Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Những dòng sông giới tuyến: Từ Hiền Lương, lên Bến Tắt

Không phải 2 năm mà phải trải qua 21 năm chiến đấu ngoan cường với biết bao hi sinh xương máu, sông Bến Hải mới chấm dứt được sứ mạng đau thương của mình…

Tôi quen biết nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, từ gần nửa thế kỷ trước, hồi cả hai còn là sinh viên sư phạm và là những cây bút trẻ của Hội văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên cũ. 

Tôi ra trường, đi bộ đội gần 40 năm rồi nghỉ hưu ở Hà Nội. Nguyễn Hữu Thắng dạy học, làm công tác quản lý văn hóa rồi thăng tiến đến Giám đốc sở. Nghỉ hưu, anh chuyển nhà ra Vĩnh Linh, mảnh đất quê anh, nơi có con sông Bến Hải gắn với nhiều biến cố của gia đình anh trong những năm đất nước bị chia cắt.

Nhóm du khảo ngược dòng Bến Hải. - Ảnh Văn Xương

Giữa tháng Ba năm nay, tôi vào thăm vợ chồng Nguyễn Hữu Thắng nhằm dịp Vĩnh Linh đang bận rộn chuẩn bị cho Lễ hội Thống nhất non sông năm 2024. Đây là một “đặc sản” văn hóa mới của Vĩnh Linh và Quảng Trị, diễn ra hằng năm vào dịp 30/4 tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ở 2 đầu cầu Hiền Lương. Lễ hội này gồm 2 phần chính: Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm dưới chân kỳ đài Hiền Lương, có diễn văn chào mừng và lễ thượng cờ trang trọng. Phần Hội gồm các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống của cư dân đôi bờ sông Bến Hải. Sự kiện này được huyện Bến Hải thời còn tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1985. Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Trị (1989), Lễ hội Thống nhất non sông trở thành Lễ hội cấp tỉnh. Từ năm 2010 trở đi, cứ 5 năm 1 lần vào dịp năm chẵn thì Lễ hội Thống nhất non sông do Nhà nước tổ chức, các năm lẻ thì tỉnh chủ trì. 

Năm 2010, Nguyễn Hữu Thắng là Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh, vinh dự được tham gia Ban Chỉ đạo Lễ hội Thống nhất non sông, lần đầu tiên được tổ chức cấp Nhà nước. Năm nay (2024) không phải năm chẵn, nhưng Lễ hội cũng được chuẩn bị rất công phu, để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 70 năm ngày truyền thống huyện Vĩnh Linh anh hùng (25/8/1954 - 25/8/2024). Đồng thời, đây cũng sẽ là đợt “tổng diễn tập” cho Lễ hội cấp Nhà nước năm 2025. Có lẽ vì những ý nghĩa trọng đại ấy, mà lần này anh Nguyễn Hữu Thắng có nhã ý “chiêu đãi” tôi một chuyến du khảo ngược dòng Bến Hải, đoạn từ cầu Hiền Lương lên Bến Tắt - một di tích lịch sử trên đường Trường Sơn, nơi được chọn đặt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn hiện nay.

Sáng 23/3/2024, chúng tôi “xuất quân” dưới chân Cột cờ giới tuyến, trước đây còn được gọi là Cột cờ Hiền Lương, vì nằm ở đầu cầu Hiền Lương phía Bắc. Hiền Lương là tên làng thuộc xã Vĩnh Thành của huyện Vĩnh Linh. Truyền rằng làng này trước đây tên là Minh Lương, đến đời vua Minh Mạng (1791-1841), để tránh phạm húy, bèn đổi thành Hiền Lương. Dòng sông Bến Hải qua vùng này, vì thế theo cách gọi chung của nhiều miền quê Việt Nam có sông chảy qua, cũng có tên cổ là Minh Lương. Riêng cái tên “chính danh” Bến Hải cũng truyền rằng tên cổ là Bến Hói. Dân miền Trung quen gọi những con sông nhỏ là “hói”. Đến thời Pháp thuộc, các ông bà mắt xanh mũi lõ phát âm tiếng “hói” chệch thành “hai”, được các thông ngôn thư ký “Tây bồi” chép thành “hải”. Dần dần, sông Bến Hói trở thành sông Bến Hải, chính danh trên các văn tự và trong giao tiếp thường ngày. 

