Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Theo kết quả Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố vào ngày 25/5 vừa qua, năm 2021 tỉnh Quảng Trị có Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 84,82 điểm, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố; tăng 1,18 điểm nhưng giảm 14 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 85,69%, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,09% nhưng giảm 12 bậc so với năm 2020.

 

 

Năm 2020, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 83,64 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố; tăng 2,32 điểm nhưng giảm 11 bậc so với năm 2019. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt 84,60%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 4 bậc so với năm 2019 (thứ bậc các chỉ số đã không đạt mục tiêu Nghị quyết số 01- NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020).

 

Kết quả tăng điểm (%) qua các năm của tỉnh cho thấy, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã của tỉnh đã có nhiều cố gắng, tập trung nguồn lực triển khai, tổ chức các nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính, tạo được sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

 

Tuy nhiên, bên cạnh tổng số điểm (%) của Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh đều tăng qua các năm từ 2019 đến 2021, thì thứ bậc xếp hạng của 2 chỉ số này trong cả nước liên tục tụt giảm. Điều đó chứng tỏ công tác cải cách hành chính của nhiều tỉnh, thành phố trong nước có kết quả tốt hơn, số điểm (%) các năm tăng nhiều hơn so với tỉnh Quảng Trị.

 

Hai chỉ số trên tăng điểm (%) là cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng liên quan đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư để phát triển KT-XH là thứ bậc xếp hạng trong cả nước thì lại giảm nhiều. Một trong những nội dung ảnh hưởng đến Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính là “thủ tục hành chính”.

 

Nhưng năm 2022, theo báo cáo số liệu tình hình tiếp nhận, trả kết quả tiếp nhận thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh tháng 5 của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc số hóa thành phần hồ sơ toàn tỉnh chỉ đạt 21,62% và tỉ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính chỉ đạt 32,5%, trong lúc theo quy định của Chính phủ tỉ lệ năm 2022 tối thiểu đạt 50%. Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính có 10.125 hồ sơ quá hạn, chiếm 23,9%, tăng 14,2% so với tháng 4/2022. Các cơ quan có số lượng hồ sơ trễ hẹn cao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường 6.950 hồ sơ, Cục Thuế 1.789 hồ sơ và huyện Vĩnh Linh 178 hồ sơ.

 

Trước tình hình đó, ngày 3/6, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã ký công văn “hỏa tốc” chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Cục Thuế tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, nâng cao chất lượng trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Theo UBND tỉnh, thời gian vừa qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; số hóa thành phần hồ sơ, công tác giải quyết thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tỉ lệ hồ sơ quá hạn tăng cao, nhất là hồ sơ trong lĩnh vực đất đai.

 

Để nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh nghiêm túc triển khai việc số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Chấm dứt tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính và nghiêm túc thực hiện việc công khai xin lỗi người dân đối với các hồ sơ trễ hẹn theo quy định.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân để đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh giải trình về tình trạng hồ sơ trễ hẹn tăng cao tại đơn vị và kèm theo giải pháp khắc phục để giải quyết hồ sơ đúng thời hạn.

 

Giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại cải cách hành chính và xem xét việc khen thưởng trong năm 2022; không đề nghị khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

 

Quyết tâm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, ngoài công văn “hỏa tốc” chỉ đạo nói trên, ngày 15/6, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị phân tích, đánh giá kết quả của 2 chỉ số này và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh trong thời gian qua, từ đó đưa ra giải pháp cải thiện các chỉ số trong thời gian tới (hội nghị có mời chuyên gia của Bộ Nội vụ).

 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phân tích, đánh giá tình hình của năm 2021 và đề ra các giải pháp thực hiện trong năm 2022 đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnhPCI (PCI năm 2021 của tỉnh đạt 63,33 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, bằng thứ hạng của năm 2020, thuộc nhóm trung bình của cả nước).

 

Các chỉ số về hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ý nghĩa quyết định đối với phát triển KT-XH của một tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, hy vọng năm 2022, các chỉ số này sẽ được cải thiện, tăng điểm, đồng thời tăng thứ bậc so với năm 2021, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, điều hành, thu hút đầu tư, thực hiện hiệu quả phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Tùng Lâm- báo Quảng Trị

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 14245

Tổng lượt truy cập: 7.324.498