Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Mở toang cánh cửa giải phóng miền Nam

Chiến dịch giải phóng Quảng Trị góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, đó chính là một trong những giá trị lịch sử to lớn mà quân dân Quảng Trị đã thể hiện. Cho dù 45 năm hay rất nhiều năm sau nữa, bài học to lớn và ý nghĩa lịch sử này vẫn sẽ còn nguyên vẹn trong chặng đường phát triển của đất nước.

 

Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác

 

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại thăm di tích nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là Chi khu quân sự Mai Lĩnh ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh, từ năm 1973 các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh liên tục mở các đợt tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa vùng đất mới được giải phóng để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng sắp đến. Lúc này Khu vực Vĩnh Linh đã khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ hậu phương trực tiếp đối với tiền tuyền lớn, trực tiếp là chiến trường Quảng Trị. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chính, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp về thăm Vĩnh Linh, đánh giá cao sự hy sinh to lớn, cố gắng vượt bậc của Nhân dân Vĩnh Linh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là cùng tỉnh chuẩn bị vật lực cho chiến dịch xuân hè 1975, giải phóng phần đất còn lại của Quảng Trị.

 

Kết luận tại Nghị quyết của Bộ Chính trị họp từ ngày 30/9/1974 đến 8/10/1974, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Lúc này chúng ta có thời cơ. Đây là thời cơ thuận lợi để Nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ… Ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác…”. Bộ Chính trị ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao, tiêu diệt làm tan rã toàn bộ sào huyệt trung tâm của ngụy quyền Sài Gòn, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam…”.

 

Trước tình hình này, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị Thiên-Huế. Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị từ ngày 16 đến 21/12/1974, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hành, Khu ủy viên Khu ủy Trị Thiên- Huế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ra quyết tâm phá vỡ từng mảng tuyến ngăn chặn, chia vùng của địch, giành và giữ dân, giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng còn lại bị địch kiểm soát. Lúc này lực lượng quân đội của chế độ cũ miền Nam đóng tại Quảng Trị rất đông, gồm 7 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 8 tiểu đoàn và 4 đại đội bảo an, 1 chiến đoàn xe tăng, 1 chi đoàn M48, 4 tiểu đoàn pháo các loại… Với tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Đảng ủy mặt trận Trị Thiên-Huế, quân dân Quảng Trị vừa chuẩn bị lực lượng, vừa tiến công địch, chỉ trong một tháng từ 20/1 đến 20/2/1975 đã đánh 35 trận lớn nhỏ và sẵn sàng xung kích khi có lệnh chính thức mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

 

Xác định đánh vào Chi khu quân sự Mai Lĩnh là hướng tạt sườn hiểm yếu, nhằm tiến đến giải phóng 15% diện tích đất còn lại của tỉnh Quảng Trị đang bị chiếm đóng, nên từ giữa tháng 1/1975, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị điều động Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 10 đặc công; thành lập mới Tiểu đoàn 812 từ tháng 12/1974. Ngoài ra, các đại đội địa phương, dân quân du kích được điều động vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

 

Theo đúng kế hoạch đã chọn, đêm 8/3/1975, quân dân Quảng Trị mở màn chiến dịch với hàng loạt trận đánh vào các cao điểm 112, 118… Đặc biệt, vào hồi 0 giờ ngày 9/3/1975, Đại đội 12, Tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị đã mở màn tiêu diệt Chi khu quân sự Mai Lĩnh của địch, gây tiếng vang lớn, quân đội chế độ cũ miền Nam hoang mang dao động. Trước sự tấn công bất ngờ, mạnh mẽ, chúng phải rút bỏ khỏi 21 chốt ở phía tây huyện Hải Lăng, 11 phân chi khu, 3 chi khu. Chỉ trong mười ngày tấn công áp đảo, tuyến phòng thủ cứng vòng ngoài của quân đội chế độ cũ miền Nam ở Quảng Trị đã lung lay tận gốc rễ, đứng trước nguy cơ sụp đổ; đến chiều 19/3/1975, toàn bộ phải rút chạy vào Thừa Thiên. Sau 21 năm trường kỳ chiến đấu, Quảng Trị sạch bóng quân thù. Trên đà thắng lợi, các lực lượng vũ trang Quảng Trị tiếp tục chiến đấu góp phần quan trọng vào giải phóng thành phố Huế vào ngày 26/3/1975.

