Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Văn hóa phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị rất phong phú, đa dạng. Trong đó, nhạc cụ chiếm vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tâm tư, tình cảm sâu sắc, thay lời muốn nói của con người đến với con người, con người đến với thần linh, vạn vật xung quanh. Đặc biệt, nhiều loại nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô góp phần làm cho lời ca, tiếng hát của đồng bào nơi đây bay bổng, thêm hay, thêm đẹp.

Văn hóa độc đáo và đặc sắc

Người Vân Kiều, Pa Kô dày công nghiên cứu, chế tác ra cả một gia tài nhạc cụ rất độc đáo, mỗi loại nhạc cụ mang một âm sắc riêng. Phần lớn các loại nhạc cụ sử dụng riêng lẻ nhưng cũng có khi cùng hòa tấu trong một bản nhạc, tạo nên những âm thanh đặc sắc, vui nhộn. Trong đó, một số nhạc cụ điển hình thường góp vui trong các dịp lễ hội, tết, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giao duyên, nghỉ ngơi giữa giờ lao động vất vả, tức cảnh sinh tình...

Ông Côn Khơ, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, biểu diễn khèn bè trong không gian ấm cúng, thân tình

Ta-lư là một loại nhạc cụ tuy đơn giản về hình thức nhưng rất đẹp về ý nghĩa khi sử dụng. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô không nhớ rõ đàn Ta-lư xuất hiện từ khi nào nhưng với họ, đây là loại nhạc cụ gắn bó như máu thịt. Nguyên bản của đàn Ta-lư rất nhỏ gọn, đơn giản. Đàn được tạo nên bởi một đoạn tre già, chắc, to bằng cổ tay người lớn, khoét thông 2 ống và khoét một mặt trên thân tre tạo lỗ phát âm sao cho cân đối giữa hai bên đầu ống tre.

Tất cả các phần trên thân đàn như dây, bộ phận đấu nối dây chạy dọc lỗ phát âm đều làm từ tre. Loại đàn này thường tiếng nhỏ, nghe trong một khoảng không gian nhất định. Tuy nhiên, âm thanh của đàn rất trong trẻo, người chơi đàn thường đàn, hát một lúc và có thể chơi đàn bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Trong cuộc sống thường ngày, Ta-lư giúp đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giãi bày tâm sự, tiếng đàn cất lên đến đâu là người nghe cảm nhận, thấu hiểu đến đó.

Đặc biệt, khi lên rẫy, lên nương, người Vân Kiều, Pa Kô thường đem theo đàn để thư giãn trong những lúc nghỉ ngơi. Ta-lư cũng được dùng thể hiện tâm tình giữa nam, nữ trong khi đi sim hay ru trẻ có giấc ngủ ngon...

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, quá trình tham gia cách mạng, tiếp tế lương thực, gùi cõng đạn dược, lương thực, thực phẩm cùng bộ đội, người Vân Kiều, Pa Kô thường đem đàn theo bên mình hoặc có thể tự làm nên một cây đàn trong lúc ngồi nghỉ ngơi giữa rừng thanh vắng. Họ sử dụng đàn, mượn những âm thanh gần gũi này kết hợp với những lời ca, tiếng hát chia sẻ tình cảm với nhau, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; mong muốn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước sẽ sớm giành được độc lập, tự do.

Chính vì nét độc đáo, rất riêng, gần gũi, đàn Ta-lư đi vào những ca khúc nổi tiếng lúc bấy giờ như “Tiếng đàn Ta-lư”của nhạc sĩ Huy Thục, “Rừng xanh vang tiếng Ta-lư” của nhạc sĩ Phương Nam.

Ngày nay, đàn Ta-lư được cải tiến bền, thẩm mỹ hơn so với trước đây. Đàn được làm bằng một loại gỗ tốt, bề ngoài hình dáng gần giống đàn ghi ta nhưng nhỏ hơn và chỉ có hai dây, tiếng nhạc vẫn giữ được êm ái, trong trẻo.

Anh Hồ Văn Việt, ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông là nghệ nhân hiếm hoi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị biết chế tác, sử dụng đàn Ta-lư bằng gỗ cho biết: “So với loại đàn Ta-lư bằng tre thì đàn Ta-lư bằng gỗ cầu kỳ, khó chế tác và mất nhiều thời gian vì nó trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ từ khâu chọn gỗ, đục, đẽo, tạo thân đàn, dây đàn. Đàn gỗ có thể từ 2- 4 dây. Quá trình hoàn thiện đàn phải điều chỉnh nhiều lần sao cho đàn vừa đẹp, âm thanh hay, to, trong trẻo như đàn Ta-lư vốn có trước đây. Hiện nay, loại đàn Ta-lư gỗ dùng phổ biến, không kén người chơi từ già, trẻ, gái, trai nếu tâm huyết thì có thể sử dụng được. Chúng tôi dùng đàn vào bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là những lúc tâm trạng vui vẻ, phấn chấn”.

