Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

“Kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin và tri thức trực tuyến một cách kịp thời, thuận lợi và hiệu quả - Đó là những việc làm thiết thực mà ngành Thư viện đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để tham góp vào cuộc chiến chống dịch của toàn dân tộc...”, TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trả lời PV Báo Điện tử Tổ quốc.

 

Xin Vụ trưởng cho biết, trong Quý I/2020, Vụ Thư viện đã triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào? Kế hoạch trong thời gian tới là gì?

 

- Quý I năm 2020 là một thời gian nhiều áp lực đối với Vụ Thư viện. Cùng một lúc Vụ Thư viện đã phải triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đến hướng dẫn các thư viện địa phương ứng phó với dịch bệnh Covid -19. Một số công việc Vụ đã thực hiện gắn với các nhiệm vụ của năm gồm:

 

Một là: Cùng với các đơn vị, Vụ Thư viện chức năng hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện.

 

Hai là: Hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng ký ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, bao gồm: "Thông tư quy định mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện"; "Thông tư quy định về việc bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và sử dụng tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện"; "Thông tư quy định về đánh giá hoạt động thư viện"...

 

Ba là: Triển khai các nội dung phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam".

 

Bốn là: Tiếp tục hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện, trình Bộ trưởng ký ban hành.

 

Năm là: Tham mưu ban hành một số văn bản hướng dẫn các Sở VHTTDL VHTT, VHTTTTDL, các thư viện triển khai các nhiệm vụ trong năm như: Hướng dẫn địa phương tổ chức Hành trình ánh sáng tri thức tổ chức cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc 2020" vòng sơ khảo, công tác thi đua khen thưởng…

 

Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn ký kết 2 chương trình phối hợp công tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ Nhân dân học tập suốt đời và với Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục phổ thông Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

 

Kế hoạch trong thời gian tới, Vụ Thư viện có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, nhưng quan trọng nhất là việc phổ biến Luật Thư viện và những văn bản hướng dẫn để Luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo thêm điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Đồng thời, Vụ cùng các đơn vị chức năng cũng triển khai các hoạt động liên quan đến việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, hoàn thiện dự thảo Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" để có thể trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11.

 

Trong thời gian qua, ngành Thư viện đã thực hiện và có những hành động thiết thực gì để góp phần phòng chống đẩy lùi đại dịch Covid-19?

 

- Ngay từ khi dịch bệnh mới xuất hiện, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, nhận thấy thư viện là nơi phục vụ Nhân dân đọc sách, phần lớn thư viện công cộng cấp tỉnh đều có trang thông tin điện tử, chúng tôi đã chủ động tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn. Thừa lệnh Bộ trưởng, Vụ Thư viện đã ban hành công văn số 445/BVHTTDL-TV ngày 06/2/2020 gửi các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và triển khai một số biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tôi cũng đã có bài viết "Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trực tuyến trong các thư viện" để nêu ra những giải pháp và biện pháp phát huy vai trò là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường hỗ trợ bạn đọc học tập suốt đời trong mọi hoàn cảnh.

 

Ngoài ra, Vụ Thư viện đã phối hợp với Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thư viện Cần Thơ biên soạn 3 thông tin chuyên đề: "Phòng chống và đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra", "Những điều cần biết về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra và biện pháp phòng chống" và "Chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19" để góp phần vào công tác tuyên truyền trên không gian mạng.

 

Các thư viện góp phần vào công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh bằng cách tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến bạn đọc và mọi tầng lớp nhân dân - qua công tác phục vụ tại thư viện, ngoài thư viện và trên trang thông tin điện tử của thư viện - một cách kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương các tài liệu và thông tin hữu ích về dịch bệnh và cách ứng phó với dịch bệnh. Toàn ngành thư viện đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng dịch trong công tác phục vụ người sử dụng, nhiều thư viện đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến.

 

Một số thư viện công cộng cấp tỉnh đã hỗ trợ bạn đọc từ xa, cung cấp thẻ đọc sách điện tử miễn phí, tích cực tuyên truyền về phòng chống COVID-19 qua các thông tin chuyên đề trên website của thư viện. Thư viện Khoa học Công nghệ Quốc gia, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội đã thường xuyên cập nhật các bài nghiên cứu về COVID-19 để phổ biến cho các nhà nghiên cứu và sẵn sàng cung cấp tài khoản miễn phí cho các nhân viên y tế. Thư viện một số trường đại học đã tiếp tục hỗ trợ cho sinh viên và học viên từ xa với các hình thức khác nhau. Các mô hình này đang tiếp tục phát huy, nhân rộng.

 

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, Vụ Thư viện đã tặng gần hơn 4.000 cuốn sách cho các bác sĩ, y sĩ; người thân của các bác sĩ, y sĩ của 6 bệnh viện… với mong muốn được chung tay, tiếp sức và tạo động lực tinh thần cho "lực lượng tuyến đầu" trên mặt trận chống dịch và những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại một số bệnh viện. Vụ Thư viện đã nhận được sự chung tay của Công ty Trí Việt - First News (2000 cuốn), Alphabooks (1000 cuốn) và Mọt sách Mogu (200 cuốn).

