Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Cõi thiêng Trường Sơn

Đến Quảng Trị, hầu như mọi người đều dành thời gian viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Nhất là vào đợt cao điểm tháng 7, hàng triệu lượt người đến thăm nơi này. Có lẽ đã là người dân Việt, ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước. Ngoài kiến trúc khá độc đáo, cảnh quan đẹp, những câu chuyện tâm linh đầy nhân bản nơi này được nhiều người chiêm nghiệm như một điều nhắc nhớ người còn sống hôm nay về những điều thiêng liêng mãi mãi tồn tại. Và đằng sau những câu chuyện đó là niềm tin: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, hi sinh vì đất nước, luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng Nhân dân!

Chuyện mưa... không giải thích được

Còn nhớ cách đây 5 năm, cũng vào tháng 7, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và báo Tuổi Trẻ tổ chức Chương trình nghệ thuật Tuổi trẻ Việt Nam - Câu chuyện hòa bình số 5 với chủ đề “Khát vọng hòa bình” thì trận mưa chiều trút xuống xối xả lúc đầu giờ khiến những người làm chương trình không giấu được vẻ âu lo. Thế nhưng với những ai đã gắn bó với cõi thiêng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn sẽ thấy... bình thường.

Từ bao nhiêu năm nay, cứ mỗi độ tháng 7, khi thực hiện các chương trình tưởng niệm ở đây bao giờ cũng có những trận mưa như thế. Mưa to vậy nhưng… thế nào cũng tạnh sớm.

Đúng y như vậy. 18h tối 20/7/2017, hàng ngàn ngọn nến ấm áp đã được đồng loạt thắp lên sau cơn mưa...

Ngày 27/7/2004, lần đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” tại nghĩa trang này. Chương trình có mời Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tham dự với tư cách nguyên là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Hôm đó trời cũng mưa như trút nước.

Đến đầu giờ chiều vẫn chưa ngớt, nhà báo MC Diễm Quỳnh của chương trình và Ban Tổ chức đầy lo lắng nói với Trung tướng: “Thưa bác mưa như thế này chúng cháu sợ tối không thể tổ chức được?”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên quay sang nhà báo Diễm Quỳnh và mọi người khẳng định: “Các cô chú cứ yên tâm, tối sẽ tạnh!”. Quả nhiên trời tạnh thật trước giờ khai mạc chương trình.

Hay câu chuyện 19 năm trước, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức lễ hội Nhịp cầu xuyên Á trong bốn ngày (từ 25 đến 28/7). Chương trình chính lễ diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn và được truyền hình trực tiếp trên VTV.

Thời điểm năm 2003, để truyền hình trực tiếp rất khó vì phương tiện kỹ thuật chưa hiện đại như bây giờ. Trời còn mưa dầm dề mấy ngày. Đến trước giờ mở màn khai mạc vẫn mưa, rồi khi chính lễ bắt đầu thì trời tạnh. Và chỉ tạnh trong đúng hai tiếng đồng hồ cho xong lễ rồi... tiếp tục mưa.

Lời hứa tại Nghĩa trang

Nghe gió hú Trường Sơn nghìn dặm / Tưởng quân đi rầm rập chiến trường, có lẽ cái cảm nhận đó không chỉ có ở cố Nhà thơ Tố Hữu khi ông đến viếng Nghĩa trang Trường Sơn, thắp nén tâm nhang cho những người còn nằm lại sau cuộc chiến, mà điều đó dường như vẫn luôn hiển hiện trong tâm thức những người còn sống, những người đã đi qua cuộc chiến mỗi lần đến đây.

Không chỉ người trong ban quản trang, mà ngày rằm, mùng một đến thắp hương tại nghĩa trang, thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng anh em liệt sĩ nói, cười, chào hỏi. Các liệt sĩ hay tụ họp dưới tán bồ đề sum suê tỏa bóng mát sau tượng đài Tổ quốc ghi công.

Câu chuyện linh thiêng và khó giải thích được về sự hiện diện cây bồ đề ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được nhiều người biết đến. Điều thắc mắc là vì sao lại là cây bồ đề chứ không phải là cây khác? Lại mọc sau tượng đài Tổ quốc ghi công?

Cây bồ đề có tên khoa học là Ficus religiosa. Trong Phật giáo, cây bồ đề là một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng, tượng trưng cho sự giác ngộ.

Theo các điển tích về Phật giáo, Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được các giáo lý của Phật giáo. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đi khắp châu Á để truyền bá giáo lý và hướng mọi người đi theo đạo Phật.

Chính vì vậy, cây bồ đề được trồng khắp nơi trên thế giới và là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên nó còn được gọi là “cây giác ngộ”. Cây Bồ đề đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ tôn giáo và vẫn được trồng ở một số nơi trên thế giới để mang lại may mắn và hạnh phúc...

Có quá nhiều điều đã hiện diện ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn mà chỉ khi đặt chân đến đây, mọi người mới phần nào thấu hiểu được mà nhiều người vẫn thường nhắc nhau: “Ở nơi linh thiêng này, lời hứa là rất quan trọng, điều gì đã hứa là phải làm”!

Nguồn: Tạp chí Cửa Việt

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 14572

Tổng lượt truy cập: 7.324.825