 

Giá trị lịch sử to lớn của chiến dịch giải phóng Quảng Trị

 

Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người có thời gian dài tham gia chiến trường Quảng Trị, khẳng định: Có thể nói trong tất cả các mặt trận, Quảng Trị vẫn luôn là mặt trận đầy căng thẳng và cam go, với sự đầu tư chiến lược của phía bên kia vào mảnh đất được coi là mấu chốt này. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị thành công bởi sức mạnh của nghệ thuật quân sự Việt Nam với sự kết hợp ba lực lượng. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đây được đánh giá là cuộc chiến ác liệt nhất, với những hy sinh và gian khổ nhất.

 

 

Lễ Thượng cờ, điểm nhấn trong Lễ hội thống nhất non sông được tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 30/4 hằng năm ở kỳ đài bên cầu Hiền Lương lịch sử. Ảnh: LQH

 

Cách đây 45 năm, khi đất nước chúng ta chưa thống nhất, quân và dân cả nước luôn hướng về chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Vì Quảng Trị đã là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng trong tiến trình hướng đến độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, nhưng đến trước tháng 3/1975 vẫn còn lại 15% diện tích đất ở phía Nam do chế độ cũ miền Nam nắm giữ, do đó Trung ương quyết tâm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị càng sớm càng tốt. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, chúng ta đã lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, vận dụng linh hoạt nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Từ lợi dụng địa hình, những mưu trí và cách đánh ít gây thương vong, nhưng giá trị cao nhất vẫn là sự đoàn kết giữa quân và dân để những tiếng hát vẫn vang lên trong bom đạn, khói lửa. Có những nắm cơm chia đôi, những bát nước chè xanh uống vội, quân dân sẵn sàng nhường cái ăn, có khi nhường cả sự sống cho bộ đội chủ lực. Đó chính là tấm tình sâu nghĩa nặng của quân và dân Quảng Trị đối với quân giải phóng.

 

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân hè năm 1975, nếu gọi chiến dịch Tây Nguyên với điểm đột phá mở màn giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột của Đăk Lăk ngày 10/3/1975 là hướng tấn công chính và là trận quyết chiến chiến lược thứ nhất trên toàn bộ chiến trường miền Nam, thì chiến dịch giải phóng Quảng Trị với tính chất, quy mô và tác động to lớn được xem là trận quyết chiến chiến lược thứ hai, mở toang cánh cửa tạo điều kiện tiến đến giải phóng Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai... và cuối cùng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

 

Tính chiến lược của chiến dịch giải phóng Quảng Trị đã tạo ra sự hoàn chỉnh về kỹ thuật, hậu cần cho việc giải phóng toàn bộ đất nước. Cùng một vùng mới giải phóng ở các tỉnh Tây Nguyên trước đó đã tạo nên vùng hậu phương chiến lược lớn, có lợi cho việc đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, thuận tiện cho việc cơ động bằng đường bộ, đường biển, đường không nối liền với miền Bắc - hậu phương lớn của cả nước, đáp ứng kịp thời việc tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất vào cuộc tổng tấn công quy mô lớn giải phóng Sài Gòn trong một thời gian ngắn nhất với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

 

Quay lại thời gian trước đó 3 năm, là khoảng thời gian sau ngày 1/5/1972, quân và dân Quảng Trị tiếp tục chiến đấu giữ và bảo vệ Thành Cổ trong chiến dịch chống phản công 81 ngày đêm giành giật từng mét đất, với những phương án đấu trí đầy căng thẳng, hiểm nguy. Chính bởi những gian lao, hy sinh, máu và nước mắt mà chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 và 1975 được đánh giá là chiến dịch ác liệt nhất trong chặng đường hướng tới thống nhất đất nước, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng.

 

Ngày nay Quảng Trị vẫn bền bỉ từng ngày gửi thông điệp hòa bình tới toàn thế giới thông qua hành trình phát triển trên mảnh đất yêu thương. Những tòa nhà, khu phố liên tiếp vươn cao, những xóm làng xanh mướt, trù phú; nhưng cũng có không ít tượng đài khắc ghi tên tuổi của bao người con đã ngã xuống trong những ngày tháng chiến đấu gian lao để giành lấy hòa bình, thống nhất đất nước. Biết bao thế hệ người Quảng Trị luôn nhớ về ngày giải phóng quê hương, một thời khắc, một bước ngoặt thật ý nghĩa, mang dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của dân tộc.

 

Lâm Quang Huy - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 324

Tổng lượt truy cập: 6.836.639