Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Cúng giỗ chung cho liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị

Cùng với sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được coi là nghĩa trang không bia mộ, bởi thân xác nhiều anh hùng liệt sĩ đã hoà chung vào lòng đất. Đó là lý do có ngày giỗ chung cho liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị.

Đúng 17h ngày 16/9, Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị cùng cán bộ, nhân viên ngành Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ cúng giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ Thành cổ.

Lễ giỗ chung được tiến hành theo nghi thức mâm cúng của người Việt. Ngoài thức ăn ngon, trên mâm giỗ chung không thể thiếu hương hoa, gà, xôi, chè, trà, rượu, vàng mã…

Bà Cáp Thị Thiên Trang – Trưởng Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị cho biết, trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị là địa bàn đặc biệt quan trọng, nơi diễn ra những trận đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972).

Ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng (thuộc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị) sửa soạn, làm lễ cúng giỗ chung các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Vũ

Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị. Máu của các anh đã hòa vào lòng đất, hoà vào dòng sông Thạch Hãn để góp phần mang lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Ai đã từng xem bộ phim "Mùi cỏ cháy" sẽ phần nào hiểu được sự khốc liệt của 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Sau khi làm lễ cúng ở khu vực trung tâm, mọi người đi thắp hương ở những địa điểm khác. Ảnh: Ngọc Vũ

Ngày 16/9/1972 là ngày kết thúc 81 ngày đêm quyết tử vì mảnh đất Thành cổ. Vì vậy, Ban Quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị lấy ngày đó là ngày giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ nằm lại nơi đây. Đến nay, đã tổ chức giỗ chung được 20 lần.

Biết tin, cán bộ, nhân viên trong ngành Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đều đặn tham gia, mỗi người mỗi việc.

"Không có mâm cao cỗ đầy, nhưng đó là tấm lòng biết ơn của chúng tôi nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ" – bà Trang chia sẻ.

Cùng với dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được coi là 2 nghĩa trang không bia mộ ở Quảng Trị. Tại Thành cổ chỉ có ngôi mộ chung, thờ chung các anh hùng liệt sĩ.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 60.000 mộ liệt sĩ đang an nghỉ. Dù là tỉnh còn khó khăn về kinh tế nhưng bằng tấm lòng tri ân của mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn chăm sóc tốt phần mộ các anh hùng liệt sĩ.

 

Ngọc Vũ - báo Dân Việt

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 709

Tổng lượt truy cập: 7.325.682