Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm văn hoá tinh thần vô cùng quý báu, có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học do con người sáng tạo và xây dựng nên; được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức y dược học cổ truyền, văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian... Đây chính  là những sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của cả dân tộc trong quá trình sống, lao động xây dựng và bảo vệ tổ quốc; nó luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất keo gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu với văn hóa quốc tế.

Trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc ở Quảng Trị, Hò giã gạo được biết đến như một làn điệu dân ca đặc trưng của vùng đất Quảng Trị có nội dung mộc mạc, phác họa rõ lối sống và văn hóa vùng miền. Với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời cùng với sự cống hiến không mệt mỏi của Hò giã gạo đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ngày 14/02/2023, tại Quyết định số 216/QĐ-BVHTTDL di sản “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hò giã gạo huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong, huyện Cam Lộ, huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị” - di sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Có thể nói, từ đây, Quảng Trị có thêm một sản phẩm mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Hò giã gạo ở Quảng Trị được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi với đời.

1. Đôi nét về Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật trình diễn dân gian “Hò giã gạo” ở Quảng Trị

          Giã gạo là hoạt động phổ biến trong đời sống của người nông dân Việt từ thời xa xưa. Sở dĩ có tên gọi Hò giã gạo vì điệu hò này sản sinh từ nhịp điệu lao động giã gạo và quan hệ hình thức của công việc này trong đời sống thực tiễn của người dân. Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào khẳng định được thời gian ra đời cụ thể của điệu hò này. Hò giã gạo có thể ra đời cách đây khá lâu, muộn nhất là vào thời văn hóa Đông Sơn mà dấu vết là hình người chèo thuyền, giã gạo, thổi kèn được khắc họa trên mặt trống đồng.

          Khởi thuỷ, Hò giã gạo bắt nguồn từ trong môi trường xay lúa, giã gạo thường nhật của người dân. Khi lao động tập thể, người ta dùng Hò giã gạo để giải khuây, tạo không khí vui vẻ, giúp họ phần nào vơi bớt mệt nhọc. Trải qua thời gian hình thành và phát triển, Hò giã gạo dần trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian chứ không bó buộc trong không gian giã gạo khi hò.

          Ở miền Trung Việt Nam, Hò giã gạo nổi lên như một nét đặc trưng của văn hoá vùng miền. Đây là hình thức dân ca được phát sinh và phát triển từ các câu ca dao, gắn liền với động tác lao động (giã gạo). Tuỳ thuộc vào đặc điểm ngữ âm, sinh cảnh, tập quán của mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành mà Hò giã gạo có những nét khu biệt nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng dân tộc học nào chứng minh cái nôi của quá trình hình thành điệu hò này.

          Đặc trưng của Hò giã gạo là hò lao động. Trong quá trình lao động nặng nhọc nên có hò đối đáp nhân nghĩa ân tình, hò giao duyên nhằm giải khuây cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Khi nhắc đến hò giã gạo là người ta ngầm hiểu đó là lối hò mà thông qua nó để người ta giao duyên, thi thố tài năng ứng đáp, hò hát nhiều hơn là mục đích giã gạo.

          Trong lịch sử, Hò giã gạo đã có mặt ở nhiều nơi từ vùng người Thái Sơn La đến người Mường Thanh Hóa, đến người Kinh vùng Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, vào tận Khánh Hòa. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương lại có một làn điệu hò riêng mang tính đặc trưng của địa phương như ở Quảng Bình phổ biến là làn điệu Hò khoan Lệ Thủy, ở Thừa Thiên Huế là làn điệu hò Mái nhì Huế còn Quảng Trị là Hò giã gạo Quảng Trị.

