Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tà Puồng - Quảng Trị tỏa sáng giữa đại ngàn

Quần thể danh thắng Tà Puồng thuộc xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dưới mầu xanh của rừng nguyên sinh đông dãy Trường Sơn, thác Tà Puồng hiện ra ngoạn mục như một bảo tàng thiên nhiên về “nước” và “đá”, đưa du khách lãng du vào thế giới tự nhiên hấp dẫn với xúc cảm hiếm có...  

Khách du lịch trải nghiệm tại thác Tà Puồng 3

Từ thành phố Đông Hà - thủ phủ tỉnh Quảng Trị - đi lên phía tây theo Quốc lộ 9 khoảng 60km sẽ đến thị trấn Khe Sanh, huyện lỵ của huyện miền núi Hướng Hóa. Từ đây, tiếp tục đi theo đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) chưa đầy 60km nữa sẽ đến xã Hướng Việt-nơi có danh thắng thiên nhiên Tà Puồng. Cung đường từ Khe Sanh lên Tà Puồng cũng đi qua nhiều địa điểm được du khách ưa khám phá dãy Trường Sơn hùng vĩ rất yêu thích, như: sân bay Tà Cơn, thác Chênh Vênh, đèo Sa Mù...

Bảo tàng của “nước” và “đá”

Không hề ngoa ngôn khi nói danh thắng Tà Puồng là một bảo tàng thiên nhiên trưng bày kiến trúc của “nước” và “đá”. Tà Puồng lưu giữ những gì tinh túy nhất của tạo tác thiên nhiên, của trời-đất, hòa quyện nhau một cách quyến rũ khó giải thích. Khi chiêm ngưỡng thác nước hùng vĩ, hang động với nhũ đá tuyệt tác và trải nghiệm tắm thác ở đây, du khách đều thấy mình chợt có cảm xúc thăng hoa cùng núi rừng miền tây Quảng Trị! Khu danh thắng Tà Puồng có một hang động và ba thác nước mà cư dân bản địa đặt tên là: động Tà Puồng; thác Tà Puồng 1, Tà Puồng 2 và Tà Puồng 3. “Tà Puồng” trong tiếng Bru-Vân Kiều có nghĩa là “Nơi có dòng thác từ núi cao đổ xuống”.

Ba con thác hùng vĩ (cao hơn 35m), ào ạt xối những dòng nước trắng xóa từ đỉnh xuống khiến du khách ai cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy của rừng đại ngàn Trường Sơn. Đi qua, chiêm ngưỡng từng thác nước Tà Puồng với những vách đá dựng đứng rêu phong, dường như có cảm giác đang đi qua hàng ngàn năm lịch sử để chạm được vào, để kết nối với quá khứ...

Động Tà Puồng có cửa rộng khoảng 10m ăn sâu hơn 200m vào lòng núi. Hang động chia làm hai phần, một bên là dòng suối trong veo, bên còn lại cát bồi thành bãi rộng. Con suối đoạn rộng nhất 4-5m, nông sâu khác nhau. Thiên nhiên ưu ái kiến tạo lòng động với nhiều hình thù của thạch nhũ rất đặc sắc, độc đáo; vòm động cao và rộng như cung điện. Để di chuyển sâu vào bên trong động thông thường phải mang theo đèn pin mới quan sát kỹ được vẻ đẹp các thạch nhũ. Người dân địa phương kể rằng hang động này dài hàng cây số. Trong chiến tranh hang động là nơi trú ẩn của người dân địa phương và các đơn vị bộ đội.

Chưa hết bỡ ngỡ với vẻ đẹp được thiên nhiên kiến tạo, tiếp tục đi bộ khoảng hơn 200m để chiêm ngưỡng thác Tà Puồng 1 đổ nước theo một vách đá dựng đứng cao hơn 35m đổ xuống hồ ở chân thác. Dòng thác tuôn chảy qua các ghềnh đá tựa như suối tóc mây của nàng tiên nữ xõa buông giữa đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm. Lội suối và đi bộ qua con đường mòn hiểm trở hơn 200m nữa là chạm vào thác Tà Puồng 2. Con thác ẩn mình trong rừng rậm nguyên sinh, với nguyên vẹn sự hoang sơ như từ thuở hồng hoang, chẳng khác gì chốn “bồng lai tiên cảnh”!

