Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

75 năm hình thành, phát triển ngành Văn hóa – Thông tin

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ngày 28/8/1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bộ thông tin – tuyên truyền được thành lập. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống Văn hóa thông tin, ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành trong tiến trình cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. 75 năm qua, trên từng chặng đường Cách mạng, ngành văn hóa – thông tin không ngừng trưởng thành ngày càng thể hiện vai trò, vị thế trong sự nghiệp phát triển chung. Mỗi thành tựu đạt được trong xây dựng và phát triển ngành văn hóa – thông tin luôn gắn liền với mỗi bước đi lên của đất nước.

 

Những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng ta luôn coi văn hóa là một trong ba mặt trận quan trọng mà Đảng ta phải nắm lấy, đó là kinh tế, chính trị và văn hóa. Ba phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Văn hóa còn được coi là một mặt trận không tách rời các mặt trận đấu tranh khác trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

 

Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, đường lối chỉ đạo của Đảng về văn hóa tiếp tục được quan tâm. Chủ trương “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” đã thúc giục lớp lớp văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa hăng hái ra mặt trận, trở thành một lớp “người nghệ sĩ – chiến sĩ” chiến đấu trên “mặt trận văn hóa” và sáng tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật làm rung động lòng người, cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Trong thơi kỳ này, ngành văn hóa Quảng Trị cũng đã được hình thành, tôi luyện và trưởng thành, góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Những lớp chiến sĩ – nghệ sĩ như Dương Tường, Hồng Chương, Chế Lan Viên, Trần Hoàn, Lương An và nhóm văn nghệ Nguồn Hàn đã có những cống hiến xuất sắc, xây dựng một diện mạo mới trong nền văn hóa Quảng Trị, đó chính là “Văn nghệ kháng chiến”, là một trong những khởi nguồn của nền văn nghệ Cách mạng Việt Nam.

 

          Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, văn hóa tiếp tục được xem là mặt trận hàng đầu. Nhiều phong trào như “Tiếng loa hòa tiếng súng”, “Toeengs hát át tiếng bon”,  “Hát cho đồng bào tôi nghe”…đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng hậu phương miền Bắc làm hậu phương cho tiền tuyến miêng Nam đánh thắng quân thù. Mảnh đất Quảng Trị lúc bấy giờ đang là giới tuyến chia cắt hai miền Nam – Bắc, là một trong những tâm điểm của sự đối đầu khốc liệt, tàn bạo nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, những chiến sĩ hoạt động văn hóa đều có mặt, sát cánh chiến đấu cùng quân và dân Quảng Trị. Ty Văn hóa Vĩnh Linh ở bờ Bắc và lực lượng văn hóa ở bờ Nam vẫn bền bỉ, kiên trì, bám đất, bám làng, bám trận địa để phục vụ kháng chiến. Lực lượng Thông tin tuyên truyền, in ấn xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, nhiếp ảnh, văn công văn nghệ, chiếu bóng phục vụ nhân dân và các chiến sĩ trên chiến hào. Nhiều anh chị em văn nghệ sỹ Quảng Trị đã ngã xuống như những chiến sĩ cầm súng hi sinh trên tuyến đầu diệt giặc.

 

Trong thời kỳ hòa bình, đổi mới và phát triển đất nước, ngành VH-TT tiếp tục phát huy vai trò của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Đội ngũ các chiến sĩ văn hóa ngày càng được bổ sung về số lượng lẫn chất lượng, đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Sự nghiệp văn hóa thông tin đã không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh hơn về thiết chế, tổ chức, về trình độ quản lý, hoạt động nghiệp vụ và đã đạt được thành tựu có ý nghĩa trên các mặt công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội bằng việc sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Văn hóa trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, cổ vũ toàn dân bài trừ các tệ nạn xã hội, tránh xa lối sống đi ngược với xu thế văn minh thời đại, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Quảng Trị thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, từng bước khắc phục khó khăn, bắt tay xây dựng lại đời sống trên đóng hoang tàn đổ nát. Nền văn hóa cũng được chú ý xây dựng lại cùng với quá trình tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh. Thiết chế văn hóa được xây dựng tạm thời, tạo dựng niềm tin và sự lạc quan,tạo tinh thần phấn khởi cho nhân dân an tâm lao động, sản xuất.