          Do hò giã gạo chủ yếu diễn ra trong lao động và thực tiễn đời sống xã hội cho nên không quy định cụ thể về thời gian, địa điểm tổ chức các cuộc hò. Trước hết, về thời gian, hò giã gạo thường diễn ra vào ban đêm nhưng không quy định về giờ, ngày, tháng như hát quan họ, hay như các loại hình nghệ thuật sân khấu khác trong lễ hội mùa xuân ở miền Bắc: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, trở về hội Láng trở ra hội Thầy”. Cuộc hò giã gạo ở Quảng Trị thường được bắt đầu từ khi người ta cho gạo vào cối giã và kết thúc khi gạo đã trắng. Về địa điểm cũng vậy, có thể trong nhà, ngoài sân, nơi sân đình, ở góc chợ... do vậy, hò giã gạo đã trở thành là sân chơi cho nhiều người tham gia.

2. Các hình thức diễn xướng của Hò giã gạo

2.1. Diễn xướng trong không gian cộng đồng

          Với hình thức diễn xướng trong không gian cộng đồng, người biểu diễn và người xem hòa làm một, gắn liền với lao động, phong tục, tập quán của địa phương.

          Từ hình thức diễn xướng gắn bó chặt chẽ với lao động trên đây, Hò giã gạo phát triển thành loại hình hò sinh hoạt, vui chơi. Ở dạng thức này, Hò giã gạo được tổ chức quy mô, mang tính chất giao lưu giải trí và thi tranh tài giữa đội nam và nữ trong cùng một làng hoặc thuộc các làng khác nhau; thường được tổ chức trong các dịp nông nhàn, nhất là những đêm trăng thanh, vụ mùa đã thu hoạch.

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hò giã gạo cùng với một số làn điệu dân ca khác như Hò Như Lệ, Hò địch vận… được các đội tuyên truyền văn nghệ xung kích diễn xướng trong hầm bí mật, địa đạo hay các vùng giới tuyến, nhằm động viên tinh thần quân sĩ bám trụ đánh giặc cũng như tuyên truyền vận động con dân Quảng Trị phục vụ cho quân đội địch trở về với quê hương. Hình thức thể hiện này thường bí mật, tức thời và mang tính chính trị. Sở dĩ các làn điệu dân ca, trong đó có Hò giã gạo, được chọn làm vũ khí tuyên truyền vì tính súc tích, giản tiện. Chỉ cần sáng tác lời phù hợp, vài người biết hò mang theo cây đàn nhị đi hàng chục cây số đến nơi bí mật, lấy áo mưa trùm kín lại, xong bật đèn pin soi trên giấy để hát xướng.

          Sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, trong thời kỳ khai hoang phục hóa, tại các nông trường sản xuất, Hò giã gạo được những người lao động diễn xướng trong những giờ nghỉ giải lao. Hò giã gạo trong cách hiểu nào đó, quay trở về tính chất của hò lao động. Tuy nhiên, Hò giã gạo được diễn xướng không gắn với hoạt động giã gạo như ban đầu, mà bất cứ dụng cụ nào có thể phát ra âm thanh cũng có thể thay thế nhịp chày. Một bên nam, một bên nữ quây quần lại cùng xướng - xô để hò.

          Ngày nay, Hò giã gạo được mở rộng không gian trình diễn. Từ các vùng quê, những người có khả năng ca hát đã tham gia vào các Câu lạc bộ dân ca tại địa phương từ đó phát huy chức năng sưu tầm các câu hò lời cổ, sáng tác lời mới, tổ chức tập luyện, truyền dạy Hò giã gạo cho các thành viên trong Câu lạc bộ cũng như các bạn trẻ đam mê với dân ca truyền thống của quê hương, tham gia các hoạt động giao lưu giữa các Câu lạc bộ trong huyện, trong tỉnh và giao lưu, biểu diễn trong cộng đồng, vào các dịp kỷ niệm, các hoạt động sự kiện tại các xã, huyện, tỉnh… không những thế, trong các dịp Liên hoan đàn và hát dân ca ở khu vực, toàn quốc thì Hò giã gạo cũng được trình diễn với những câu hò mộc mạc, gần gũi thân quen thể hiện tâm tư, tình cảm và ước mong của người Quảng Trị trong cuộc sống thường ngày.

