Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa tích cực vận động chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia học nghề đan lát mây tre để giúp chị em vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình vừa góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

 

Hướng Tân là xã ở vùng khó có phong trào phụ nữ tham gia đan lát phát triển khá mạnh. Toàn xã có hơn 400 hội viên phụ nữ thì có trên 20% hội viên biết nghề đan lát và thường xuyên đan. Nhờ sự giúp đỡ của những chị lành nghề ở địa phương, hơn 2 năm nay chị Hồ Thị Ca Roong ở thôn Trằm, xã Hướng Tân dành phần lớn thời gian nhàn rỗi của mình để đan các vật dụng truyền thống như a đư, a chói, pả điên, tro… Đa số sản phẩm của chị làm ra phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình hoặc khách đặt hàng. Mặc dù sản phẩm của chị chưa đa dạng và bắt mắt do chưa có nhiều kinh nghiệm, tuổi nghề nhưng chị vẫn cảm thấy rất yêu thích công việc này.

 

Chị Ca Roong chia sẻ: “Ngày xưa trong gia đình của tôi, đan lát chủ yếu là công việc của đàn ông, phụ nữ chỉ có sử dụng. Ngày nay, việc đan lát không phân biệt đàn ông hay phụ nữ nữa mà ai tâm huyết với nó đều được truyền nghề. Vì muốn tự tay đan các vật dụng cho gia đình và giữ gìn nghề truyền thống nên 2 năm trước tối nào tôi cũng đến nhà các hội viên phụ nữ trong thôn để xem và học hỏi nghề đan lát từ họ. Các bà, các chị biết đan rất nhiệt tình bày vẻ, hướng dẫn những người mới tập đan. Khi biết đan rồi mỗi lần lên rẫy tôi tranh thủ tìm chặt tre, nứa mang về nhà để có vật liệu đan thường xuyên vào buổi tối hoặc những lúc mưa gió. Thấy tôi đan lát, các con, cháu cũng hay đến nhà xem và học nghề nên không khí trong gia đình lúc nào cũng vui vẻ”.

 

Đa số sản phẩm đan lát của chị em ở Hướng Tân vừa bền, vừa đẹp nên một số chị có khách hàng tìm đến tận nơi đặt mua. Nhờ thế, các chị có thêm nguồn trang trải cuộc sống hằng ngày của gia đình. Chị Hồ Thị Sương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hướng Tân cho biết: “Ngoài đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Phụ nữ xã còn khuyến khích chị em ở các thôn bản đoàn kết, giúp đỡ nhau học nghề đan lát để phát triển kinh tế cũng như gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, hiện phần lớn chị em đan lát chủ yếu phục vụ gia đình, còn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ để hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nghề truyền thống thuận lợi hơn, đặc biệt là kết nối, giúp cho sản phẩm của chị em có thị trường tiêu thụ ổn định”.

 

Với lợi thế là địa phương được thiên nhiên ban tặng nguồn vật liệu đan lát là tre, nứa, mây rừng khá dồi dào nên Hội phụ nữ các cấp ở Hướng Hóa thuận lợi trong việc đẩy mạnh phong trào phụ nữ tham gia duy trì và phát triển nghề đan lát truyền thống. Hưởng ứng phong trào, nhiều chị em vùng khó đã dành thời gian nhàn rỗi của mình để tìm đến các nghệ nhân hoặc những chị đan lành nghề ở thôn bản học nghề truyền thống; tích cực giúp đỡ, hướng dẫn nhau cách đan, mẫu đan, tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực trong hội viên phụ nữ. Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, chị em đã tạo nên những sản phẩm bền, chắc, thẩm mỹ. Công việc này đòi hỏi chị em phải có sự kiên trì, chịu khó từ việc lên rừng chọn, chặt loại tre, nứa, mây có độ tuổi từ 3 năm trở lên về ngâm nước, sấy khô, chẻ lạt, vót lạt…; thời gian đan cũng mất từ 1 - 3 ngày tùy theo từng loại sản phẩm. Ngoài phục vụ nhu cầu cuộc sống gia đình thì một số sản phẩm của chị em đã được bán ra thị trường trong, ngoài huyện và bán cho các dự án phi chính phủ theo đơn đặt hàng với giá bình quân 150 - 300 nghìn đồng/sản phẩm. Những dịp trao đổi, học nghề đan lát giúp chị em có cơ hội phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, nuôi dạy con ngoan và khỏe mạnh; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương.

 

Nghề đan lát mất khá nhiều thời gian, cần sự kỳ công, tỉ mẫn, trải qua nhiều công đoạn nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao nên ngày càng ít người mặn mà với nghề này. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người chủ yếu muốn sử dụng những đồ dùng hiện đại, ít ưa chuộng đồ đan lát. Nắm bắt thực tế đó, với mục đích bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Hội phụ nữ các cấp ở Hướng Hóa tích cực vận động hội viên dồn tâm huyết để duy trì và phát huy nghề truyền thống.

 

Chị Hồ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với các chương trình, dự án phi chính phủ có kế hoạch hỗ trợ các mô hình sản xuất, mô hình lao động việc làm, trong đó có nghề đan lát truyền thống của đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, đầu tư, hỗ trợ cho chị em được học nghề, phát triển nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm đan lát. Vận động chị em thành lập các tổ, nhóm sản xuất, tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng. Qua đó, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho phụ nữ vùng khó”.

 

Nguồn tin báo Quảng Trị

Đang truy cập: 15

Hôm nay: 14484

Tổng lượt truy cập: 7.324.737