễn; thời hiện đại có Giáo sư-Tiến sĩ Giáo dục học Hồ Ngọc Đại,…và một số lĩnh vực khác. Làng Vệ Nghĩa được công nhận danh hiệu “Làng Văn hóa” cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2000, công nhận danh hiệu “Làng Văn hóa” cấp tỉnh lần thứ hai năm 2002-2005 và “Đơn vị Văn hóa xuất sắc” năm 2009, hiện đang đồng hành cùng các ngôi làng khác của tỉnh Quảng Trị và cả nước tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về mặt địa lý hiện nay, làng Vệ Nghĩa về phía đông giáp làng Duy Hòa (xã Triệu Hòa), phía tây giáp làng An Bình (xã Triệu Thuận), phía nam giáp làng Phù Lưu (xã Triệu Long), phía bắc giáp làng Đại Hào (xã Triệu Đại), với diện tích tự nhiên khoảng 35 ha, gồm 96 hộ, 460 nhân khẩu (Số liệu cũ).

Tượng đài vinh danh Chi bộ làng Vệ Nghĩa, một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị.

Là một ngôi làng đất hẹp, người thưa, nhưng Vệ Nghĩa trải qua gần 5 thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa, lịch sử truyền thống và cách mạng  đáng tự hào và trân trọng.

Cổng chào làng Vệ Nghĩa

           Làng Vệ Nghĩa hiện nay sáp nhập với làng Phú Lưu thành thôn Lưu Nghĩa) là một làng thuần nông, trong những năm đầu của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đã sớm thực hiện việc di dời mồ mã tập trung, nhưng do phong trào tự phát, thiếu khoa học trong quy hoạch, dẫn đến mồ mả được di dời tập trung vẫn nằm ngổn ngang thiếu ngăn nắp tại các khu dùng để chôn cất. Từ đó đến nay việc chôn cất người qua đời vẫn gặp khó khăn, do thôn Vệ Nghĩa có con Kênh thủy lợi N1 đi qua chia cắt làng, quy hoạch tổng thể chưa có nghĩa trang, nghĩa địa hoặc nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng”. Hiện tại, người qua đời chôn cất gặp khó khăn do quỹ đất ở làng không đáp ứng được. Đặc biệt hơn thế nữa hiện tại và trong tương lai sẽ gây lộn xộn, thiếu vẻ đẹp mỹ quan của bộ mặt nông thôn mới, lãng phí đất đai.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong đó việc quy hoạch nghĩa địa, nơi chôn cất người qua đời phải xa khu dân sinh sống là điều rất cần thiết. Thôn Lưu Nghĩa, xã Triệu Long đã lập quy hoạch đất nghĩa địa để quy hoạch các ngôi mộ nằm lẻ tẻ ở các cánh đồng và chôn cất người qua đời. Tuy vậy, vùng đất nghĩa địa được quy hoạch không xa nơi ở của khu dân cư (do khách quan). Chính vì lẽ đó, bà con dân làng Vệ Nghĩa đều có tâm tư, nguyện vọng và nhiệt huyết, đồng tình để xây dựng sớm một nghĩa trang hoặc một nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng”, vì nhu cầu này hết sức thiết thực nhằm thỏa mãn nhu cầu, đời sống Văn hoá tâm linh…

Trên cơ sở được nhiều người nhất trí, các vị chức sắc, Ban quản lý, điều hành làng Vệ Nghĩa, thôn Lưu Nghĩa đã và đang vận động nguồn vốn xây dựng nhà lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng theo phương thức xã hội hóa, dùng quỹ đất đã quy hoạch cho các họ tộc và gia đình để xây dựng công trình mang đầy ý nghĩa Văn hoá tâm linh này.

          Vì vậy, nếu được đưa vào quy hoạch và xây dựng một nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng” trong quá trình thực hiện nông thôn mới sẽ là cơ sở thuận lợi để chính quyền và nhân dân có cơ sở thực hiện tâm nguyện ngưỡng vọng, kính trọng, tôn thờ người đã khuất. Khi đã có một ngôi nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng” miễn phí (Không phải dịch vụ) không những sẽ tiết kiệm được chi phí mà còn thực hiện được ước nguyện của bà con dân làng cả về mặt tâm linh mang đầy ý nghĩa nhân bản, đạo lý. Từ đây, với xu thế phát triển của tư duy hiện đại, thì tin chắc người hiến tạng trước hoả táng sẽ ngày càng nhiều hơn, sẽ góp phần cứu sống những mảnh đời bất hạnh.

Hiện nay, khi đất đai trở nên khan hiếm và số lượng dân cư ngày càng tăng, việc tìm kiếm giải pháp lưu trữ tro cốt của người thân đã qua đời trở nên ngày càng quan trọng. Điều này không chỉ là nhiệm vụ cần thiết không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn là cách thể hiện sự tôn trọng và tri ân của chúng ta đối với ông bà, cha mẹ và tổ tiên. Mô hình về ngôi nhà lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng ở làng Vệ Nghĩa, thôn Lưu Nghĩa đã được định hình gồm tầng trệt là nơi lưu giữ tro cốt bằng tủ lưu có cấu trúc khoa học, hợp lý, thuận tiện cho người thân đến chăm sóc, hương khói cho người thân đã mất, tầng một là nơi người thân của người quá cố có thể nghỉ ngơi, lưu trú tạm thời khi đường sá xa xôi.

Một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra là cần có những giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học, hợp lý với tro cốt người qua đời sau hỏa táng được đưa vào Nhà lưu giữ. Nên chăng: Có sổ sách cập nhật để người quản lý trực tiếp theo dõi theo sự chỉ đạo,  phân công của chính quyền, hoặc các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Cùng với việc này, Nhà lưu giữ tro cốt làng Vệ Nghĩa có thể trang bị thêm Camera giám sát để những người đến dâng hương, hoa, cúng bái cho người thân đã quá cố của mình có được những hình ảnh đạo lý, thành kính, ngưỡng vọng.

Mô hình về ngôi nhà lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng ở làng Vệ Nghĩa, thôn Lưu Nghĩa

Rất mong sự đồng thuận cao của bà con, sự chấp thuận của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong việc đưa vào Quy hoạch xây dựng của thôn Lưu Nghĩa một ngôi nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng” (thuộc địa phận làng Vệ Nghĩa từ trước tới nay), sớm đi vào hiện thực cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xây dựng nông thôn mới theo quan điểm của Đảng và Nhà nước.

                              Lê Văn Hà (Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh) - Trần Quang

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 147

Tổng lượt truy cập: 7.235.998