      Một buổi giao lưu Nghệ thuật trình diễn dân gian  Hò giã gạo của CLB Dân ca Sông Hiền (huyện Vĩnh Linh)

           2.2. Biểu diễn trên sân khấu

          Hình thức biểu diễn trên sân khấu của Hò giã gạo xuất hiện ở giai đoạn muộn, khi môi trường diễn xướng vốn có đã không còn, nhất là máy móc đã thay thế cho các công đoạn xay, giã, dần, sàng. Khác với diễn xướng, biểu diễn Hò giã gạo được thực hành trên sân khấu, trong các hội diễn quần chúng ở những quy mô, tính chất khác nhau (chương trình Làng vui chơi, làng ca hát, các chương trình thi hát dân ca giữa các khu vực sản xuất, các đội sản xuất). Diễn viên phần lớn vẫn là người bình dân (nông dân, tiểu thương…) tham gia vào các đội văn nghệ của thôn xóm hay trong các câu lạc bộ dân ca. Một số người có năng khiếu trong cộng đồng tự dàn dựng các ca cảnh, kết hợp nhiều làn điệu dân ca với nhau (vè, nói lối, hò mái nhì, mái xấp…). Mặc dù nội dung các bài hò cũng được sắp xếp sẵn, lựa chọn từ các bài dân ca cổ hay viết lời mới nên không mang tính ứng tác, song Hò giã gạo luôn là phần sôi nổi nhất. Được xem là “xương sống” của hầu hết các chương trình văn nghệ quần chúng, mỗi khi được xướng lên, Hò giã gạo luôn tạo được sự cộng hưởng cao giữa diễn viên và khán giả. Khán giả không chỉ thưởng thức mà vừa cùng xô vừa vỗ tay giữ nhịp và tán thưởng. Ngoài ra, trong các chương trình biểu diễn này, một số nhạc cụ truyền thống khác cũng được sử dụng như đàn bầu, đàn nhị, sáo, nguyệt; thay vì dùng chày cối, khi Hò giã gạo, các diễn viên có thể dùng song loan hay tiếng vỗ tay để giữ nhịp.

          Có thể nói, dù là diễn xướng trong không gian cộng đồng hay biểu diễn trên sân khấu thì Hò giã gạo cũng có khả năng thu hút đông đảo người xem, tạo sự vui tươi, sôi động và sự cộng hưởng lớn giữa người trình diễn và người thưởng thức, dù bất cứ không gian và thời gian nào.

            3. Những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể Hò giã gạo ở Quảng Trị

Trước hết, Hò giã gạo là một loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với truyền thống nông nghiệp của người Việt Quảng Trị, do đó, Hò giã gạo có giá trị lịch sử quan trọng. Có thể xem Hò giã gạo là kết quả của sự kế thừa dân ca vùng Thanh Nghệ kết hợp với các yếu tố bản địa, đặc biệt là các cư dân tiền trú, thể hiện trên phương diện ngôn ngữ lẫn giai điệu.

Trải qua sự biến thiên của lịch sử, Hò giã gạo đã không ngừng được gìn giữ, thực hành trong cộng đồng, dưới các dạng thức: hò lao động, hò vui chơi giải trí, hò cổ động - phục vụ kháng chiến và biểu diễn. Nội dung của các câu hò cũng phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa xã hội của người dân Quảng Trị qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là các mối quan hệ liên làng (thông qua các phe hò), sự chi phối của đạo đức Nho giáo đến ứng xử của giới bình dân (Hiếu, Trung, Nhân, Nghĩa…), lệ làng phép nước và nhất là thực tiễn của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm (chống Pháp và chống Mỹ), kiến thiết đất nước của người dân Quảng Trị.

