Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Sau một năm quyết tâm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, với nỗ lực của các cấp, ngành trong toàn tỉnh, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Trị năm 2023 có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, tổng điểm PCI năm 2023 của tỉnh đạt 63,23 điểm (tăng 1,97 điểm so với năm 2022).

Tuy vậy, qua nghiên cứu hồ sơ đánh giá chi tiết các chỉ số thành phần của PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, tỉnh Quảng Trị vẫn có nhiều chỉ tiêu thành phần bị giảm điểm, nhiều mặt còn hạn chế. Vấn đề này cần được các sở, ngành liên quan phân tích, nhìn nhận, đánh giá lại.

Theo kết quả chi tiết VCCI công bố, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh Quảng Trị năm 2023 có 5 chỉ số tăng điểm (Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động); 5 chỉ số giảm điểm (Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự). 10 chỉ số thành phần có tổng cộng 142 chỉ tiêu chi tiết, trong đó có 72 chỉ tiêu cải thiện, 8 chỉ tiêu giữ nguyên, 62 chỉ tiêu giảm so với năm 2022. Đặc biệt, trong 5 chỉ số thành phần của PCI bị giảm điểm trong năm 2023, theo chúng tôi có 2 chỉ số thành phần ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của tỉnh cần có giải pháp căn cơ để cải thiện.

Thứ nhất, đó là chỉ số “Chi phí thời gian”. Chỉ số này có 14 chỉ tiêu cụ thể, đạt 6,86 điểm (năm 2022 là 7,35 điểm). Với chỉ số này năm 2023, Quảng Trị có 13 chỉ tiêu không cải thiện, 1 chỉ tiêu được cải thiện.

Bảng phân tích chi tiết của VCCI cho thấy, có 24% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật; cán bộ công chức giải quyết công việc thân thiện và hiệu quả được đánh giá lần lượt là 82% và 78% (năm 2022 là 84% và 89%); 70% doanh nghiệp cho rằng không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (năm 2022 là 75%); phí, lệ phí được niêm yết công khai đạt 88% (năm 2022 đạt 94%).

Doanh nghiệp đánh giá việc thanh tra, kiểm tra có cải thiện nhưng chưa nổi bật. Cụ thể, năm 2023, gần 9% doanh nghiệp cho rằng bị thanh tra, kiểm tra 3 lần trong năm (năm 2022 là 12%); 20% doanh nghiệp cho rằng nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp (năm 2022 là 14%); 13% doanh nghiệp cho rằng có tình trạng nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra (năm 2022 là 12%).

Thứ hai là chỉ số “Chi phí không chính thức”. Chỉ số này có 16 chỉ tiêu chi tiết, đạt 6,57 điểm (năm 2022 đạt 6,96 điểm). Theo đánh giá của VCCI, năm 2023, chuyển biến tích cực có thể thấy rõ nhất là tỉ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có giảm như: đăng ký kinh doanh, thanh tra kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, môi trường, quản lý thị trường, thuế, xây dựng, đất đai...; 4% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% thu nhập cho các loại chi phí không chính thức (năm 2022 là 5%).

Trong chỉ số thành phần này có 6/16 chỉ tiêu không được cải thiện, cụ thể là: 46% doanh nghiệp cho rằng phải chi trả chi phí không chính thức (năm 2022 là 42%); 65% doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp (năm 2022 là 61%). Đặc biệt, tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tăng từ 0% năm 2022 lên 29% năm 2023...

Những số liệu trên cho thấy có hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Liên quan đến phản ánh này, ngành chức năng cần tổ chức kiểm tra, rà soát và xác minh để chấn chỉnh nhằm nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 

Trong những năm qua, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện điểm số và thứ hạng PCI luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nội dung này là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu phấn đấu đưa PCI của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước.

Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phân công rõ trách nhiệm sở, ban, ngành phụ trách từng chỉ số thành phần. Tuy vậy, trong nhiều chỉ tiêu thành phần PCI của năm 2023 cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nhất là những chỉ tiêu liên quan đến thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của doanh nghiệp được khảo sát đối với chỉ số thành phần “Tính năng động của chính quyền tỉnh”- có 51% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh” (năm 2022 là 37%); 55% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” (năm 2022 là 43%).

Đánh giá trên của doanh nghiệp phần nào phản ánh hiệu quả thực thi những quyết định của lãnh đạo tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các đơn vị cấp dưới chưa cao. Làm sao để chuyển tải được tinh thần cải cách, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về mục tiêu phấn đấu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trở thành hành động cụ thể trong xử lý công việc hằng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức? Đây chính là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế để tìm cách khắc phục, các sở, ban, ngành cấp tỉnh được giao chủ trì thực hiện các chỉ số thành phần của PCI của tỉnh Quảng Trị cần cập nhật dữ liệu tổng hợp kết quả đánh giá chỉ số, chỉ tiêu thành phần của PCI mà VCCI vừa công bố.

Từ đó phân tích, đối chiếu với các chỉ số, chỉ tiêu mà đơn vị phụ trách nhằm có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, cải thiện các chỉ số bị giảm điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023 là năm mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý và cảm nhận chung của doanh nghiệp trên địa bàn khi tham gia đánh giá. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những nguyên nhân chủ quan làm tụt giảm một số chỉ số PCI của tỉnh cần được chấn chỉnh kịp thời.

Trong các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của Quảng Trị cần chú trọng tạo ra môi trường công khai, minh bạch, để doanh nghiệp thấy được không cần phải tốn chi phí không chính thức, không bị nhũng nhiễu khi đến giao dịch công việc tại cơ quan công quyền.

Các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị được giao chủ trì các chỉ số, chỉ tiêu thành phần của PCI cần chủ động phối hợp, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của doanh nghiệp; đối xử công bằng, bình đẳng, khách quan, không phân biệt doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có đóng góp và doanh nghiệp ít có đóng góp về lao động, thuế, tài trợ, hỗ trợ khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để kịp thời động viên, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Mai Lâm - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 132

Tổng lượt truy cập: 7.224.644