Cũng như đàn Ta-lư, khèn bè được người Vân Kiều, Pa Kô sử dụng khá phổ biến trong sinh hoạt thường ngày. Vật liệu làm khèn chủ yếu bằng cây nứa nhỏ, già, thẳng, cứng nhằm tạo cho khèn bền, bóng đẹp. Cấu trúc chính của khèn gồm 14 ống tre xếp lại thành 7 cặp có độ dài khác nhau, gắn kết với nhau bằng sợi mây và một cái “lưỡi gà” tạo âm. Lỗ thoát hơi của khèn được làm ở giữa thân ống. “Lưỡi gà” được làm bằng đồng bạc cũ hoặc đồng nguyên chất. Các công đoạn làm nên khèn bè rất công phu, từ lựa chọn thân nứa cho đến tạo “lưỡi gà”. Khèn bè có âm thanh vô cùng độc đáo, thường được sử dụng trong lễ hội lớn của cộng đồng, được sử dụng như là bè đệm cho các nhạc khí khác.

Nhưng cũng có lúc, tùy tâm trạng của người sử dụng, thưởng thức, khèn bè dùng tách riêng trong một không gian nhỏ, ấm cúng, riêng tư. Để làm được một chiếc khèn bè, nếu là nghệ nhân thành thạo cũng phải mất từ 5 - 7 ngày. Công đoạn tạo âm thanh khèn rất quan trọng, phải là người thẩm thấu được từng cung bậc âm thanh của khèn mới có thể làm nên một chiếc khèn hay, đẹp. Bây giờ, người làm được khèn bè ở Quảng Trị rất hiếm. Qua khảo sát hiện chỉ còn ông Hồ Văn Chôn, ở bản Kỳ Tăng, xã Lìa; Pả Hơi, ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa còn có khả năng chế tác loại nhạc cụ này.

Ngoài 2 loại nhạc cụ đặc sắc trên, người Vân Kiều, Pa Kô còn chế tác, sử dụng nhiều loại nhạc cụ độc đáo phục vụ đời sống tinh thần như kèn trĩl, sáo khui, sáo pi, sáo tà ring, kờng, amam, đàn pơ-lửa, Abel, Achung, tro, pr-tểng, mprểh, pa-tâl, a-pôông, kâl-tôôk, areng, ng-koái, ng-kong, kr-tưưng...Vật liệu làm các loại nhạc cụ này khá thô sơ, đa số bằng tre, nứa nhưng để tạo ra sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, am hiểu về nhạc cụ của nghệ nhân.

Tùy theo từng loại nhạc cụ mà sử dụng chốn đông người hay ít người; biểu lộ tình cảm yêu thương, kính trọng nhau, biết ơn, cầu mong sức khỏe, thoát khỏi ốm đau, bệnh tật, xua đuổi thú rừng, tình cảm trai gái. Nhiều loại nhạc cụ khi sử dụng tạo nên âm thanh vui nhộn nhưng cũng có khi trầm lắng, da diết làm sinh động đời sống tinh thần của đồng bào miền Tây.

Cần được bảo tồn, phát huy

Mỗi nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô dường như được mang một sứ mệnh riêng. Các dịp quan trọng như đám cưới, mừng lúa mới, lễ tạ ơn các vị thần linh, kết nối giao duyên đôi lứa hay gặp gỡ giữa các dòng họ lâu ngày không gặp thì vai trò của nhạc cụ lại càng không thể thiếu. Nhạc cụ cũng chính là cầu nối con người xích lại gần nhau hơn, bỏ qua thù hận, gắn kết cộng đồng.

Nghệ nhân Hồ Văn Việt chế tác đàn Ta-lư bằng gỗ 

Năm tháng đi qua, do yếu tố khác nhau mà nhiều loại nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô có nguy cơ bị mai một hoặc mất hẳn như kèn amam, pa-tâl, a-pôông, kâl-tôôk, areng, ng-koái, ng-kong, kr-tưưng... Nguyên nhân chủ yếu là do nghề chế tác nhạc cụ truyền thống khó, đòi hỏi sự kỳ công và đam mê. Những nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ nay tuổi cao, sức yếu hoặc qua đời, thế hệ trẻ ít am hiểu, mặn mà với chế tác nhạc cụ...

Trước thực trạng này, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương liên quan và một số nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện chỉ mới dừng lại ở việc truyền dạy hát dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống, bảo tồn một số văn hóa phi vật thể chứ chưa triển khai các lớp truyền dạy chế tác nhạc cụ truyền thống.

Nghệ nhân Kray Sức, ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông chia sẻ: “Nhạc cụ chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt, làm cho đời sống tinh thần của người Vân Kiều, Pa Kô thi vị hơn, là động lực tăng cường tình đoàn kết, yêu thương nhau, chia sẻ khó khăn, ngọt bùi, đấu tranh loại bỏ những cái xấu trong mỗi con người, họ tộc, làng bản.

Nhiều người dân còn ví von một số nhạc cụ thường dùng hằng ngày (Ta-lư, khèn bè, sáo...) không thể thiếu được như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở hiện nay là số nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ quá ít, trong khi đó nhu cầu sử dụng nhạc cụ trong cộng đồng, trong mỗi gia đình, cá nhân vẫn rất cao.

Do đó, bên cạnh tổ chức truyền dạy dân ca, cách sử dụng nhạc cụ truyền thống, phát huy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các cơ quan chức năng, địa phương cần có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống như mở các lớp truyền dạy chế tác nhạc cụ mời các nghệ nhân truyền thụ tay nghề cho thế hệ trẻ.

Đồng thời có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân làm công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể để động viên, khích lệ tinh thần lao động, sự đam mê, sáng tạo của họ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều, Pa Kô”.

Nguồn: Kô Kăn Sương(baoquangtri.vn)

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 757

Tổng lượt truy cập: 6.823.544