Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là Chương trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu là để xây dựng nền hành chính của tỉnh theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

 

Cũng cần phải thấy rằng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng điểm qua từng năm (từ 57,32 điểm năm 2015 lên 63,84 điểm năm 2019); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) luôn thuộc nhóm đầu của cả nước.

 

5 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 73.423 tỉ đồng, tăng 1,55 lần; số dự án được cấp phép đầu tư tăng gấp 2,2 lần và tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 4,46 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 26 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 8.884 tỉ đồng; 9 dự án được cấp đăng ký đầu tư với tổng vốn 287,93 tỉ đồng. Lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, du lịch, nông nghiệp và các dự án trọng điểm.

 

Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề ra giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục đối với doanh nghiệp. Số doanh nghiệp được thành lập mới tăng qua các năm, đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gần 4.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 44.827,6 tỉ đồng. Công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng lộ trình. Các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa đã phát huy hiệu quả, một số doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao. Vấn đề đặt ra cần quan tâm hiện nay là thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt thấp; quy mô, năng lực nền kinh tế còn hạn chế; chưa khai thác hiệu quả lợi thế từ Hành lang kinh tế Đông - Tây…

 

Để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong những năm tới, định hướng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá để phát hiện và kiên quyết cắt giảm, hoặc đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính trong những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp còn gặp phiền hà; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với đó là công khai, minh bạch việc cung cấp thông tin, tài liệu pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; thực hiện nghiêm túc cam kết giữa người đứng đầu các sở, ngành, địa phương với lãnh đạo tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, nhất là về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

 

Mặt khác, tập trung xây dựng, vận hành hiệu quả chính quyền điện tử, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản lý, điều hành. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PAR INDEX; phấn đấu PAR INDEX và chỉ số PAPI thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu PCI nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hoàn thành cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; thoái phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa theo lộ trình đề ra; các đơn vị sự nghiệp công lập hướng tới tự chủ kinh phí hoạt động. Thí điểm xây dựng một số đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh; triển khai có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

 

Quá trình phát triển, tiếp tục sắp xếp, đổi mới nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Huy động và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu, ban hành chính sách địa phương để tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng liên kết với hợp tác xã và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Tập trung mọi nỗ lực thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; quyết liệt trong giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án được hỗ trợ đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam, sớm đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

 

Nguồn: Báo Quảng Trị

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 414

Tổng lượt truy cập: 7.326.098