 

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Do hậu quả nặng nề của chiến tranh, Quảng Trị được coi là một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước. Mọi cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở gần như không có. Hệ thống di tích lịch sử bị hủy hoại và hoang phế; đội ngũ cán bộ văn hóa thiếu và còn hạn chế trong chuyên môn nghiệp vụ nên rất khó khăn trong tham mưu xây dựng, quản lý và phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh.

 

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua, ngành VH-TT Quảng Trị đã không ngừng phát triển, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, các hoạt động văn hóa văn nghệ, cùng với các chương trình hoạt động sôi nổi, phong phú, thiết thực rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở… tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

 

Năm 2008, ngành Văn hóa sáp nhập với ngành Thể dục Thể thao, Du lịch và bộ phận Gia đình của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, tạo nên một thiết chế đa ngành, đa lĩnh vực. Các lĩnh vực thuộc ngành đã có sự bổ trợ nhau, phát triển, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.

 

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như cổ động trực quan, cổ động lưu động kết hợp biểu diễn văn nghệ, sân khấu lưu động, dàn dựng kịch bản thông tin lưu động… đã thực sự tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân trên các mặt đời sống xã hội.

 

Ngành cũng đã tham mưu tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia và khu vực như: “Nhịp cầu xuyên Á”, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc... Đặc biệt, với đặc trưng văn hóa địa phương, ngành đã mạnh dạn tham mưu xây dựng Đề án và tổ chức thành công các loại hình lễ hội Cách mạng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, Lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Kiệu La Vang, Giỗ Tổ Đình Sắc Tứ… Công tác quản lý tổ chức Lễ hội chặt chẽ, an ninh trật tự và yếu tố tâm linh tín ngưỡng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Qua đó, đã quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh Quảng Trị; đồng thời góp phần vào việc giáo dục, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống, nêu cao ý chí quyết tâm, vượt qua thách thức, khó khăn xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vật thể, phi vật thể được chú trọng, lượng khách tại các điểm di tích hàng năm không ngừng tăng lên. Đến nay đã hoàn thành kiểm kê đưa vào danh mục quản lý 519 di tích, trong đó có 04 cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt (gồm 29 di tích); 20 di tích xếp hạng quốc gia; 469 di tích cấp tỉnh.

 

Các hoạt động triển lãm như: Triển lãm các tác phẩm tiêu biểu trong cuộc thi sáng tác “Biểu tượng Hoà bình”, Triển lãm ảnh các hoạt động của Fidel Castro tại Quảng Trị (2013), 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (2014), Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu; Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý;  Triển lãm: “Quảng Trị - Những dòng sông huyền thoại” (2015)… và hoạt động chiếu bóng đều được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thực sự là những “món ăn tinh thần” không thể thiếu của nhân dân tỉnh nhà, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhiều tác phẩm trên các lĩnh vực sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học của các tác giả tỉnh Quảng Trị ra đời và đạt được nhiều giải thưởng cao của tỉnh và của quốc gia.

 

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển sâu rộng. Các hội thi, hội diễn được các ngành, các địa phương hưởng ứng tích cực, chất lượng ngày càng cao. Đến nay, Quảng Trị đã có 14 nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; 05 nghệ nhân được đề nghị xét tặng Nghệ nhân Ưu tú; 10 Hội viên Hội Văn học nghệ thuật cấp tỉnh; 03 Hội viên Hội Văn học nghệ thuật cấp quốc gia; Hơn 600 đội văn nghệ quần chúng và Câu lạc bộ dân ca, văn nghệ ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh.

 

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư với hàng chục ngàn di vật văn hóa có giá trị được điều tra, sưu tầm làm giàu cho kho tàng văn hóa dân tộc.

 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng.

 

Với những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển, ngành Văn hóa thông tin (nay là Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý, nhiều hình thức khen thưởng, tiêu biểu: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2005); Bộ VHTT (nay là Bộ VH,TT&DL) và UBND tỉnh nhiều lần tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc; nhiều cá nhân, tập thể thuộc ngành VH,TT&DL được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương khen thưởng, biểu dương.

 

 Bước tiếp chặng đường 75 năm gian khổ và vinh quang của các thế hệ đi trước, toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc những bài học bài học mà các thế hệ đi trước để lại để tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc:

 

Một là, cần nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội;

 

Hai là, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới;

 

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị;

 

Bốn là, phát huy thế mạnh, hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược: Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; thể dục, thể thao vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước;

 

Năm là, phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

 

Ban biên tập

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 839

Tổng lượt truy cập: 7.326.523