Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Thể thao Quảng Trị - 30 năm một chặng đường

Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị trở lại với địa giới và tên gọi cũ. Những năm đầu lập lại tỉnh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị đối mặt với bộn bề khó khăn. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật quá nghèo nàn, lạc hậu; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra; tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn…

 

Trên lĩnh vực TDTT trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1989 sau khi tỉnh nhà được lập lại đến nay, với nhiều khó khăn, thử thách (đội ngũ cán bộ của ngành TDTT còn thiếu và yếu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn…), Ngành TDTT Quảng Trị với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, trước sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước, đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vươn lên hoàn thành tốt mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thể thao tỉnh nhà có nhiều bước phát triển mới, trong đó, thể thao thành tích cao gặt hái nhiều thành tích nổi bật ở các giải thể thao quốc gia và quốc tế, như có 4 đội bóng chuyền thi đấu giải hạng A quốc gia: Xi măng Quảng Trị, Công an tỉnh, Bưu điện tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đội tuyển Đua thuyền, Đẩy gậy vô địch quốc gia, Đội tuyển cờ Vua xếp hạng 7 Thế Giới, Đội tuyển bóng đá U11 đạt huy chương bạc quốc gia... Đặc biệt tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, Đoàn Thể thao Quảng Trị xuất sắc giành được 35 tấm huy chương, xếp vị trí thứ 12/66 tỉnh, thành, ngành; và tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Quảng Trị đã xuất sắc giành được 17 huy chương xếp thứ 36/65 tỉnh, thành, ngành. Đóng góp vào thành tích đó đã xuất hiện nhiều tấm gương VĐV thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước. Điển hình như VĐV điền kinh Phan Văn Hóa, VĐV rowing Hồ Thị Lý, Lê Thị Hiền, VĐV bóng chuyền Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Công Chiến, VĐV bóng đá Trương Văn Thái Quý, VĐV cầu lông Trần Văn Trì, Phùng Nguyễn Phương Nhi, VĐV lặn Lê Thị Bé, Đào Ngọc Tuyến, VĐV Karatedo Nguyễn Thị Mỹ Nga…Trong quá trình phát triển ấy luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; cùng sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của các Sở, ngành, địa phương. Các thế hệ làm công tác TDTT qua các thời kỳ và các cán bộ, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) hôm nay luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, cống hiến hết mình để đưa sự nghiệp TDTT tỉnh nhà từng bước vượt lên mọi khó khăn, thách thức, gặt hái nhiều thành công, từng bước khẳng định vị thế trên đấu trường thể thao quốc gia.

 

 

 

Thể dục thể thao quần chúng được xác định là nền tảng, là nhiệm vụ chiến lược để củng cố và tăng cường sức khoẻ cho nhân dân. Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tâm huyết, sáng tạo của những người làm công tác TDTT, phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hoá, chất lượng phong trào được nâng cao, ổn định và đi vào nền nếp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các Chương trình, Kế hoạch của Nhà nước về công tác TDTT. Hằng năm, có từ 10 - 12 giải thể thao quần chúng được tổ chức, đạt 100% kế hoạch đề ra. Công tác xã hội hóa TDTT đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh của toàn xã hội để phát triển sự nghiệp TDTT, tạo cho phong trào TDTT của tỉnh có những bước phát triển mới. Các tổ chức, cá nhân quan tâm tài trợ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng để tổ chức thành công nhiều giải thể thao, như Giải đua Thuyền rồng truyền thống “Lễ hội Thống nhất non sông”, Giải Việt dã “Cùng Sacombank chạy vì sức khoẻ cộng đồng”, Giải Bóng đá Báo Quảng Trị - Cúp Trường sơn... Công tác xã hội hoá TDTT đã góp thêm nguồn lực để phát triển sự nghiệp TDTT. Một số đơn vị, ban ngành, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: Sân Bóng đá cỏ nhân tạo, sân Quần vợt, Bể bơi, Nhà tập luyện TDTT... để phục vụ việc luyện tập cho cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Hiện nay, số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh đạt 31,1% dân số; số gia đình thể thao đạt 25,9 %; số người tập luyện TDTT thường xuyên trong CNVC đạt 85,7%; số người tập luyện TDTT theo quy định bắt buộc trong lực lượng vũ trang đạt 99,9%; 100% trường học đạt chuẩn về giáo dục thể chất. Toàn tỉnh có 775 câu lạc bộ và điểm tập TDTT và 02 liên đoàn, hiệp hội thể thao.          

