Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Quảng Trị có 10 huyện, thị, thành phố, diện tích tự nhiên là 4.745 km2, dân số trên 626.000 người; có 10 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và có 8 huyện (trong đó có 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa và 3 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số là huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ, có 47 xã miền núi) và 01 huyện đảo với 141 xã, phường, thị trấn, 1.073 làng, bản, khu phố, khóm phố, tiểu khu. Có 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc kinh chiếm 91%, dân tộc Vân Kiều chiếm 7,1% và dân tộc Pa-kô chiếm 1,9%. Với những đặc điểm về truyền thống lịch sử, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng đã ảnh hưởng, chi phối đến việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh.

 

  Hương ước, quy ước được coi như một công cụ hỗ trợ thực hiện việc thi hành pháp luật nhằm duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng dân cư, đề cao tính tự quản, tự trị của làng, bản, khu phố, tăng cường dân chủ hóa cơ sở. Sức mạnh cưỡng chế của hương ước, quy ước dựa vào thói quen, nếp sống của cộng đồng dân cư, là sức mạnh có tính chất tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người, có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân, tăng tính đoàn kết cộng đồng, bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư.

 

        Với vai trò quan trọng đó nên việc xây dựng, thẩm định, ban hành các bản hương ước, quy ước đặc biệt cấp làng, xã được các cấp chính quyền, đảng, đoàn thể chỉ đạo chặt chẽ, với sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan có thẩm quyền, ngành tư pháp nhằm đảm bảo các yêu cầu về mặt nội dung và hình thức; Những quy định cụ thể trong hương ước, quy ước xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng, có biện pháp thưởng, phạt quy định ngay tại các điều, khoản cụ thể. Việc soạn thảo hương ước do ban soạn thảo đảm nhiệm, là người có uy tín, đại diện cho các thành phần dân cư tại cộng đồng, được thảo luận và thông qua tại các cuộc họp dân theo nguyên tác dân chủ, đa số. Quy trình xây dựng hương ước, quy ước được thực hiện công khai, dân chủ thông qua các buổi họp dân từ khi dự thảo, lấy ý kiến, phê duyệt và sửa đổi, bổ sung đúng với quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phong tục, tập quán của địa phương.

 

        Nội dung của các bản hương ước, quy ước quy định rõ những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng; văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; giữ gìn an ninh trật tự - an toàn xã hội; những nội dung về bảo vệ, phát triển rừng; định canh, định cư; chống các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan; xây dựng và quản lý, sử dụng quỹ… Việc khen thưởng, xử phạt được quy định rõ bằng các hình thức như biểu dương, khen thưởng trước cộng đồng trong các hội nghị tổng kết năm, cuộc họp cộng đồng, bình chọn gia đình văn hóa. Các hình thức phạt trong hương ước, quy ước chủ yếu là dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội, cộng đồng như các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng, thông báo trên hệ thống truyền thanh ở cơ sở. Nội dung chính các bản hương ước, quy ước thường ngắn gọn, dễ hiểu, lấy tính giáo dục răn đe là chính, không nặng về các hình thức xử phạt tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

 

        Đến nay, toàn tỉnh có 100% các làng, bản, khu phố xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, góp phần xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, tăng tình đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ, công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp nên được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành, góp phần làm cho hoạt động của cộng đồng dân cư trở nên nề nếp. Ngoài ra, việc vận dụng sáng tạo quy chế dân chủ trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần ổn định chính trị, xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

        Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn một số hạn chế như một số địa phương, việc xây dựng và thực hiện các hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc, hướng dẫn quá cụ thể chưa mang tính đặc thù của từng địa phương hoặc điều chỉnh những quan hệ xã hội mà pháp luật đã điều chỉnh; Việc thực hiện hương ước, quy ước một số nơi chưa triệt để, trường hợp tảo hôn vẫn còn; hiện tượng rải vàng mã, giữ người chết trong nhà quá thời gian quy định, một số nơi ở vùng núi còn nặng về lễ nghi hủ tục; một số nơi vẫn còn quan niệm “phép vua thua lệ làng”, việc cưới còn một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên hiện nay vi phạm quy định, gây hoang mang trong dư luận.

 

        Trong thời gian tới, để xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện các nhiệm vụ giải pháp sau:

 

        Tiếp tục quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức, tính gương mẫu đi đầu trong thực hiện hương ước, quy ước ở cơ quan, đơn vị công tác và địa phương nơi sinh sống.

 

        Tập trung nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú với các tiêu chí, chuẩn mực cao hơn, toàn diện hơn, vững chắc hơn.

 

        Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội tập trung vận động nhân dân tự giác, vư­ơn lên để khắc phục khó khăn, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nhằm tạo sự thống nhất và tiếng nói chung từ cộng đồng dân cư­. Hàng năm khi bình xét đánh giá cán bộ, đảng viên, gia đình văn hoá, cần đưa tiêu chí chấp hành các quy định của hương ước, quy ước để bình xét thi đua. Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” các cấp, Ban điều hành xây dựng văn hóa các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hương ước, quy ước để phù hợp với tình hình thực tiễn trong giai đoạn mới.

 

        Có thể nói hương ước, quy ước là chất xúc tác thúc đẩy thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi đến thành quả như ngày hôm nay. Là điều kiện đảm bảo ổn định để pháp luật dễ dàng đi vào đời sống xã hội, len lỏi trong từng nếp nghĩ, việc làm của người dân, góp phần duy trì và phát triển các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Bài: Nguyễn Thị Huyền

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 572

Tổng lượt truy cập: 6.807.363