Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

‘Thật tuyệt vời khi có Lễ hội vì Hòa bình ở Quảng Trị’

Trở lại Việt Nam sau 54 năm 9 tháng, cựu phi công quân sự Mỹ James Orvil Conner mang trong mình những cảm xúc lẫn lộn. Khi biết Quảng Trị sẽ lần đầu tiên tổ chức “Lễ hội vì Hòa bình”, James thốt lên: “Thật tuyệt vời”.

Bà Jerilyn Cheney Brusseau, đồng sáng lập PTVN, trồng cây lưu niệm tại di tích sân bay Tà Cơn - Ảnh: Hoàng Táo

Bà Jerilyn Cheney Brusseau, đồng sáng lập PTVN, trồng cây lưu niệm tại di tích sân bay Tà Cơn - Ảnh: Hoàng Táo

Hôm thứ ba, 19-9, James Orvil Conner (76 tuổi), cùng vợ lần đầu trở lại Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ tham chiến tại đây. Đặt chân xuống vùng phi quân sự dọc sông Bến Hải, chứng kiến những vũ khí hủy diệt một thời nay được trưng bày trong bảo tàng, trong lòng James dâng trào "những cảm xúc lẫn lộn, có khi phát khóc".

Trở lại Việt Nam như trở về nhà

Mảnh đất xa lạ cách nửa vòng Trái đất, nhưng James cảm thấy như quen thuộc khó giải thích, như quay trở lại nhà. "Tôi gần như lớn lên ở đây, từ một thanh niên trở thành một người đàn ông khi tham chiến ở Việt Nam", James nói.

Tháng 9-1967, James đặt chân xuống Sài Gòn, chính thức tham gia cuộc chiến với vai trò là phi công quân sự, điều khiển máy bay UH1, mà ông hay nhắc đến với biệt danh Huey.

Đóng quân ở Củ Chi, máy bay ông điều khiển từng ba lần bị bắn hạ, nhưng may mắn không ai tử trận. Đến nay, di chứng cuộc chiến vẫn còn ở lưng, khiến ông đi khập khiễng. Đúng một năm sau, năm 1968, ông rời Việt Nam.

Cựu phi công Mỹ James Orvil Conner trồng cây cùng các cựu chiến binh huyện Hướng Hóa - Ảnh: Hoàng Táo

Cựu phi công Mỹ James Orvil Conner trồng cây cùng các cựu chiến binh huyện Hướng Hóa - Ảnh: Hoàng Táo

Có mặt ở di tích sân bay Tà Cơn (huyện Hướng Hóa), James thấy lại loại máy bay Huey mà ông từng điều khiển, và những phương tiện quân sự khác như máy bay CH-47, C-130, xe tăng…

Tại đây, ông cùng những người trong đoàn giao lưu với các cựu chiến binh huyện Hướng Hóa và trồng hoa bên cạnh chiếc máy bay quân sự CH-47. "Tôi thấy rất ý nghĩa khi có thể trồng cây cùng các cựu chiến binh Việt Nam.

Đặc biệt hơn là khi mảnh đất này được làm sạch bom mìn từ các nhân viên Cây hòa bình Việt Nam (PeaceTrees Vietnam - PTVN, tổ chức do Chính phủ Mỹ tài trợ)", James nói.

Cựu chiến binh Mỹ James Orvil Conner

"Khi trở thành bạn bè, chúng ta không thể đánh nhau. Tôi thấy rất ý nghĩa khi có sự kiện vinh danh hòa bình ở mảnh đất này"

Khi nhắc đến "Lễ hội vì Hòa bình" mà Quảng Trị dự kiến tổ chức vào mùa hè năm 2024, James thốt lên: "Đó là một ý tưởng rất tuyệt vời khi chúng ta cùng với nhau tổ chức một hoạt động tôn vinh hòa bình, hữu nghị". 

Cựu phi công Mỹ bày tỏ mong muốn có thể sắp xếp thời gian, sức khỏe để quay trở lại Quảng Trị vào dịp lễ hội sang năm.

Trong chuyến đi lần này, James cũng tham gia khánh thành một trường mầm non, xúc động khi thấy trẻ em và giáo viên cười rạng rỡ khi nhận món quà từ nhà tài trợ, thăm một số địa danh lịch sử ở Quảng Trị, chứng kiến nhân viên PTVN làm sạch bom mìn trên đất ô nhiễm vật liệu nổ chiến tranh.

"Tôi sẽ mời nhiều doanh nghiệp Mỹ đồng hành"

Tham gia cùng đoàn với cựu phi công James còn có bà Jerilyn Cheney Brusseau, đồng sáng lập PTVN.

James Orvil Conner cho rằng rất tuyệt vời khi tôn vinh hòa bình cùng nhau - Ảnh: Hoàng Táo

James Orvil Conner cho rằng rất tuyệt vời khi tôn vinh hòa bình cùng nhau - Ảnh: Hoàng Táo

Với tư cách cá nhân, bà Jerilyn đánh giá việc tổ chức "Lễ hội vì Hòa bình" là "một ý tưởng cực kỳ giá trị, rất tuyệt vời khi chúng ta có thể đến với nhau trong hòa bình".

Bà Jerilyn đề xuất các hoạt động như nhảy, vẽ hoặc tham gia các hoạt động nghệ thuật, thể thao khác cùng nhau. "Đó có thể là thời gian để chúng ta ngồi lại, lắng nghe câu chuyện của nhau.

Người Mỹ kể câu chuyện đất nước Mỹ, người Việt kể câu chuyện của quê hương Việt. Và thậm chí chúng ta có thể nấu ăn cùng nhau", bà Jerilyn chia sẻ.

"Tôi tin rằng những câu chuyện chia sẻ với nhau giữa người dân hai nước tại sự kiện sẽ có tác động to lớn để chúng ta phá vỡ tất cả rào cản để đi tới tương lai cởi mở, tiềm năng hơn cho hai nước. Đó là sức mạnh của hòa bình".

"Tôi thực sự thích ý tưởng kêu gọi sự đồng hành của các công ty Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam như Boeing, Nike… Họ là những người làm kinh doanh, nhưng luôn mong muốn dành một phần lợi nhuận cho hoạt động xã hội.

Tôi nghĩ lễ hội này mang lại những giá trị tích cực và to lớn cho người dân cả hai bên, cũng như các công ty này. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả chúng ta", bà Jerilyn kỳ vọng.

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi dự kiến diễn ra lễ khai mạc Lễ hội vì Hòa bình 2024 - Ảnh: Hoàng Táo

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi dự kiến diễn ra lễ khai mạc Lễ hội vì Hòa bình 2024 - Ảnh: Hoàng Táo

Theo ông Hoàng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, vào tháng 7-2024, Lễ hội vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị. Lễ hội dự kiến diễn ra ở các địa điểm chính là di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị… với các chương trình nghệ thuật, giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực...

Lễ hội dự kiến khai mạc vào ngày 20-7-2024 tại di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, cùng với đó là chương trình thả hoa đăng, thắp nến tri ân tại sông Thạch Hãn. Các hoạt động chính của "Lễ hội vì Hòa bình" sẽ kết thúc vào tối 26-7-2024.

Thông qua việc tổ chức lễ hội, Quảng Trị kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nâng cao vị thế, hình ảnh, các giá trị văn hóa về mảnh đất, con người Quảng Trị. Đích đến là vào năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Trị.

Nguồn: (Hoàng Táo - Tuoitre.vn)

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 627

Tổng lượt truy cập: 7.326.311