Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Đưa sách đến với người lính

Từ Thư viện tỉnh, hàng nghìn đầu sách với đầy ắp thông tin, kiến thức bổ ích đã đến với cán bộ, chiến sĩ nhiều đồn biên phòng trên địa bàn. Kết quả ấy khởi nguồn từ nỗ lực phối hợp xây dựng “Phòng đọc biên giới” của Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị.

Những đầu sách hay từ Thư viện tỉnh đã đến với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Tùng

Niềm vui của người lính

Gần một tháng nay, mỗi lúc rảnh rỗi, Thượng úy Lưu Văn Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt đều ghé “Phòng đọc biên giới” nằm ngay trong khuôn viên đơn vị để đọc sách. Bên những trang sách, người thượng úy trẻ thấy thời gian dường như trôi nhanh hơn.

Là người yêu sách, trước đây thỉnh thoảng Thượng úy Sơn lại lên thành phố, ghé các cửa hàng để tìm mua những tác phẩm văn học nổi tiếng. Khi hay tin “Phòng đọc biên giới” được mở tại đồn, anh rất phấn khởi, háo hức. Cảm xúc ấy dâng cao khi Thượng úy Sơn thấy phòng đọc có rất nhiều sách hay.

“Từ nay, sau những giờ làm nhiệm vụ, tôi và các cán bộ, chiến sĩ khác có thêm một người bạn mới. Tôi đã đặt ra cho mình chỉ tiêu về số trang sách cần đọc hằng ngày để làm giàu thêm vốn tri thức”, Thượng úy Sơn nói.

Niềm vui trong lòng Thượng úy Lưu Văn Sơn cũng chính là cảm xúc chung của nhiều cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt. Lâu nay, “Tủ sách pháp luật” đặt tại đơn vị chỉ mới giúp thỏa mãn phần nào nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ. Vì thế, ai cũng phấn khởi khi Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị chọn đơn vị mình để xây dựng mô hình “Phòng đọc biên giới”.

Tại Đồn Biên phòng Cửa Tùng, hơn một tháng nay, “Phòng đọc biên giới” nằm trong khuôn viên của đơn vị hiếm khi vắng khách. Sau những giờ làm nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ có mặt tại phòng đọc khá đông. Hay tin “Phòng đọc biên giới” được xây dựng ở đồn, người dân thị trấn ghé thăm, ngồi lại đọc hoặc mượn sách.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa Tùng cho biết: “Đồn chúng tôi là đơn vị đầu tiên được Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị tạo điều kiện xây dựng “Phòng đọc biên giới”. Tuy mới ra đời nhưng mô hình đã mang lại những tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức đa dạng các hoạt động để thúc đẩy hiệu quả của mô hình”.

Đồn Biên phòng Cửa Tùng và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt là 2 trong 4 đồn biên phòng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được lựa chọn để xây dựng mô hình “Phòng đọc biên giới”. Tuy mới triển khai nhưng mô hình đã mang lại nhiều niềm vui không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng mà cả người dân địa phương. Đến với mỗi phòng đọc, mọi người được tiếp cận với hàng trăm đầu sách hay. Mỗi trang sách mở ra cho những người lính và bà con địa phương nhiều điều ý nghĩa.

Nhân lên những “Phòng đọc biên giới”

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với Giám đốc Thư viện tỉnh Hồ Ngọc Thiên dường như sôi nổi hơn khi nhắc đến những tín hiệu vui từ mô hình “Phòng đọc biên giới”. Từng trưởng thành trong môi trường quân ngũ, ông Thiên hiểu khá rõ tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, chiến sĩ. Xa gia đình, nhiều người lính rất mong muốn được bầu bạn với trang sách.

Tuy nhiên, tại phần lớn đồn biên phòng, đầu sách mà cán bộ, chiến sĩ tiếp cận vẫn chưa thực sự phong phú. “Trước thực tế ấy, Thư viện tỉnh đã làm việc với Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị, thống nhất những nội dung liên quan và trình cấp trên về chủ trương xây dựng mô hình “Phòng đọc biên giới”. Chúng tôi rất vui khi kế hoạch nhận được sự ủng hộ cao từ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh”, ông Thiên cho biết.

Để triển khai mô hình “Phòng đọc biên giới”, cán bộ Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị đã tích cực nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ các đồn. Ngay sau đó, hai bên lựa chọn, thống nhất những đầu sách phù hợp. Theo chỉ tiêu phân bổ, mỗi đồn được tặng từ 500 - 1.000 đầu sách.

Cứ 6 tháng một lần, các đồn sẽ có sự luân chuyển để đảm bảo các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên được tiếp cận với những cuốn sách mới. Theo kế hoạch, mô hình sẽ được triển khai trước tại các đồn biên phòng tuyến biển, sau đó phát triển rộng ra các địa bàn khác.

Thông qua “Phòng đọc biên giới”, các cán bộ, chiến sĩ sẽ được nâng cao nhận thức chính trị; vững tư tưởng; có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng… Sách sẽ trở thành người bạn thân thiết, tiếp thêm động lực để những người lính làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Phòng Chính trị BĐBP Quảng Trị xây dựng 4 “Phòng đọc biên giới” tại các đồn biên phòng tuyến biển. Hiểu ý nghĩa của mô hình nên cán bộ, chiến sĩ các đồn đều tổ chức hoạt động ra mắt rất chu đáo.

Ngoài anh em trong đơn vị, những buổi lễ ra mắt thu hút khá đông cán bộ, người dân địa phương. Ai cũng vui mừng khi biết mình cũng có thể trở thành khách của “Phòng đọc biên giới”.

Được biết, nhờ sự hỗ trợ về mặt nghiệp vụ của cán bộ Thư viện tỉnh, hiện tại, các cán bộ, chiến sĩ được phân công phụ trách “Phòng đọc biên giới” đã biết cách vận hành phòng đọc một cách có hiệu quả; hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ, người dân lựa chọn cuốn sách phù hợp; giúp mọi người biết cách truy cập thư viện số, mượn sách trực tuyến, đọc sách trực tuyến…

Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Hồ Ngọc Thiên, khi xây dựng kế hoạch, lãnh đạo Thư viện tỉnh và Phòng Chính trị, BĐBP Quảng Trị xác định mục tiêu đến năm 2026 sẽ xây dựng “Phòng đọc biên giới” ở 100% đồn biên phòng trên địa bàn. Tuy nhiên, trước những tín hiệu đáng mừng, hai bên quyết tâm sẽ “về đích” sớm hơn kế hoạch.

“Lâu nay, cán bộ Thư viện tỉnh luôn mong muốn tiếp cận, phục vụ ngày càng nhiều hơn độc giả để nhân lên tình yêu sách. Đối với chúng tôi, việc xây dựng “Phòng đọc biên giới” mang lại rất nhiều ý nghĩa. Đây cũng chính là cách để chúng tôi tri ân các cán bộ, chiến sĩ đêm ngày thầm lặng giữ gìn sự bình yên nơi biên giới. Chúng tôi tin tưởng, thông qua lực lượng BĐBP, tình yêu sách sẽ tỏa lan đến bà con ở vùng biên giới”, ông Thiên nói.

Tây Long (baoquangtri.vn)

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 811

Tổng lượt truy cập: 6.831.575