Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Huyện Đakrông có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là Vân Kiều, Pa Kô và Kinh, trong đó trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã tạo nên bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện.

 

Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Huyện ủy Đakrông đã ban hành Nghị quyết 06/NQ/HU, ngày 17/11/2011 về Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 và Kết luận số 09-KL/HU, ngày 1/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa. Trên cơ sở này, HĐND huyện ban hành các nghị quyết về chính sách, UBND huyện tiếp tục cụ thể hóa bằng các giải pháp để đưa công tác bảo tồn và phát triển văn hóa; đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn trở thành nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp, các ngành. Các chủ trương, chính sách phù hợp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành nhiều phong trào văn hóa ở các địa phương trong toàn huyện, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nổi bật là đã chú trọng lưu giữ, bảo tồn phong tục, tập quán của địa phương, nhất là phong tục, tập quán của người Vân Kiều, Pa Kô trong tổ chức lễ cưới, tang lễ và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Quan tâm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết Bru - Vân Kiều thông qua việc phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật là người DTTS. Bảo tồn văn hóa vật thể thông qua công tác khảo sát, thống kê và có kế hoạch lưu giữ các vật dụng sản xuất, vật dụng sinh hoạt đời thường của đồng bào DTTS. Qua điều tra khảo sát, hiện nay toàn huyện còn khoảng 500 chiếc cồng chiêng, 18 loại nhạc cụ truyền thống và nhiều dụng cụ lao động sản xuất độc đáo được người dân lưu giữ tại gia đình và sử dụng trong đời sống hằng ngày. Coi trọng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với tôn vinh nghề và văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương. Bước đầu đã hình thành và giới thiệu các sản phẩm như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, chổi đót ra thị trường; tôn vinh và nhân rộng văn hóa ẩm thực truyền thống như cơm lam, cơm nếp cẩm, cháo ốc đá, cháo đoác, cá mát, gà bản, rượu cần, rượu đoác, rượu men lá Ba Nang và các sản phẩm nông sản đặc trưng như đỗ xanh giống địa phương, chuối lùn Tà Rụt, sắn rẫy, rau rớn, tiêu rừng, củ một… Việc tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa; tổ chức tập huấn, đào tạo nghệ nhân về nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân cồng chiêng… được quan tâm. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều - Pa Kô; mua sắm, sưu tầm và trưng bày 196 hiện vật là công cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của người DTTS. Xây dựng 1 nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Kô tại xã A Ngo; khôi phục 16 ngôi nhà bản truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Đakrông; xây dựng mới 3 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn bản, 3 nhà văn hóa xã theo tiêu chuẩn nông thôn mới... Từng bước khôi phục, bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống như dân ca hát oát, xa-nớt của người Vân Kiều, hát ca-lơi-cha-chấp của người Pa Kô, đánh cồng chiêng, xây dựng và phát triển các đội cồng chiêng, đội văn nghệ dân gian. Hiện huyện có trên 6 làn điệu dân ca sắc và 11 lễ hội truyền thống đã được đưa vào hạng mục bảo tồn và phát triển; có 14 đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng để phổ biến và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Công tác bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là hoạt động du lịch - dịch vụ. Thời gian tới, cùng với nội lực của mình, huyện đề xuất UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ các dự án từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cho huyện để tiếp tục đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS. Xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện”.

Kô Kăn Sương - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 827

Tổng lượt truy cập: 7.326.511