Du khách từ Hà Nội đến thác Tà Puồng 3, họ cảm thấy thú vị với khoảng cách đi bộ gần 1km đường rừng trước khi vào thác

Cách thác Tà Puồng 2 hơn 200m theo đường chim bay về phía bắc là thác Tà Puồng 3. Con thác hiện có đường vào thuận lợi nhất trong hệ thống danh thắng Tà Puồng. Gửi ô-tô, xe máy tại bãi trông xe ở Khu tái định cư thôn Trăng Tà Puồng, du khách đi bộ giữa rừng men theo con đường rừng rộng 50cm song song với dòng suối A Xóc một đoạn dài gần 1km là đến được thác Tà Puồng 3.

Trên đỉnh thác là những khối đá nhấp nhô nằm ngang khiến dòng suối khi chảy đến đây bị cản lại và chia thành nhiều dòng thác nhỏ đổ xuống hồ nước xanh như ngọc. Thanh âm thác đổ nghe như tiếng đàn đá giữa đại ngàn hòa với tiếng chim rừng thánh thót ngân vang thành một bản hòa tấu thiên nhiên quyến rũ đến khó tả. Tà Puồng 3 là con thác đẹp và thơ mộng nhất, từ xa nhìn giống một dải lụa bạc mềm mại nổi bật trên nền rừng xanh thẳm. Mặt hồ nơi chân thác phẳng lặng, nước xanh trong và mát rượi, khiến du khách đặt chân đến đây không thể không bơi, lặn hoặc sử dụng phao tre nứa làm bè dạo hồ. Khu vực chân thác có bãi đá khá bằng phẳng, đủ chỗ cho hơn 500 du khách đến thưởng ngoạn, cắm trại nghỉ ngơi.

Sự quyến rũ của thiên nhiên hoang sơ...

Anh Hồ Giỏi, Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng Trăng Tà Puồng là “linh hồn” của điểm Tà Puồng 3 cho biết, cách đây gần một năm, đại diện Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tại Quảng Trị phối hợp địa phương chọn bốn người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều ở bản đi học cách làm du lịch cộng đồng để về khai thác du lịch. Bốn người cũng được hướng dẫn cách chế biến các món ẩm thực đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; được hỗ trợ 65 triệu đồng làm đường đi bộ vào thác và dựng các lán, sạp phục vụ du khách.

Sau khi được học cách làm du lịch, Tổ du lịch cộng đồng ra đời gồm 18 thành viên. Họ cùng nhau phát triển con đường đi bộ vào thác Tà Puồng 3 để du khách đi lại được dễ dàng. Phần mặt bằng trước hồ nước và chung quanh được dựng 15 lán tre nứa đón khách, mỗi lán đủ rộng để khoảng 10 người nghỉ ngơi vài giờ trong thời gian trải nghiệm. Từ đó kiệt tác thiên nhiên thác Tà Puồng 3 đã trở thành điểm đến không thể thiếu được của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên.

Hồ nước dưới chân thác trong xanh được bao bọc bởi rừng già xanh thẳm mang đến cho du khách cảm giác yên bình, giúp bỏ lại những vất vả, lo toan đời thường, hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ. Dụng cụ phục vụ trải nghiệm thác nước gồm bè làm bằng tre nứa được gắn kết kỹ càng. Các sợi dây thừng nối từ những góc thác chạy song song giữa lòng hồ để du khách lần theo sợi dây điều khiển bè theo ý muốn và luôn có cảm giác yên tâm. Trước khi xuống hồ bơi, du khách được phát áo phao, tuân thủ nghiêm ngặt an toàn bơi lội.

Thú vị nhất là ngồi trên bè nứa điều khiển đi quanh mặt hồ trên làn nước mát lạnh như đá. Khi bè đến điểm thác đổ là giây phút hồi hộp song ai cũng muốn nán lại được 5 đến 7 giây để trải nghiệm cảm giác mạnh từ nguồn suối mát đang phun trào đổ vào người. Ngoài trải nghiệm đi bè, tắm hồ, du khách còn đi bộ khám phá thảm thực vật của rừng nhiệt đới phong phú ở khu vực này. Suốt hành trình được người của Tổ du lịch cộng đồng hướng dẫn, giúp đỡ tận tình nên ai cũng cảm thấy thoải mái và an toàn.

