Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Du lịch nông nghiệp nông thôn không chỉ là không gian để quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương, mà còn giúp nâng cao giá trị và “xuất khẩu tại chỗ” đặc sản địa phương. Tuy nhiên, trên con đường phát triển cần những dấu chân của "thủ lĩnh bản", những người thực sự am hiểu về cả du lịch và nông nghiệp.

Sự thay đổi tích cực khi có du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững đang giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ. Đây có thể xem là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp với đặc trưng của khu vực nông thôn của nước ta.

Điểm nhấn trong quá trình phát triển du lịch nông thôn Việt Nam thời gian qua  là 2 giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới” (Best Tourism Villages - BTV) tại Làng Thái Hải (Thái Nguyên) và làng Tân Hoá (Quảng Bình) trong năm 2023, được trao tặng bởi Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của du lịch nông thôn, tựa như “nàng tiên thức giấc” sau nhiều năm dài ngủ quên.

Ngôi nhà sàn tại Làng nhà sàn Thái Hải. Ảnh: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Thời gian gần đây xu hướng “chữa lành” trở thành từ khóa nóng, nó mang ý nghĩa của việc rời chốn đô thị để đến những vùng nông thôn, gần gũi với thiên nhiên, tham gia các hoạt động trải nghiệm của nông nghiệp. 

Điển hình như tại làng Thái Hải (Thái Nguyên), gần đây du khách trong nước và ngoài nước tìm đến nơi đây ngày càng nhiều để được nghe hát then, đàn tính, chứng kiến nghi lễ văn hóa, lễ hội truyền thống, thưởng thức ly rượu thơm, chén trà tinh khiết, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của người Tày và được ngủ dưới mái nhà sàn truyền thống…

Trao đổi với phóng viên DNVN, bà Lê Thị Nga, Phó làng Thái Hải tâm sự: “Trước khi làm du lịch thì bà con ở trong này (làng Thái Hải - PV) tham gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi gắn với gìn giữ văn hóa. Sau khi bản làng bắt đầu làm du lịch cộng đồng thì đời sống tinh thần bà con vui hơn, đón được nhiều du khách đến để trải nghiệm văn hóa, chia sẻ được văn hóa của mình đến với nhiều người hơn. Đồng thời bà con cũng có thêm thu nhập, đời sống vật chất tốt hơn."

 

Bà Nga đánh giá, du lịch nông nghiệp là điều rất quan trọng tại địa phương, giúp cho bà con ở đây vừa vừa gìn giữ được văn hóa, vừa giới thiệu được sản phẩm nông nghiệp của mình đến với nhiều người. Bởi lẽ ở đây là một bản làng vẫn đang sinh sống, sinh hoạt, tham gia sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và tự làm nên những sản phẩm nông nghiệp để phục vụ bà con cũng như du khách đến với bản làng.

“Bà con vui lắm, cũng tiêu thụ được sản phẩm, rồi thì cũng giới thiệu được sản phẩm sạch của mình đến với nhiều du khách hơn”, đại diện làng Thái Hải phấn khởi nói. 

Du khách mừng Tết cơm mới cùng người dân làng Thái Hải. Ảnh: Thái Hải

Hay tại Hướng Hoá (Quảng Trị), là huyện có thời gian dài “nằm im” trong du lịch nông nghiệp dù có rất nhiều tiềm năng, thế nhưng thời gian gần đây, các tín hiệu du khách tìm đến đã cho thấy dấu hiệu đầy tích cực. 

"Trong những ngày Tết Nguyên Đán (từ 28/12-4/1 Âm lịch), lượng khách đến Hướng Hoá gần 125.000 người, riêng đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua thì 21 farmstay (mô hình đất trang trại được dùng để làm du lịch nghỉ dưỡng) tiếp đón 250-300 lượt khách mỗi ngày. Từ cuối tháng 4 thì các nhà nghỉ, khách sạn về cơ bản là đầy phòng". Đây là thông tin anh Hồ Ngọc Tình, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Hướng Hoá chia sẻ với phóng viên về những thay đổi của địa phương khi tập trung phát triển du lịch nông thôn. 

“Khi có du lịch, bà con đỡ vất vả nhiều, nông sản được tiêu thụ. Điển hình như tại 2 địa điểm du lịch là Thôn Chênh Vênh và Thác Tà Puồng, trước đây bà con chủ yếu đi phụ thợ nề hoặc chặt củi, phá rừng. Đến thời điểm này người dân đã không làm những việc đó nữa, thay vào đó là chế biến những món ăn truyền thống của người Vân Kiều và Pa Kô, giảm tối thiểu phá rừng.

Năm nay thì thấy khác biệt là họ chế biến những món ăn, nuôi gà, ngan… rồi bắt cá để chế biến, bán cho khách du lịch. Đây chính là những đổi thay", anh Tình nói. 

Những năm gần đây, Hướng Hoá tập trung vào loại hình du lịch nông thôn, gắn liền với nông nghiệp và bản sắc văn hoá bản địa. Khách du lịch không chỉ được nghe, được nhìn mà còn được trực tiếp tham gia trải nghiệm các hoạt động như: hái, rang xay cà phê tại chỗ, hái dâu mang về… 

Một người chuyên làm về phát triển du lịch ở Hướng Hoá chia sẻ với phóng viên: “Nhận thức người dân ở đây đang dần có sự thay đổi”. Họ đã nhìn ra những tiềm năng của địa phương, phát huy được thế mạnh và quy hoạch đang dần có bài bản. 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay việc phát triển du lịch nông nghiệp của tại nhiều địa phương còn hạn chế, quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, hợp tác xã đầu tư phát triển. Các địa phương cũng chưa có nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du khách đến tham quan. Sản phẩm du lịch nông thôn cũng chưa đặc sắc, chưa mới lạ, hấp dẫn và đặc biệt là thiếu đi sự trải nghiệm cho du khách. 

