Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Ông LÊ HỮU PHƯỚC - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Đến tháng 7/2024, tròn 5 năm Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị đi vào hoạt động. Nhân dịp này, đề nghị ông cho biết những kết quả nổi bật mà trung tâm đã đạt được trong việc phục vụ hành chính công, tạo bước chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh.

- Trong 5 năm qua, kết quả nổi bật mà trung tâm đạt được đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC trên địa bàn toàn tỉnh. Hệ thống giải quyết TTHC đã được ứng dụng rộng rãi ở các đơn vị, địa phương. Công chức, viên chức (CCVC) và cán bộ lãnh đạo đều tham gia giải quyết TTHC trên hệ thống công nghệ. Qua đó, đảm bảo thời hạn theo quy định, giảm bớt giấy tờ và các quy trình không cần thiết, nâng cao hiệu quả hành chính nhà nước.

Đối với người dân và doanh nghiệp, thông qua hệ thống (Cổng dịch vụ công tỉnh) đều có thể giám sát tiến độ giải quyết hồ sơ đã nộp, phản ánh kiến nghị đối với sự chậm trễ của các cơ quan nhà nước.

Kể từ khi ứng dụng hệ thống công nghệ trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, tỉ lệ giải quyết TTHC đúng hạn toàn tỉnh đã luôn vượt trên 99% (năm 2019 là 99,2% và năm 2023 là 99,37%); tỉ lệ hồ sơ trễ hạn được kiểm soát và chiều hướng giảm mạnh (năm 2019: tỉ lệ hồ sơ trễ hạn là 0,8 % và năm 2023 là 0,63 %).

Ứng dụng công nghệ thông tin trên Hệ thống giải quyết TTHC và Cổng dịch vụ công có thể chưa hoàn hảo nhưng đã góp phần minh bạch hóa quá trình nộp, giải quyết và trả kết quả trong nội bộ các cơ quan nhà nước và minh bạch giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Vấn đề quan trọng còn lại là tùy vào đối tượng sử dụng công nghệ. Nếu người lãnh đạo, CCVC sử dụng thành thạo hệ thống công nghệ sẽ giúp công tác quản lý và xử lý công việc nhanh hơn ở mọi nơi, mọi lúc, làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Ngược lại, những lãnh đạo, CCVC chưa làm chủ công nghệ, còn phụ thuộc nhiều vào giải quyết bằng giấy tờ hành chính thì sẽ mất thêm thời gian và hiệu suất giải quyết TTHC chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Sự thay đổi tích cực tiếp theo là thái độ làm việc chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp chu đáo hơn của đội ngũ công chức Tổ tiếp nhận và trả kết quả ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tổ tiếp nhận và trả kết quả từ lúc thành lập gồm có 17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 2 cơ quan Bảo hiểm xã hội và Công an tỉnh được chia thành 25 quầy, với 25 CCVC do các cơ quan, đơn vị cử đến để tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC.

Tháng 8/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trình UBND tỉnh phương án gom còn lại 19 quầy. Sáng kiến gom quầy đã giảm được số lượng CCVC của các sở, ngành biệt phái đến làm việc tại trung tâm, giúp các sở, ngành có thêm CCVC để làm việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị mình nhưng chất lượng tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả vẫn đảm bảo đúng quy định.

Từ năm 2019 đến nay đã có 232 lượt công chức các sở, ngành cấp tỉnh thay nhau lên trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm. Công chức đến làm việc tại trung tâm được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị, máy tính, máy scan, điện thoại, máy photocopy để đảm bảo thực hiện công việc thuận lợi nhất.

Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, lấy thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp làm chuẩn mực, lấy hiệu quả tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống giải quyết TTHC để đo lường chất lượng. Hành vi, thái độ của công chức bộ phận tiếp nhận tại trung tâm đã có nhiều thay đổi tích cực.

