Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Sáng 24/11/2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương, các nhà khoa học, nhà văn hóa, tri thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước.

 

Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân, ông cha ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng, trong những năm qua, đặc biệt là những năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.Đây là một hội nghị rất quan trọng nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới và đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Hội nghị đã nhận được gần 150 bài viết của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố cũng như các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài... Các bài viết đã tập trung làm rõ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, những thành tựu to lớn cũng như những hạn chế, yếu kém, những vấn đề còn tồn tại phải giải quyết, nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót và giải pháp khắc phục, như: quan điểm, nhận thức, cơ chế quản lý, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, tuổi lao động đối với các ngành nghệ thuật đặc thù, cơ chế tự chủ của các đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, hay những kinh nghiệm trong quản lý và phát triển văn hóa ở cơ sở... Những ý kiến tâm huyết của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật sẽ là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Với thời gian một ngày, Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội) kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 250

Tổng lượt truy cập: 7.325.934