Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương, đất nước. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, đời sống con người trở nên tốt hơn, tích cực hơn nhờ có môi trường văn hóa lành mạnh, ý thức con người được nâng cao, xã hội ổn định. Dưới ánh sáng của Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, chúng ta càng ý thức rõ hơn về sự phát triển của sự nghiệp văn hóa đối với nhu cầu phát triển đất nước hiện nay. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của nhân tố con người, giữ vị trí trung tâm, quyết định đồng thời là mục tiêu hướng đến trong việc hoạch định các chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển hay không phần quan trọng nằm ở Ban điều hành, những người trực tiếp chỉ đạo, điều hành, trải qua thực tiễn thực hiện phong trào ở địa phương.

 

Thực tiễn đã chỉ ra rằng nơi nào thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở thì nơi đó người dân cũng như các cấp ủy Đảng, chính quyền phải nhận thức đúng mối quan hệ về xây dựng đời sống văn hóa trong mối tương quan xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, xây dựng kinh tế phát triển và ngược lại. Hiện nay, đa số Ban điều hành xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa là có đội ngũ cán bộ hoạt động điều tay, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và được nhân dân tin tưởng, ủng hộ trong mọi quyết sách, hành động và đưa ra các chính sách, phương án, các giải pháp thúc đẩy phong trào “TDĐKXDĐSVH” ngày càng phát triển. Tùy theo tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vi, Trưởng Ban đều hành có thể là trưởng thôn, trưởng khu phố, già làng, trưởng bản và  trưởng các ban, ngành, các đoàn thể, các hội. Họ là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, được nhân dân tin tưởng, hơn ai hết họ là những người nắm rõ thực tiễn về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đời sống kinh tế của người dân địa phương để đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa phù hợp; mỗi thành viên của Ban điều hành luôn đề cao trách nhiệm, nhiệt tình năng nổ và có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng như vận động người dân thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hương ước, quy ước....Tiếng nói của những thành viên Ban điều hành, những người có uy tín đi sâu vào tâm tư nguyện vọng, nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện phong trào có hiệu quả.

 

Điều quan trọng nhất mà Ban điều hành văn hóa luôn luôn đổi mới chính là khả năng tập hợp, truyền truyền vận động quần chúng. Phong trào ở các địa phương mạnh hay yếu một phần nhờ vào khả năng lãnh đạo, điều hành, tuyên truyền vận động của Ban điều hành văn hóa của địa phương đó. Thông qua những buổi tổ chức họp dân, phát huy dân chủ cơ sở, đưa ra những cách làm hay sáng tạo, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân từ đó vận động nhân dân chung sức, chung lòng, huy động nhân lực, vật lực để thực hiện xây dựng phong trào xây dựng đời sống văn hóa cũng như các phong trào thi đua yêu nước khác ở địa phương.

 

 Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 1.073 làng, bản, khu phố với 1.073 Ban điều hành văn hóa hoạt động, hàng năm được cũng cố, kiện toàn. Mặc dù Ban điều hành xây dựng văn hóa ở các địa phương hoạt động không có hỗ trợ kinh phí, nhưng với sự nhiệt tâm trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, họ vẫn trăn trở làm sao cho phong trào của địa phương, quê hương mình ngày càng phát triển. Đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, gắn bó với phong trào từ những ngày đầu, nắm rõ được những hạn chế của phong trào, lắng nghe ý kiến của nhân dân, Ban điều hành đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo cấp trên về những giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, chính sách DS-KHHGĐ cũng như những giải quyết những sự việc phức tạp xã hội về xung đột, khiếu kiện, hòa giải cơ sở; vận động nhân dân hiến đất mở đường, làm sạch cảnh quan môi trường, xây dựng các công trình dân sinh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hủy bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tuyên truyền, vận động, cảm hóa những thanh niên hư hỏng, tạo cơ hội cho những người mắc sai lầm hòa nhập với cộng đồng....

 

Có thể thấy, với sự đóng góp tích cực của Ban điều hành văn hóa, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng được phát triển; Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy; Công tác khuyến học, khuyến tài được chăm lo; tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt; tệ nạn xã hội được đẩy lùi; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện ngày càng tốt hơn; công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ nhiện, chính sách DS-KHHGĐ có nhiều chuyển biến tích cực; người dân có ý thức chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước thông qua việc xây dựng hương ước, quy ước ở cộng đồng; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa tăng lên. Đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh có 148.908/164.458 gia đình đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90,5%; 1039/1073 làng, bản khu phố được công nhận làng, bản, khu phố văn hóa, đạt tỷ lệ 96,8%;  974/1045 cơ quan, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa, đạt tỷ 93,2%; 55/117 xã đăng ký phát động xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 43,7%, trong đó có 50/117 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đạt tỷ lệ 30%, 41/117 xã đạt xã nông thôn mới; 09/13 phường đã đăng ký phát động xây dựng "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị", có 11 thị trấn của 10 huyện đăng ký phát động xây dựng "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị", có 05/24 phường, thị trấn được công nhận “phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 03 huyện, thị xã được UBND tỉnh công nhận đơn vị điển hình văn hóa (thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh, huyện Hải Lăng), có 1.120/1.144 khu dân cư xây dựng các hương ước, quy ước.

 

Như vậy, với việc phát huy vai trò của Ban điều hành văn hóa đã tạo cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Những đóng góp thiết thực của Ban điều hành văn hóa ở các địa phương, đơn vị đã góp phần không nhỏ trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, cũng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển hướng đến chiều sâu, bền vững.

 

Nguyễn Thị Huyền

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 692

Tổng lượt truy cập: 6.807.483