Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Kho di sản văn hóa phi vật thể vô giá

Quảng Trị hiện có khoảng gần 30 lễ hội truyền thống lớn nhỏ, đây là kho di sản văn hoá vô giá, là nền tảng và động lực để chúng ta phát triển nền kinh tế, văn hoá và xã hội tỉnh nhà.

 

Văn hóa phi vật thể Quảng Trị thể hiện rất rõ yếu tố đa vùng miền, bao gồm vùng núi, vùng biển và vùng đồng bằng. Thời gian diễn ra mỗi lễ hội phụ thuộc vào đặc thù của từng lễ hội đó. Đa phần các lễ hội diễn ra vào mùa xuân như lễ hội chùa, đền, miếu, hội làng. Một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất và tổ chức sớm nhất là lễ hội Đền Bích La xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong diễn ra ngày 2-3/01 Âm lịch; Hội Cướp Cù Gio Linh diễn ra ngày 4/01 Âm lịch; Lễ hội Chèo cạn vùng Vĩnh Linh, Gio Linh; Lễ hội đua thuyền từ ngày 2- 8/01 Âm lịch tại vùng sông Hiếu, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu… Lễ hội không chỉ là dịp bày tỏ tri ân công đức tổ tiên đã có công khai đất, mở cỏi, mà cái toát lên trên hết chính là giá trị giáo dục sâu sắc thế hệ trẻ đối với lớp người đi trước. Ngoài ra, một loạt các lễ hội di tích lịch sử cách mạng cũng được diễn ra vào các thời gian khác trong năm: Lễ hội Thống Nhất Non Sông; Huyền thoại Trường Sơn; Nhịp cầu Xuyên Á;  Lễ hội Thả đèn hoa đăng Quảng Trị; Lễ hội Cần Vương vùng Cùa Cam Lộ; Lễ hội tôn giáo như Lễ hội Kiệu La Vang, Lễ hội Tổ đình Sắc Tứ… nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, tín ngưỡng của du khách thập phương. Những năm gần đây, lượng khách đến với các lễ hội truyền thống của Quảng Trị ngày càng đông. Có được điều này là do công tác quản lý lễ hội ngày càng đi vào nề nếp; các di tích được tu sửa, tôn tạo; giao thông thuận lợi hơn; và nhu cầu tín ngưỡng của người dân ngày càng tăng.

 

Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số hầu hết được tổ chức vào những tháng mùa Xuân, Thu. Có thể kể như lễ hội Mừng lúa mới; Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Hướng Hóa và Đakrông; Lễ hôi A Riêu Ping của đồng bào Pa cô… Đáng chú ý, những năm gần đây, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phục dựng lại một số lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sau nhiều năm mai một. Ngay lập tức, các lễ hội này đã tìm lại được vị thế của nó trong đời sống văn hoá tinh thần và được người dân địa phương hào hứng đón nhận, như lễ hội A Riêu Ping; Lễ hội Púc Po (Cầu mùa); Ngày hội Văn hoá thể thao các dân tộc ở huyện Đakrông. Dù cách thức tổ chức lễ hội của mỗi dân tộc khác nhau, ngôn ngữ khác nhau nhưng tựu chung lại đều cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu cho một năm mới nhà nhà no ấm, người người mạnh khoẻ; bên cạnh đó còn là nhu cầu giao lưu văn hoá văn nghệ trước khi bước vào lao động sản xuất của năm mới. Mặt khác, thông qua các lễ hội truyền thống này, nhiều nét văn hoá trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào như đánh cồng chiêng, khèn bè, tù và… được lưu giữ, bảo tồn cho các thế hệ mai sau.

 

 

Lễ hội A Riêu Ping

 

Cùng với sự quan tâm của các cấp bộ, ngành, nhìn chung hầu hết các lễ hội truyền thống của Quảng Trị đã và đang được phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều lễ hội đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Quan trọng hơn, thông qua các lễ hội đã góp phần củng cố, tăng cường mối đoàn kết gia đình, dòng họ, làng xã; khơi dậy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhất là giới trẻ. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập như hiện nay, việc triển khai chương trình nông thôn mới nói riêng và bảo tồn các di sản văn hóa nói chung là việc làm hết sức cần thiết.

 

Nguồn tin: dulich.quangtri.gov.vn

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 395

Tổng lượt truy cập: 7.327.054