Bây giờ, người dân, doanh nghiệp khi bước vào trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin khi được đón tiếp, hướng dẫn tận tình bởi những cán bộ có chuyên môn. Sự tiếp xúc giữa người dân và doanh nghiệp với cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở trung tâm thân thiện, dân chủ và mang tính phục vụ rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, công chức cũng tự điều chỉnh hành vi của mình trong công việc vì xung quanh là không gian mở dưới sự quan sát của nhiều người dân đi làm TTHC, áp lực so sánh với các công chức cơ quan khác đang cùng làm việc xung quanh và sự giám sát của cán bộ trung tâm. Nhìn chung, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang tự thay đổi chính mình theo đúng ý nghĩa đích thực là phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ra đời không trực tiếp giải quyết TTHC nhưng đóng góp như chất xúc tác tích cực, tạo sự thay đổi đối với các phòng chuyên môn của các đơn vị, địa phương. Thực chất TTHC được giải quyết nhanh, kịp thời tùy thuộc rất nhiều vào cơ quan chuyên môn của các đơn vị, địa phương.

Trong 5 năm qua, từ tháng 7/2019 đến tháng 5/2024 đã có 75.288 quy trình của 3.072 TTHC được số hóa điện tử trên hệ thống giải quyết TTHC. Việc điện tử hóa này đã giúp làm rõ trách nhiệm đến từng cán bộ chuyên môn và các cấp quản lý. Qua đó, cấp thẩm quyền kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh những đơn vị, địa phương có nhiều hồ sơ trễ hạn.

Kết quả tích cực tiếp theo của Trung tâm Phục vụ hành chính công chính là tạo ra dữ liệu trung thực, tạo cơ sở để đánh giá cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Không còn hiện tượng báo cáo theo cảm tính, báo cáo dựa theo diễn giải không có số liệu minh chứng.

Hệ thống giải quyết TTHC của trung tâm ghi lại một cách trung thực số liệu đo lường các chỉ số như tỉ lệ hồ sơ trễ hạn, tỉ lệ số hồ sơ phát sinh trực tuyến, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, phản ánh của người dân, số lượng hồ sơ trễ hạn có xin lỗi, trách nhiệm các đơn vị liên quan hồ sơ trễ hạn (kể cả trách nhiệm của đơn vị liên thông)...

Một ví dụ về dữ liệu dịch vụ công trực tuyến được ghi lại như: năm 2019, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bắt đầu thành lập, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh là 390 dịch vụ công/1.725 TTHC (đạt 22,61%) và chưa có dịch vụ công trực tuyến nào được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sau 5 năm, TTHC đủ điều kiện, được thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương: 1.721 thủ tục (trong đó: 748 dịch vụ công một phần, 973 dịch vụ công toàn trình). Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt tỉ lệ 83,95%.

Để hỗ trợ thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương chỉ đạo công tác CCHC của cơ quan, đơn vị mình, trung tâm đều có báo cáo đánh giá và cung cấp dữ liệu giải quyết TTHC của từng đơn vị, địa phương định kỳ hằng tháng, quý và năm. Với dữ liệu chính xác và minh bạch như vậy, nếu người đứng đầu các đơn vị, địa phương phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thì sẽ tạo nhiều thay đổi mạnh mẽ đến công cuộc CCHC của tỉnh.

Tóm lại, mô hình bộ phận “một cửa” nói chung, Trung tâm Phục vụ hành chính công nói riêng đã và đang góp phần đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước bằng việc xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan các cấp và của từng cán bộ, công chức, góp phần tăng cường năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức; kỹ năng nghiệp vụ hành chính cũng như tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao.

Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết TTHC cho Nhân dân ngày càng thắt chặt. Việc tiếp nhận, thụ lý và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã ngăn chặn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, giúp các phòng, ban có điều kiện tập trung và chủ động giải quyết công việc thuộc thẩm quyền chuyên môn.