Ngày nay, mặc dù môi trường diễn xướng vốn có không còn, song Hò giã gạo tiếp tục phát huy vai trò của mình trong các chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng cũng như trong học đường. Với yêu cầu đơn giản về nhạc cụ, phục trang; nhịp điệu tiết tấu vui tươi, linh động trong việc đặt lời; có thể biểu diễn từ 2 người đến một nhóm lớn hoặc nhỏ, Hò giã gạo dễ phổ biến và tiếp nhận. Theo đó, Hò giã gạo thường được vận dụng như một xương sống trong các ca cảnh (kết hợp với vè, hò mái nhì, nói lối…) hoặc trình diễn độc lập để chuyển tải các nội dung đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đương đại.

Có thể nói, Hò giã gạo có một sức sống lâu bền và ở mỗi thời đại, đã phát huy vai trò của mình, không chỉ là một phương tiện giải trí mà hơn thế, còn là một phương tiện góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương.

Thứ hai, Hò giã gạo ở Quảng Trị mang giá trị văn hóa sâu sắc, là phương tiện cố kết cộng đồng: Được ra đời và diễn xướng trong môi trường lao động và hội hè của người nông dân sau mùa vụ, tiếng chày và tiếng hò hát trong các cuộc Hò giã gạo không chỉ là âm thanh của lao động, của giai điệu mà còn là biểu tượng của sự tương trợ lẫn nhau của người nông dân Quảng Trị từ bao đời nay. Đặc biệt, thông qua các hội hò trong những đêm trăng thanh, thành viên của các phe hò, những người đi xem hội hò tìm đến với nhau, tương tác, vui chơi, giải bày tâm sự, hầu như không phân biệt địa vị cao thấp, sang hèn; góp phần củng cố thêm nếp sống hiền hòa, gần gũi giữa những người cùng xóm làng, thậm chí là liên làng, liên xã.

- Hò giã gạo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học: Với sự tham gia của các thầy đồ, Nho sĩ địa phương trong việc sáng tác các câu đố/ câu đối, nên mặc dù là một điệu hò của người dân lao động nhưng Hò giã gạo cũng đầy nho nhã, đăng đối với những điển tích, điển cố được lấy ra từ kinh sách; những ý tứ, câu chữ được mài dũa một cách tinh tế, giàu tính biểu tượng. Song, vẫn giữ được sự dung dị, chất phác của giới bình dân. Đặc biệt, những địa danh, sản vật của vùng đất Quảng Trị được nhắc đến trong mỗi câu hò tạo nên bản sắc riêng trong không gian văn hóa chung của Hò giã gạo miền Trung.

- Hò giã gạo là chất liệu cho các sáng tác âm nhạc, ca kịch hiện đại, là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng các ca cảnh hay tổ khúc dân ca trong các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp hay văn nghệ quần chúng của địa phương. Tiêu biểu phải kể đến tác phẩm “Gạo trắng trăng thanh” (1956) của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ (1928 - 2001), một nhạc sĩ người Quảng Trị định cư ở Nhật. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng dùng nhịp điệu của Hò giã gạo để cho vào một đoạn trong ca khúc Về miền Trung.

Thứ ba, Hò giã gạo còn có giá trị khoa học, là một di sản văn hóa dân gian mang tính nguyên hợp, vừa là nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật âm thanh, vừa gắn với phong tục tập quán của người dân. Do đó, Hò giã gạo là nguồn cứ liệu cho nhiều luận văn, luận án, công trình nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khác nhau.

Từ góc độ ngôn ngữ học, ca từ trong Hò giã gạo mang lại những ngôn liệu về tiếng địa phương, từ cổ, các hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, đa nghĩa, v.v.