 

Cùng với cả nước và các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, thực hiện lời kêu gọi hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng chống đại dịch Covid -19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, mỗi cán bộ quản lý, nhân viên thư viện đã là một người "chiến sĩ" góp phần tuyên tuyền về phòng chống dịch bệnh và giúp người đọc có thể sử dụng thời gian ở nhà của mình một cách hiệu quả hữu ích qua việc kết nối, cung cấp và chia sẻ thông tin và tri thức trực tuyến một cách kịp thời, thuận lợi và hiệu quả. Đó là những việc làm thiết thực mà ngành thư viện đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để tham góp vào cuộc chiến chống dịch của toàn dân tộc.

 

 

 

Vụ Thư viện đã tặng gần hơn 4.000 cuốn sách cho các bác sĩ, y sĩ; người thân của các bác sĩ, y sĩ của 6 bệnh viện…

 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Hà Nội và một số tỉnh/thành phố tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 được Ngành thư viện triển khai như thế nào, thưa Vụ trưởng?

 

- Hưởng ứng ngày sách Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh, Hà Nội và một số tỉnh/thành phố tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngành thư viện đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, phục vụ trực tuyến. Một số thư viện đã tổ chức triển lãm sách trực tuyến để bạn đọc xa gần. Từ thiết lập ban đầu của tôi, ngành thư viện đã có sự chung tay hình thành kênh "Cùng bạn đọc sách" như một hoạt động để kỷ niệm Ngày Sách Việt Nam.

 

 

 

Kênh "Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức" mới chỉ ra mắt được hơn 1 tuần đến thời điểm hiện tại đã thu hút hơn 12 nghìn lượt xem.

 

Để góp phần giúp cho mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích theo Chỉ thị của Chính phủ, Vụ trưởng đã có sáng kiến thiết lập kênh "Cùng bạn đọc sách: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức" có thể nói là vô cùng bổ ích -giúp bạn đọc bạn đọc có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, chia sẻ cảm tưởng, kinh nghiệm đọc sách, lan tỏa tình yêu đọc sách... Vậy, mục đích mà Kênh muốn hướng tới là gì?

 

- Tôi thiết lập kênh "Cùng bạn đọc sách" với mục đích: Truyền cảm hứng, Kết nối và Lan tỏa tri thức cho mọi người, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Kênh được thiết lập với mục tiêu ban đầu là góp phần giúp cho mọi người sử dụng thời gian ở nhà một cách hữu ích theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, nhưng về lâu dài, tôi mong muốn kênh này sẽ trở thành một địa chỉ quen thuộc, giúp mọi người vừa giải trí, vừa học tập một cách hiệu quả. Từ đó, sẽ lan tỏa tình yêu và niềm vui đọc sách, hình thành và khôi phục lại thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Ban đầu, Kênh gồm 4 mục:

 

1. Sách hay nên đọc: Giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc.

 

2. Đọc sách cùng bạn: Cung cấp các sách nói, kể chuyện sách.

 

3. Góc bạn đọc: Nơi bạn đọc chia sẻ cảm tưởng, kinh nghiệm đọc sách, lan tỏa tình yêu đọc sách.

 

4. Góc dành cho người yêu văn hóa đọc: Góc dành cho tất cả những ai tâm huyết với văn hóa đọc, bao gồm: Các tác giả, người làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành và tất cả những ai đang âm thầm ngày đêm góp phần phát triển văn hóa đọc của đất nước.

 

Tuy nhiên, qua thực tế, xuất phát từ nhu cầu rất lớn của các bậc phụ huynh và giáo viên đề xuất, từ ngày 19 tháng 4 tôi đã mở thêm mục: Góc thiếu nhi để cho quý bạn đọc quan tâm tiện theo dõi và tìm xem.

 

Khi thiết lập kênh, tôi đã được gia đình hỗ trợ và đồng nghiệp trong nước cùng những người tâm huyết với văn hóa đọc ủng hộ. Không chỉ có các thư viện mà các trung tâm văn hóa thông tin cấp huyện và ngay cả bạn đọc cũng sẵn sàng hợp tác, chia sẻ những clip để chia sẻ những cuốn sách hay, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp đọc và lan tỏa tình yêu đọc sách. Mặc dù mới ra mắt được hơn 1 tuần nhưng kênh đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhiều bạn đọc đã gọi điện, nhắn tin gửi lời cảm ơn. Nhưng về lâu dài, muốn phát triển và mở rộng kênh thì sẽ phải có đầu tư và chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân.

 

Mong muốn lớn nhất của tôi là kênh "Cùng bạn đọc sách" không chỉ góp phần truyền cảm hứng, tạo kết nối và phát triển tình yêu đọc sách mà còn hỗ trợ cho mọi người, đặc biệt là trẻ em trong việc tìm kiếm và sử dụng tri thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao kỹ năng sống hình thành lối sống đẹp và nhân ái hơn.

 

Xin chân thành cảm ơn Vụ trưởng !

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 14344

Tổng lượt truy cập: 7.324.597