Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Theo đuổi niềm đam mê dân ca

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ thuở nằm nôi đã được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng nên vừa lên 3 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 2006), ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, đã có niềm yêu thích đặc biệt với dân ca. Ngọc Anh thích thú hát dân ca và dần hình thành nên đam mê cháy bỏng với bộ môn nghệ thuật này.

 

Nguyễn Thị Ngọc Anh luôn được ông, bà nội dìu dắt, chỉ dạy chu đáo cách hát các làn điệu dân ca - Ảnh: N.B

Hơn chục năm qua, dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của ông nội - Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Thai (78 tuổi) và bà nội Nguyễn Thị Hương (69 tuổi) vốn là những văn công trong chiến trường, Ngọc Anh ngày càng hoàn thiện các kỹ năng hát dân ca và sáng tác của mình...

Trong ngôi nhà đậm chất thi ca ở ngay sát di tích Bến đò B, thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, Ngọc Anh say sưa tập luyện các điệu hát dân ca dưới sự hướng dẫn của ông, bà nội.

Theo chia sẻ của ông Thai, nhận thấy Ngọc Anh có niềm đam mê và năng khiếu với bộ môn nghệ thuật này, vợ chồng ông đã giảng dạy cho cháu các kỹ năng hát và sáng tác dân ca. Được sự kèm cặp, dạy dỗ thường xuyên, bài bản của ông bà nên Ngọc Anh dần hoàn thiện các kỹ năng hát, diễn xuất, biên đạo múa, sáng tác của mình.

Những ngày nghỉ học hoặc những lúc học bài xong, Ngọc Anh lại theo ông bà đi xem những nghệ nhân, người hát dân ca trong thôn tập luyện, giao lưu. Biết Ngọc Anh đam mê dân ca nên những nghệ nhân, người hát dân ca trong các đội, câu lạc bộ văn nghệ đã ưu tiên để em tham gia. Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Thai, dân ca là một thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc do chính người dân lao động tự sáng tác dựa theo hiện thực hoặc biến tấu từ đời sống sinh hoạt cộng đồng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mọi người...

Dân ca có nhiều làn điệu từ khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, mỗi tỉnh, thành của Việt Nam lại có âm giọng và ca từ khác nhau nên dân ca cũng có thể phân theo tỉnh. “Các làn điệu dân ca thể hiện phong cách bình dân, sát với cuộc sống lao động của mọi người.

Các dịp biểu diễn thường là lễ hội, hát làng nghề, phát động các phong trào thi đua xây dựng quê hương, đất nước. Để hát dân ca mượt mà, đi vào lòng người đòi hỏi người hát phải có những kỹ năng xử lý, sáng tạo, biến hóa thanh điệu, kỹ năng bật từ, khởi thanh, nhả chữ, đóng chữ và cả cách lấy hơi chuyên nghiệp”, ông Thai chia sẻ.

Năm 7 tuổi, Ngọc Anh theo các nghệ nhân ở thôn Tùng Luật vào TP. Huế dự thi “Liên hoan dân ca Bình Trị Thiên”. Tại liên hoan lần đó, Ngọc Anh đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả cùng giới chuyên môn với chất giọng trong trẻo, mượt mà, diễn xuất bài bản. Tuy chỉ nhận được giải thưởng phụ dành cho người hát dân ca nhỏ tuổi triển vọng nhưng Ngọc Anh rất vui và càng có thêm động lực, quyết tâm trở thành một nghệ sĩ hát, sáng tác dân ca trong tương lai.

“Hiện nay, ngoài tập luyện hát dân ca, em còn được ông nội dạy sáng tác các điệu lý, câu hò, vè, chèo cạn đặc trưng của vùng quê Tùng Luật và các làn điệu dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam. Càng tập luyện, em lại càng yêu thích bộ môn nghệ thuật này”, Ngọc Anh chia sẻ.

Trong những năm qua, Ngọc Anh luôn đạt thành tích khá cao trong học tập, lại được thầy cô, bạn bè tin tưởng giao nhiệm vụ chủ chốt trong các cuộc thi, hoạt động văn nghệ chào mừng bởi Ngọc Anh có tài biên đạo múa, diễn xuất, viết lời, phổ nhạc các bài dân ca rất ấn tượng. Không phụ sự tin tưởng của thầy cô, bạn bè, Ngọc Anh luôn giành được nhiều giải cao ở cấp trường.

Để thử sức mình trong môi trường chuyên nghiệp, Ngọc Anh đã tham gia các cuộc thi hát ở khu vực miền Trung, các địa phương trong tỉnh tổ chức như giải Tiếng hát “Bông mai vàng”. Tuy không đạt giải cao nhất nhưng lần nào đi thi thì lần đó đều có giải và được nhiều người khen ngợi.

“Nhiều người sau khi nghe em hát đều dành những lời khen ngợi, động viên rằng tuổi nhỏ mà đã theo đuổi đam mê dân ca, hát dân ca mượt mà là rất quý. Giới trẻ bây giờ ít ai thích hát và nghe hát dân ca nhưng em vẫn theo đuổi dòng nhạc này bởi từ nhỏ dân ca đã là một phần trong cuộc sống của em.

Em đang nỗ lực học tập và rèn luyện để sau 2 năm thi đỗ vào Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Vào học ở đó, em sẽ có điều kiện, môi trường học tập thuận lợi hơn trong việc đi theo con đường chuyên nghiệp mà mình mơ ước”, Ngọc Anh tiết lộ.

Chia tay chúng tôi, Ngọc Anh vẫn hăng say tập luyện để nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nghệ sĩ, giáo viên dạy hát dân ca trong tương lai. “Em nghĩ trong cuộc sống hiện đại này, dân ca vẫn luôn có chỗ đứng riêng của nó. Bởi dân ca là giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn của con người và hun đúc những giá trị nguồn cội để chúng ta yêu quê hương, đất nước.

Sau này, khi đã trưởng thành hơn, có nhiều kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm về dòng nhạc dân ca, em dự định sẽ mở các lớp dạy hát dân ca miễn phí cho học sinh, sinh viên, trẻ em hay người lớn tuổi có cùng niềm đam mê với mình. Chỉ ước mong sao dự định đó trở thành hiện thực để mạch nguồn dân ca chảy mãi”, Ngọc Anh tâm sự.

Tùng Luật là mảnh đất sản sinh ra nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng trên cả nước. Được sinh ra ở mảnh đất này, được nuôi dưỡng niềm đam mê từ những điệu lý, câu hò có sức sống bền chặt của quê hương, hy vọng trong tương lai, Ngọc Anh sẽ có những bước tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật. Và điều quan trọng mà mọi người muốn gửi gắm ở em là tiếp tục truyền lửa dòng nhạc dân ca cho thế hệ trẻ...

Nhơn Bốn - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 2018

Tổng lượt truy cập: 6.777.175