Từ góc độ văn học, nếu tách phần âm nhạc, thì Hò giã gạo là những tác phẩm thi ca, những bài ca dao được viết theo thể lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tự do, v.v. Không những thế, có thể tìm thấy ở kho tàng ca dao này những hình tượng mang tính biểu tượng được xây dựng bằng tư duy của những cư dân có nền văn minh thực vật và sông nước, như: đào, lựu, mai, lan, cúc, trúc, thuyền, bến…

Từ góc độ triết học, tư tưởng, có thể tìm thấy trong nội dung của Hò giã gạo sự chi phối của đạo đức Nho giáo, sự tự do tư tưởng của giới bình dân, những mặt tích cực, hạn chế của hệ tư tưởng truyền thống, v.v.

Từ góc độ sử học, ca từ của Hò giã gạo chứa đựng thông tin về quá trình dựng đất, lập làng, đặc biệt là các cuộc kháng chiến chống thù trong giặc ngoài của vùng đất giới tuyến.

Từ góc độ dân tộc học, cả nội dung và làn điệu cũng như phong tục tập quán gắn liền với Hò giã gạo là những bằng chứng về truyền thống nông nghiệp từ lâu đời của người Việt, được truyền thụ từ đời này sang đời khác theo chiều thời gian; được lan tỏa theo chiều không gian. Cũng thông qua làn điệu này, có thể nhận diện sự giao lưu tộc người ở vùng đất miền Trung cũng như cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của cư dân nơi đây. Đặc biệt, những tri thức dân gian về địa lý, ăn mặc, cư trú, đi lại, nghề thủ công, v.v. cũng có thể gián tiếp tìm thấy trong nội dung của các bài hò đối đáp.

Thứ tư, Hò giã gạo còn mang giá trị giáo dục. Qua nội dung các làn điệu dân ca thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự cần cù, chịu thương chịu khó, chung thủy, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tôn trọng lệ làng phép nước, v.v. Nổi bật hơn cả là sự lạc quan, hài hước, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vất vả - thể hiện rõ nhất ở nội dung của các câu hò đâm bắt.

Nội dung của Hò giã gạo cũng phê phán những thói hư tật xấu, những hạn chế mang tính thời đại: rượu chè, lười biếng, tham giàu phụ nghĩa, ép duyên, v.v. Hò giã gạo, do đó, góp phần điều chỉnh hành vi cá nhân thông qua các hình thức giải bày, khuyên răn, trào lộng, trách cứ, .v.v.

 

Một buổi tập luyện dân ca Hò giã gạo của các hội viên và các em học sinh của Câu lạc bộ Dân ca Sông Hiền (huyện Vĩnh LInh)

Ra mắt hoạt động trải nghiệm sáng tạo Em yêu làn điệu dân ca (Trường Tiểu học TT Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị

Theo diễn trình lịch sử, Hò giã gạo thường được sử dụng như một phương tiện dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người khi cần tuyên truyền các chủ trương, đường lối, các vấn đề mang tính thời sự cho mọi đối tượng thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hò giã gạo là vũ khí để các đội văn nghệ xung kích để tuyên truyền con dân Quảng Trị rời bỏ quân ngũ địch (hò địch vận, hò lô cốt); động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích; động viên người dân vượt qua khó khăn, gian khổ của chiến tranh. Vào thời bình, Hò giã gạo tiếp tục được sử dụng để tuyên truyền cho phong trào khai hoang, phục hóa, kiến thiết quê hương; ca ngợi đất nước vào các ngày lễ lớn của dân tộc; tuyên truyền các chính sách kế hoạch hóa gia đình, giáo dục bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, .v.v.

Có thể nói, Hò giã gạo đã góp phần gìn giữ, trao truyền văn hóa vùng đất Quảng Trị, góp phần xây dựng, bồi đắp nhân cách con người Quảng Trị phù hợp với thời đại, trên nền tảng thuần phong mỹ tục truyền thống./.

Nguyễn Thị Nương - Phòng Quản lý Di sản Văn hóa

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 554

Tổng lượt truy cập: 7.326.238