Dòng sông này bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn, chảy từ Tây sang Đông, rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng, tổng cộng dài gần 100 km. Phần hạ lưu của Bến Hải chảy giữa hai huyện Vĩnh Linh ở bờ Bắc và Gio Linh ở bờ Nam, đều thuộc tỉnh Quảng Trị. Dòng chảy của sông Bến Hải gần trùng với vĩ tuyến 17. Bởi vậy, khi Hiệp định Geneva năm 1954 lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời trong 2 năm để tiến tới Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam, thì trên thực địa, Bến Hải là con sông giới tuyến chia cắt đất nước. Và không phải 2 năm mà phải trải qua 21 năm chiến đấu ngoan cường với biết bao hi sinh xương máu của đồng bào, đồng chí cả nước, sông Bến Hải mới chấm dứt được sứ mạng đau thương của mình...

Chúng tôi lên thuyền ngược dòng Bến Hải, tìm về những địa danh lịch sử bi hùng mà giờ đây thật khó hình dung diện mạo sau gần nửa thế kỳ dòng sông hồi sinh và phát triển. Những cánh đồng mướt mát lúa, ngô, khoai, sắn... cùng những rặng tre, rặng bần ngăn ngắt lướt qua. Kia là Bến Rèn ở bờ Bắc, đối diện bên kia là Bến Lội ở bờ Nam, nơi trước đây đêm đêm bộ đội và du kích vượt sông sang đánh địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu và vận chuyển thương binh, liệt sĩ từ chiến trường ra Bắc. Kia là bến sông mà ngày 27/6/1967, địch mở trận càn lập “vành đai trắng”, bà con bên đó đã vượt sông chạy sang bờ Bắc, bị địch xả súng giết hại mấy chục người, máu loang đỏ cả khúc sông...

Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi này có anh Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Linh. Đây là địa phương cấp xã điển hình cho sự chia cắt đất nước: Trước năm 1975, xã này có 3 thôn ở bờ Nam sông Bến Hải, là Kinh Môn, Giang Phao và Hói Cụ. Một xã mà nằm ở 2 miền của hai chế độ, theo đó mà nhiều gia đình cũng phải kẻ Bắc người Nam sau một chuyến sang sông không kịp quay về trước khi Hiệp định Geneva có hiệu lực. Ngày nay, Vĩnh Sơn là một trong những xã Nông thôn mới tiêu biểu của huyện Vĩnh Linh, có mức thu nhập bình quân của người dân năm 2023 xấp xỉ 51 triệu đồng...

Do đặc điểm địa hình nằm giữa nhánh chính của sông Bến Hải và phụ lưu của nó là sông Sa Lung đổ về từ phía Bắc, nên xã Vĩnh Sơn như một bán đảo, từ ngã ba Hiền Lương lên tận Bến Tắt, hơn 17 km suốt dọc bờ sông. Anh Thân Trọng Dũng cho biết, trước đây sông Bến Hải là tuyến giao thông chủ yếu của cư dân Vĩnh Sơn, để đi lại và vận chuyển hàng hóa từ mạn Cửa Tùng, Hồ Xá... lên và từ những đồi núi vùng Bến Tắt về. Ngày nay, hai bên bờ sông đều có các tuyến đường bộ trải nhựa hoặc bê tông, nối từ quốc lộ số 1 lên đường mòn Hồ Chí Minh, nên vai trò giao thông của sông Bến Hải hầu như không còn nữa. Thay vào đó là vai trò khai thác và nuôi trồng thủy sản trên dòng sông này đang được phát huy tối đa. Các bè cá lồng trên sông được nuôi theo 2 cách: Thả cá giống nuôi theo kỹ thuật mới và khi đánh bắt tự nhiên thì chọn những con còn bé hoặc đang có chửa thả lại vào lồng bè để nuôi tự nhiên. 