Sau thời gian dạo chơi, du khách bắt đầu thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương do nhóm của anh Hồ Giỏi phục vụ. Đó là một mẹt thức ăn gồm 1 con gà nướng, xiên thịt lợn bản nướng, xiên cá rừng nướng và không thiếu món rau đoác và hoa chuối rừng, tất cả có giá 700.000 đồng; cùng với tiền thuê sạp tre nghỉ ngơi 200.000 đồng nữa, chưa kể tiền nước uống. Các dịch vụ bè bơi bằng tre nứa, áo phao đều được miễn phí. Thời gian trải nghiệm ở Tà Puồng 3 khoảng chừng 5 giờ đồng hồ, thông thường sau 15 giờ cuối mỗi ngày du khách bắt đầu trở về sau chuyến khám phá thú vị. Tuy nhiên, họ mang theo cảm giác đầy tiếc nuối cho một kiệt tác thiên nhiên nhưng còn hoang sơ, chưa được đầu tư, khai thác du lịch tương xứng.

Cửa hang động Tà Puồng

Ý tưởng xây dựng “Công viên mạo hiểm”

Anh Hồ Giỏi trăn trở, tổ du lịch rất muốn đầu tư để phát triển thác Tà Puồng 3 bài bản hơn trên cơ sở tuân thủ tôn trọng tuyệt đối thiên nhiên nhưng không có kinh phí nên lực bất tòng tâm. Du khách muốn thưởng thức ẩm thực của người dân tộc thiểu số phải báo trước qua anh Hồ Giỏi để tổ chuẩn bị phục vụ chu đáo. Anh Hồ Giỏi kể, dịp 30/4 vừa rồi, cùng lúc có hơn 800 khách tìm đến thác Tà Puồng 3 trải nghiệm, vì quá đông người và không báo trước nên tổ không thể phục vụ kịp.

Rõ ràng danh thắng Tà Puồng là báu vật thiên nhiên nằm trên diện tích hàng ngàn ha chưa được đầu tư phát triển để khai thác du lịch, nhất là du lịch xanh tôn trọng thiên nhiên một cách bài bản. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại-Du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Tân trăn trở kiến giải, muốn phát huy và khai thác danh thắng Tà Puồng cần liên kết với du lịch tỉnh Quảng Bình bổ trợ nhau phát triển để kết nối tour Phong Nha-Kẻ Bàng với các điểm du lịch ở vùng phía tây Quảng Trị tạo thành vòng cung du lịch hấp dẫn.

Tại danh thắng Tà Puồng phù hợp nhất là xây dựng thành công viên mạo hiểm với 3 loại hình khai thác. Đó là khu dịch vụ đại trà thu hút khoảng 500 khách/ngày phù hợp với kích cầu du lịch cộng đồng. Loại hình thứ hai là đầu tư tuyến đi bộ trên cao với các dây đu (du lịch mạo hiểm hạn chế số lượng người) để tham quan 3 thác và động Tà Puồng. Loại hình thứ 3 là cụm nghỉ dưỡng cao cấp làm khoảng 10 nhà sàn trên cây theo kiểu lắp ghép, không có bê-tông sắt thép nhằm hạn chế tác động đến cảnh quan môi trường thiên nhiên. Trong cách làm này lưu ý có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương để cùng nhau chia sẻ quyền lợi và giá trị bền vững.

Thực hiện được dự án này ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số, còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. Tỉnh Quảng Trị đang tích cực tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp cũng như những giá trị độc đáo của danh thắng Tà Puồng để thu hút du khách.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết: Để Khu danh thắng Tà Puồng tỏa sáng rực rỡ hơn nữa, các cơ quan chức năng ở tỉnh đã hoàn thiện Quy hoạch (tỷ lệ 1/2.000) hệ thống thác Tà Puồng cùng với thác Ba Vòi, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án đầu tư xây dựng đường giao thông, bãi đỗ xe cũng đang được triển khai. Quảng Trị kỳ vọng việc kêu gọi đầu tư, khai thác du lịch các điểm thắng cảnh thiên nhiên kể trên sẽ góp phần đánh thức du lịch ở vùng miền tây; biến những tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực thực thụ để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong tương lai gần.

Bài và ảnh: Lâm Quang Huy

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 69

Tổng lượt truy cập: 7.325.753