 

Thể thao thành tích cao được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong định hướng phát triển của Ngành TDTT Quảng Trị. Trên tinh thần đó, toàn Ngành TDTT đã tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy thể thao thành tích cao phát triển theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Toàn ngành xác định 8 môn thể thao thế mạnh để đầu tư gồm: Điền kinh, Cầu lông, Bơi lội, Karatedo, Rowing, Canoeing và Cử tạ. Đây cũng chính là những môn thể thao đã mang về cho Quảng Trị những tấm huy chương quý giá tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, các giải thể thao quốc gia, quốc tế. Công tác đào tạo, tuyển chọn VĐV được chú trọng, hằng năm đã tuyển chọn đào tạo từ 90 đến 110 VĐV ăn, ở tập trung, tham gia từ 25 - 35 giải thi đấu toàn quốc, khu vực và quốc tế, giành từ 90 - 115 huy chương các loại; với những thành tích đạt được trong các giải đấu quốc gia, quốc tế, Quảng Trị có từ 7 đến 10 VĐV được triệu tập vào đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia, nhiều VĐV giành huy chương vàng được phong cấp kiện tướng. Bình quân hàng năm tổ chức từ 8-10 giải thi đấu thể thao thành tích cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT luôn được chú trọng, đạt kết quả cao. Thể dục thể thao cho người khuyết tật (NKT) được quan tâm đúng mức, thu hút nhiều VĐV khuyết tật tham gia tập luyện, thi đấu và mang lại ý nghĩa về tính nhân văn sâu sắc trong xã hội. Thể thao NKT của Quảng Trị vẫn duy trì sức mạnh và luôn giữ vững vị trí thứ 3 tại Giải Thể thao NKT toàn quốc; nhiều VĐV người khuyết tật được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, tranh tài ở nhiều giải khu vực, quốc tế, và xuất sắc mang về nhiều tấm huy chương quý giá cho quê hương, đất nước. Tiêu biểu như: VĐV bơi lội Hồ Thị Huế, Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Thủy, Trương Quang Gôn, Nguyễn Thị Diệu Hà; VĐV điền kinh Nguyễn Văn Do, Hồ Thị Lành, Lê Văn Tuấn…

 

Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 2 nhà thi đấu thể thao cấp tỉnh, 5 nhà thi đấu cấp huyện, thị có quy mô từ 1.000-2.000 chỗ ngồi, 104 sân vận động, 30 sân điền kinh, 282 sân bóng đá, 513 sân bóng chuyền, 37 sân quần vợt, 10 sân bóng rổ, 23 bể bơi, 7 nhà tập cầu lông, 8 nhà tập bóng bàn và 345 sân tập các môn thể thao khác; 14 nhà tập luyện và thi đấu TDTT ở các sở, ban, ngành, 9 nhà tập luyện TDTT ở các trường THPT… Có 6 doanh nghiệp và 136 hộ kinh doanh thể thao, các cơ sở hoạt động chủ yếu gồm: phòng tập thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân quần vợt, bể bơi… Với cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Quảng Trị đã phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội thể thao Trung ương tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn như: Phối hợp Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Giải Bóng chuyền nữ vòng loại World cup 2014, khu vực Đông Nam Á - Cúp Khe Sanh lần thứ 2 năm 2013, Giải Bóng chuyền tranh siêu cúp Đạm Phú Mỹ; tổ chức thành công Giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV- Bình Điền lần thứ IX- năm 2015… Thành công từ tổ chức những giải đấu này, có thể khẳng định, Quảng Trị hoàn toàn có thể tổ chức thêm nhiều giải đấu mang tầm quốc gia, quốc tế.

 

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của đội ngũ những người làm công tác TDTT, các cán bộ, HLV, VĐV, sự nghiệp TDTT tỉnh nhà đã phát triển toàn diện, gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào, tạo được lòng tin, yêu mến của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Với những thành tích và cống hiến hết mình cho sự nghiệp TDTT tỉnh nhà, có hơn 200 tập thể, cá nhân được nhận giấy khen, bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác TDTT; gần 200 cán bộ, HLV, giáo viên TDTT được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp TDTT”. Đặc biệt, năm 2007, Ngành TDTT tỉnh nhà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Năm 2008 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc và nhiều danh hiệu cao quý khác do Bộ VH,TT&DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng.

 

Thời gian tới, Ngành TDTT Quảng Trị quyết tâm thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm đề ra như: Tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động TDTT theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thực hiện tốt hơn nữa công tác đầu tư và đào tạo VĐV trẻ, tài năng, các môn thể thao mũi nhọn...làm nền tảng để xây dựng và phát triển đội tuyển tỉnh vững chắc. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính sách ưu tiên, ưu đãi, động viên, khen thưởng kịp thời, đột xuất cho các HLV, VĐV đạt thành tích cao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố có phong trào thể thao mạnh để liên kết đào tạo VĐV thể thao thành tích cao. Tin tưởng rằng, với quyết tâm của toàn ngành, sự nghiệp TDTT Quảng Trị vững tin tiến bước và gặt hái thêm nhiều thành công mới.

 

 Trương Thanh Tuấn

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 257

Tổng lượt truy cập: 6.801.715