Đặc biệt hiện nay, Vĩnh Sơn là xã chiếm hơn 80% diện tích hồ nuôi tôm của toàn huyện Vĩnh Linh và là xã đứng đầu cả tỉnh về mặt này, với hơn 163 ha mặt hồ nuôi tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch gần đây đạt xấp xỉ 200 tấn tôm thành phẩm mỗi năm... Anh Dũng nói rằng, theo các chuyên gia thủy sản thì vùng nước ở ngã ba sông Bến Hải và Sa Lung có nồng độ khoáng chất rất lý tưởng cho nghề nuôi tôm nước lợ. Hiện nay, huyện Vĩnh Linh và xã Vĩnh Sơn có các quy định rất nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn tài nguyên nước này...

Những năm chiến tranh ác liệt, con em Vĩnh Linh nói chung và Vĩnh Sơn nói riêng được sơ tán ra các tỉnh miền Bắc, gọi là đi K8. Sau ngày hòa bình, họ trở về, cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng nhiều người quyết không ly hương lần nữa trong cơ chế thị trường mà bám trụ làm ăn và xây dựng quê hương. Một trong số đó là anh Trần Văn Chức, sinh năm 1969, con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Quý, sinh năm 1929 ở thôn Nam Sơn thuộc xã Vĩnh Sơn. Vốn là một thanh niên có nghị lực và nhiều ý tưởng làm ăn năng động, sau nhiều năm tích lũy được vốn liếng kha khá, Trần Văn Chức nghĩ đến việc xây dựng một ngôi nhà “ký ức chiến tranh” trong Khu di tích Hiền Lương. 

Nhờ mối quen biết từ thời K8, anh trình bày ý tưởng với Bí thư huyện ủy lúc đó là Nguyễn Hữu Thắng và nhận được sự đồng tình. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, anh Chức nhận thấy nếu chỉ có ngôi nhà trưng bày những hiện vật gốc, đặt ở Hiền Lương, thì vẫn chưa phải là độc đáo; đặc biệt là chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của con sông lịch sử quê anh. Vậy là anh lại ngược lên Bến Tắt, mua một vạt rừng hơn 10.000m2 để dựng một “Ngôi nhà bom” mà cột là vỏ các loại bom Mỹ, xung quanh cũng thưng bằng các loại bom đạn Mỹ, bên trong trưng bày các hiện vật chiến tranh và các tài liệu, hình ảnh liên quan. Khuôn viên xung quanh ngôi nhà là những mô hình thực địa thời chiến, như: Hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm, hào giao thông, trạm giao liên, chốt phòng không v.v... Sau hơn 10 năm xuôi ngược sưu tầm hiện vật và kỳ công xây dựng, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành và phục vụ du khách. Hi vọng đây sẽ là một điểm nhấn độc đáo trong tour du lịch ngược dòng Bến Hải với các di tích lịch sử: Cầu Hiền Lương, Bến Rèn, Bến Lội, Bến Tắt, Nghĩa trang Trường Sơn...

Tôi đã được các anh Nguyễn Hữu Thắng và Thân Trọng Dũng dẫn lên tham quan khu vườn “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” trên đây. Xin được kết thúc bài viết này bằng bài thơ tôi viết tại “Ngôi nhà bom” hôm đó:

Trong ngôi nhà bom

Ở đầu nguồn Bến Hải

Rau dớn xào thịt hộp

Canh môn thục và rau tàu bay

Cả Trường Sơn ùa về thổn thức

Trong Ngôi Nhà Bom trưa nay

Ngôi Nhà Bom-rường cột đều vỏ bom

Dựng bên đường mòn đầu nguồn Bến Hải

Cơm nước độ đường, thực khách ghé lại

Nhiều người chỉ để ngắm... bom (!)

Và nhớ về một thời khốc liệt

Và nghĩ về những đạn bom oan nghiệt

Đang dội xuống đây đó đêm ngày...

Đang lửng lơ trên trái đất này...

Vượt đại dương đến đây

Thứ vũ khí giết người thời văn minh nhân loại

Như thể hữu tình

Như là sám hối

Lặng im như đất đá cỏ cây...

Những quả bom hóa kiếp

Lăn lóc cùng sắn khoai...

Ngày ngày

Những nhắc nhủ vô ngôn sừng sững

Yêu thương và thù hận

Và khát vọng hòa bình

Trong ngôi nhà ríu ran bè bạn

Giữa Trường Sơn trùng điệp mùa xanh...

Mai Nam Thắng

 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 14640

Tổng lượt truy cập: 7.324.891