Hoạt động của bộ phận “một cửa” góp phần tạo lập niềm tin của Nhân dân vào cơ quan nhà nước. Sự đổi mới hoạt động của cơ quan hành chính và thái độ phục vụ thân thiện của cán bộ, công chức đã đem đến sự hài lòng cho Nhân dân khi giải quyết công việc.

Sự công khai, minh bạch mọi TTHC, thời gian giải quyết và các loại phí đã hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng. Đồng thời, đảm bảo cho mỗi người dân có thể tham gia vào hoạt động giám sát và quản lý hành chính nhà nước.

- Ông cho biết thêm, thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để hoạt động hiệu quả hơn nữa, góp phần từng bước đổi mới, cải cách TTHC của tỉnh?

- Thời gian tới, việc quan trọng đầu tiên là nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC vì hệ thống hiện tại sau 5 năm hoạt động đã quá tải. Một yếu tố quan trọng của hệ thống nâng cấp sắp tới là việc ứng dụng kho dữ liệu cá nhân và tổ chức. Các kết quả TTHC được lưu giữ dưới dạng số hóa trong kho cá nhân và tổ chức trên Hệ thống giải quyết TTHC sẽ được tái sử dụng.

Nhờ vậy, người dân, doanh nghiệp sẽ không cần phải mang các bản giấy khi đi làm TTHC và có thể sử dụng bản điện tử để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Với ứng dụng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ cũng như giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, việc cần làm là tổ chức lại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép trung tâm đổi mới về tổ chức cũng như bố trí trụ sở mới để đảm bảo phục vụ người dân thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ được xây dựng theo hướng bổ sung thêm chức năng kiểm soát TTHC trên địa bàn toàn tỉnh, trực tiếp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cải cách TTHC. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ thống nhất kiện toàn bộ máy Trung tâm Phục vụ hành chính công trên toàn quốc theo hướng công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ thuộc biên chế của trung tâm quản lý.

Với con người của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc về trung tâm thay vì thuộc về các sở như hiện nay và với quyền hạn được bổ sung, trung tâm tin tưởng sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh của mình trong công tác đánh giá, tham mưu và triển khai đổi mới TTHC trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, trung tâm sẽ chú trọng hơn trong khâu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả trực tiếp và trực tuyến. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ đề nghị bố trí thêm cán bộ thông thạo pháp luật và nghiệp vụ để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong việc rà soát thành phần hồ sơ trước khi làm việc với công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Cán bộ trung tâm cũng trực tiếp hướng dẫn sử dụng máy tính của trung tâm để thao tác thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến để người dân biết cách và lần sau không phải đến trực tiếp làm thủ tục.

Ngoài ra, trung tâm tăng cường đối thoại, giải đáp thắc mắc của người dân và doanh nghiệp qua đường dây nóng, qua trang fanpage của trung tâm trên facebook và zalo để nâng cao nhận thức của người dân về giải quyết TTHC. Những phản ánh của người dân về các cơ quan công quyền trong giải quyết TTHC sẽ được nêu công khai trên hệ thống, làm cơ sở để các đơn vị, địa phương có các giải pháp thay đổi.

Thứ tư, trung tâm nâng cao nghiệp vụ phân tích dữ liệu giải quyết TTHC. Dữ liệu được phân tích sẽ trở thành minh chứng rõ nét về thực chất giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị và sẽ là cơ sở để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cải thiện chỉ số PAPI, PAR Index và PCI của tỉnh. Công tác tham mưu dựa trên dữ liệu sẽ được làm thường xuyên và quyết liệt để giúp người đứng đầu các đơn vị, địa phương cùng tham gia giải quyết những “điểm nghẽn”, những khó khăn và ngày càng nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC của tỉnh.

Để những giải pháp trên triển khai hiệu quả đòi hỏi sự vào cuộc của mỗi CCVC Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp vào cuộc của các cấp lãnh đạo, thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Đào Tâm Thanh (thực hiện)

Đang truy cập: 11

Hôm nay: 14113

Tổng lượt truy cập: 7.324.366