Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Luật du lịch đầu tiên được ban hành vào năm 2005 là văn bản đầu tiên trong lĩnh vực du lịch. Từ khi ban hành văn bản này, hoạt động du lịch Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng đa dạng hóa, linh hoạt về cả loại hình du lịch, xu hướng du lịch, cách thức lựa chọn và sử dụng tour du lịch cũng như việc sử dụng thanh toán điện tử trong hoạt động du lịch. Việc sửa đổi luật du lịch là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động du lịch, tạo điều kiện để thúc đẩy ngành du lịch, đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ cho du khách và tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ du lịch.

 

        Qua 6 lần sửa đổi, ngày 19 tháng 6 năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch năm 2017, rút ngắn còn 9 chương, 78 điều (giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005), nhằm chuyền tải những nội dung đúng đắn và mới theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn.

 

        Sau đây là một số điểm mới của Luật Du lịch năm 2017 so với Luật Du lịch năm 2005:

        Thứ nhất, trong Luật Du lịch 2017 nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa: Việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế đã được quy định đơn giản hơn. Trước đây, doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép lữ hành quốc tế phải nộp hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở VHTTDL để thẩm định, sau đó Sở gửi lên Tổng cục Du lịch. Theo quy định tại Luật Du lịch 2017, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đến TCDL. 

        Thứ hai, Về điều kiện kinh doanh lữ hành: Luật năm 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành, nhưng lại rất đơn giản về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Theo Luật 2005, doanh nghiệp lữ hành nội địa lại không yêu cầu phải có giấy phép, không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động. Như vậy là không có sự đồng bộ với hệ thống pháp luật và tạo sự bất công bằng giữa các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế, tạo ra lỗ hổng trong quản lý các doanh nghiệp lữ hành nội địa. Khắc phục những điểm yếu trong Luật 2005, Luật du lịch sửa đổi 2017 bổ sung đối tượng phải cấp phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Từ đó các đơn vị chức năng sẽ tăng cường quản lý nhà nước để tránh hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm, bảo đảm an toàn hơn cho du khách. 

        Thứ ba, Về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch:

Về cơ sở lưu trú du lịch, theo Luật Du lịch 2017, việc đăng ký xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch là tự nguyện. Trước tiên, các cơ sở lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 49. Ngoài ra, theo nhu cầu thị trường cơ sở lưu trú có thể đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xếp hạng. Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng theo chất lượng dịch vụ, khách du lịch khi lựa chọn cơ sở lưu trú đã được xếp hạng thì sẽ yên tâm hơn về chất lượng dịch vụ. Luật mới cũng quy định về thẩm quyền thẩm quyền thẩm định, công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định như sau: Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao; Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao và điều đặc biệt Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 05 năm (thay vì trước đây là 3 năm). Đây cũng là những cái khác biệt cơ bản giữa Luật Du lịch 2005 và Luật Du lịch 2017.

        Thứ tư, Về hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên du lịch là một lực lượng lao động đông đảo, đóng vai trò quan trọng, nhiều khi có vai trò quyết định mức độ hài lòng của khách du lịch. Nhằm đảm bảo quyền lợi của hướng dẫn viên, của khách du lịch cũng như của doanh nghiệp lữ hành, Luật sửa đổi theo hướng quy định hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ thẻ HDV quốc tế cũng được điều chỉnh theo hướng giảm xuống (từ cử nhân xuống cao đẳng). Quy định này nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch trong mùa cao điểm.

        Thứ năm, Về quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Luật Du lịch 2017 Luật đã bổ sung thêm nội dung quy định về Văn phòng xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tạo ra một cơ hội mới cho ngành du lịch giúp nâng cao chất lượng du lịch. Trong Luật sửa đổi cũng quy định “trích một phần phí tham quan, phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài” vào nguồn thu của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; thủ tục cấp bổ sung thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước.

        Thứ sáu, Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có bổ sung thêm các quy định như: lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người ra nước ngoài hoặc vào Việt Nam trái pháp luật; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận…

Luật Du lịch sau 10 năm thực thi cũng bắt đầu bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn của hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch. Việc hoàn thiện và thông qua Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phù hợp với quy mô, tốc độ phát triển của hoạt động du lịch trong xu thế hội nhập đồng thời giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực, để ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Quảng Trị nói riêng phát triển bền vững và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Luật Du lịch 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018./.

 

Nguyễn Thị Duyên 

Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1687

Tổng lượt truy cập: 6.778.883