Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Một số điểm mới của Luật phòng chống bạo lực gia đình

Luật Phòng chống bạo lực gia đình mới nhất được Quốc hội thông qua  ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. So với Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2027, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022  gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007, trong đó có một số điểm mới như sau:

Phiên họp Quốc hội Thông qua  Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022

Thứ nhất: Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự.

Thứ 2: Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Thứ 3: Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình“, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Thứ 4: Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cụ thể, trong Luật có biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã và Tòa án tự mình ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó, quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng“; bảo vệ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.

Thứ 5: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình

,đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Cụ thể, quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình như quy định về kinh phí phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm một lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 13644

Tổng lượt truy cập: 7.323.897