Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Cam Lộ

Chiều ngày 05/7/2022, huyện Cam Lộ tổ chức hội nghị phát triển du lịch năm 2022 nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế và xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

 

Huyện Cam Lộ có diện tích tự nhiên hơn 346.000 km2, dân số gần 50.000 người. Là địa phương nằm về cửa ngõ phía Bắc và phía Tây của TP. Đông Hà, với nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua nên có các lợi thế để phát triển KT-XH nói chung và du lịch nói riêng. Với tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cam Lộ-Túy Loan... gắn kết với Hành lang kinh tế Đông-Tây, tạo thuận lợi trong giao lưu liên tỉnh và quốc tế.

 

Địa hình Cam Lộ chia thành 3 vùng rõ rệt là miền núi, trung du gò đồi và đồng bằng dọc theo sông Hiếu với núi rừng, sông, suối, hồ đập tạo nên nhiều phong cảnh đẹp.

 

Cam Lộ cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như: Thành Tân Sở nơi Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam, Chợ Phiên Cam Lộ…; các thắng cảnh thiên nhiên, gồm: Đồi Rockpile – Khu du lịch Sơn Tuyền Lâm, suối Đá Bàn, Khe Gió, Hang Dơi… có thể phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.

 

Với lợi thế là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, Cam Lộ hiện có kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và đồng bộ. Trong đó, hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư, mạng lưới cơ sở lưu trú có bước phát triển.

 

Ngoài ra, địa phương có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, sản vật tự nhiên và nuôi trồng đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm của du khách. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Cam Lộ mặc dù chưa nhiều nhưng đều tăng hàng năm, ước đạt 12.000 lượt.

 

Định hướng của ngành du lịch huyện Cam Lộ trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch dựa trên tiềm năng và thế mạnh của địa phương với các loại hình: Du lịch di tích lịch sử cách mạng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề. Phát triển du lịch hài hòa trong tổng thể nền kinh tế góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, với tiềm lực và quy mô kinh tế của huyện, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, du lịch trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chưa được khai thác bài bản để phát huy các tiềm năng lợi thế sẵn có; việc xây dựng các điểm đến chưa tương xứng, chưa tạo được các sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn, thường xuyên…

 

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch trong tỉnh đã đóng góp ý kiến cho sự phát triển du lịch của Cam Lộ. Trong đó, tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp, ý tưởng về quy hoạch, quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.

 

Đồng thời, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư phát triển du lịch tại địa phương để cùng bàn giải pháp tháo gỡ. Thông qua hội nghị lần này, huyện Cam Lộ mong muốn sẽ tìm được tiếng nói chung để mở ra những cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và hợp tác trên lĩnh vực du lịch của địa phương. 

 

Trước đó, huyện Cam Lộ cùng các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch đã đi khảo sát thực tế tại Chợ Phiên Cam Lộ, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân (xã Cam Tuyền), Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam (thị trấn Cam Lộ), Khu du lịch Sơn Tuyền Lâm (xã Cam Thành), Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (xã Cam Chính).

 

Lê Trường - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 844

Tổng lượt truy cập: 7.326.528