Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Những khó khăn trong phát triển thể thao quần chúng

Trong những năm qua, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) quần chúng ở Quảng Trị ngày càng phát triển sâu rộng. Thể dục thể thao quần chúng được xác định là nền tảng, là nhiệm vụ chiến lược để củng cố và tăng cường sức khoẻ cho nhân dân. Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tâm huyết, sáng tạo của những người làm công tác TDTT, phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, chất lượng phong trào được nâng cao và đi vào nền nếp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các Chương trình, Kế hoạch của Nhà nước về công tác TDTT…Các hoạt động TDTT quần chúng từ tỉnh đến cơ sở diễn ra sôi nổi, qua đó thúc đẩy phong trào TDTT phát triển rộng khắp trên toàn tỉnh. Tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên hàng năm đều tăng. Nếu như năm 2011 đạt 24,5% thì đến năm 2017 đã tăng lên 30,9%. Phong trào TDTT quần chúng đã tạo đà cho thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tích nổi bật…

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 77/141 xã có trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, 680/853 thôn có nhà văn hóa-khu thể thao thôn. Đặc biệt, có gần 100/141 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa với mức đầu tư từ 500 - 1.200 triệu đồng; gần 1.000 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa với mức đầu tư từ 300 - 600 triệu đồng. Hầu hết các nhà văn hóa thôn, bản, khu phố đã được đầu tư mua sắm trang thiết bị như loa, máy, tivi, bàn, ghế… phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp ở cộng đồng dân cư. Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện cũng được đầu tư đưa vào sử dụng. Toàn tỉnh có 09 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, 12 khu vui chơi giải trí, 09 nhà văn hóa thiếu nhi, 07 nhà thi đấu đa năng, 05 sân vận động có khán đài, 25 bể bơi...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị còn hạn chế và còn xem nhẹ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của TDTT đối với đời sống xã hội; công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên, trọng tài ở một số cấp huyện, thị chưa được tổ chức thường xuyên, lực lượng còn mỏng, nghiệp vụ chuyên môn còn yếu; công tác tổ chức bộ máy cấp huyện còn bộc lộ những bất cập chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển TDTT trong tình hình hiện nay. Cơ cấu biên chế cán bộ TDTT ở các huyện, thị, thành phố chưa phù hợp, đây là một hạn chế lớn ảnh hưởng trực tiếp tới việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền đối với công tác TDTT của các địa phương.

 

 Phong trào TDTT quần chúng tại Quảng Trị chưa thực sự phát triển đồng đều, chỉ duy trì khá nề nếp ở một số đối tượng như: Lực lượng vũ trang, người cao tuổi, công chức, viên chức… tại thành, thị hoặc các khu vực tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, do kinh phí còn hạn hẹp và nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn nên một số trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã hoạt động mang tính thời vụ, phong trào; vấn đề đầu tư, xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT quần chúng tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập; chưa có chế độ chính sách rõ ràng đối với cán bộ nghiệp vụ, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT ở cấp xã, phường, thị trấn; quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn khó khăn; trình độ dân trí chưa đồng đều…dẫn đến chất lượng hoạt động TDTT ở cơ sở chưa cao.

 

 

 

Hiện nay, hầu hết cán bộ quản lý nhà nước về phong trào TDTT ở cấp huyện và cấp cơ sở đều do cán bộ văn hóa kiêm nhiệm. Đội ngũ cán bộ này phần nhiều chưa qua trường lớp đào tạo chuyên môn thể thao nên hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, nên chưa khuyến khích được đội ngũ này phát huy vai trò thúc đẩy phong trào TDTT địa phương phát triển.

 

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng tại địa phương hoạt động có chiều sâu, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có các giải pháp cụ thể.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tạo bước phát triển về TDTT đến năm 2020, Sở tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo giương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2016-2030; củng cố và tăng cường quản lý các mô hình TDTT quần chúng.

 

Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển TDTT quần chúng, khuyến khích phát triển thể thao, giải trí, kinh doanh dịch vụ thể thao gắn với hoạt động văn hóa, du lịch; phối hợp ban hành các quy chuẩn về đất đai, tăng cường đầu tư xây dựng các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, cụm thôn - bản cũng như mỗi thôn, bản; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên TDTT quần chúng, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên TDTT cấp xã, thôn, bản, làng.

 

Từ thực trạng này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về phát triển TDTT, để nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và cả cộng đồng. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang - thiết bị cho các xã điểm theo tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo chuyên sâu về TDTT cho cán bộ làm công tác TDTT ở cơ sở. Quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm TDTT ở xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa TDTT, có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư và thúc đẩy xã hội hóa TDTT. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác phát triển sự nghiệp TDTT, nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng phong trào TDTT… Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 35% dân số.

 

Hy vọng với sự quyết tâm và những giải pháp cụ thể, phong trào TDTT quần chúng của Quảng Trị sẽ có những bước tiến mới, góp phần vào thành tích chung đưa sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 

Trương Thanh Tuấn

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 515

Tổng lượt truy cập: 6.805.842