Việc phát triển du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu sự dẫn dắt của “thủ lĩnh bản”

Tại làng Thái Hải, để có được thành công như ngày nay không thể không kể đến vai trò của người "thủ lĩnh bản", bà Nguyễn Thị Thanh Hải, trưởng làng Thái Hải.

Theo lời kể của bà Nga, "thủ lĩnh" Hải là người dân tộc Tày, sâu trong máu thịt là tình yêu và tâm huyết với đồng bào người dân tộc này. Chính vì vậy mà bà Hải cũng là một trong những người rất đặc biệt của người Tày, thậm chí bà được gọi là một bậc thầy tâm linh, là người đứng đầu và được bà con hoàn toàn tin tưởng.

“Cô (bà Thanh Hải-PV) là người đã hướng dẫn bà con từ những bước đi đầu tiên để gìn giữ văn hóa và tăng gia sản xuất về nông nghiệp, làm thế nào để ngày càng hoàn thiện được sản phẩm nông nghiệp của mình, đáp ứng đủ nhu cầu bà con sử dụng trong làng.

Còn về du lịch, cô ấy cũng kết nối, gắn kết, hướng dẫn bà con tạo ra những sản phẩm không những bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn đáp ứng yếu tố thẩm mỹ. Đồng thời phải đủ tiêu chuẩn để tất cả mọi người, du khách đến với bản làng, ai cũng cũng sử dụng được những cái sản phẩm tốt, từ đó tăng thêm thu nhập. Cô cũng là người kết nối, giúp cho bà con tiêu thụ tốt sản phẩm”, Phó làng Thái Hải thông tin. 

Tuy nhiên, để tìm được người vừa am hiểu về nông nghiệp, vừa am hiểu về du lịch không phải là điều dễ dàng. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự phát triển du lịch theo hướng tự phát, thiếu đi sự bài bản, kế hoạch lâu dài. 

Tiến sĩ du lịch nông nghiệp, nông thôn Bùi Thị Lan Hương chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi, đa phần địa phương vẫn đang phát triển du lịch nông thôn theo hướng tự phát, chưa được hướng dẫn cụ thể. Mặc dù Chính phủ đã ra quyết định số 922/2022/QĐ-TTg về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, đa phần các tỉnh, huyện, thị, thành phố cũng như đa số các xã người ta chưa biết cách triển khai như thế nào."

“Đến nay, Bộ Nông nghiệp vẫn chưa ban hành Bộ tiêu chí về điểm du lịch nông thôn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các địa phương chưa xác định được cách triển khai”, TS Hương nói. 

Đánh giá về hiện trạng tại nhiều địa phương, người dân làm ra sản phẩm nhưng lại chưa biết cách tiêu thụ do thiếu đi sự đồng bộ, vị TS đánh giá rằng, khi nói đến du lịch nông thôn thì phải nói đến du lịch cộng đồng.

Theo bà, hiện nay du lịch cộng đồng có 2 dạng thức: Có đăng ký kinh doanh du lịch và không có đăng ký kinh doanh du lịch.

Với dạng thức không có đăng ký kinh doanh du lịch, nông dân phải quy đổi định suất khách tham gia bằng nông sản. Ví dụ như ở Củ Chi, khách du lịch vào vườn măng cụt, chôm chôm thì người ta quy đổi định suất trải nghiệm của một khách vào vườn bằng 5kg hoa quả. Họ lấy nông sản để làm định mức trải nghiệm. Khi đó, khách đến trải nghiệm thì cũng đồng thời tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, khi nói tới du lịch cộng đồng thì cũng phải nhắc đến vai trò của người chủ trì, người chủ xướng.

Các cộng đồng phải có quyền tham gia quyết định về việc đưa tài sản, tập trung phát triển du lịch. Do đó vai trò của thủ lĩnh, các câu lạc bộ trong việc kết nối địa phương với các đơn vị khai thác còn thiếu, không phải nơi nào cũng có và hoạt động có hiệu quả. 

Với một góc nhìn khác, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp cho biết: “Về cơ bản thì chúng ta đang hiểu đơn giản du lịch nông thôn là “đi tới vùng nông thôn”. Thực chất nó phức tạp hơn thế bởi vì du khách phải trải nghiệm được đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, nông nghiệp. Du lịch nông thôn Việt Nam hiện nay đang có 2 vấn đề: Đầu tiên là tự phát, tiếp đó là chưa được hiểu toàn diện.

Vì chưa hiểu toàn diện du lịch nông thôn nên đa số vẫn đang nghĩ làm du lịch chỉ là tổ chức các dịch vụ đơn giản, không cần liên kết. Điều này dẫn đến sự tự phát, biểu hiện ở việc người dân mở ra những chỗ ăn uống kèm theo chụp hình, check-in, tổ chức những dịch vụ rất đơn sơ, không có sự liên kết để có thể gọi là một tour, tuyến du lịch, không có những trải nghiệm sâu sắc. Đó chính là biểu hiện của việc chưa phát triển bài bản về du lịch nông nghiệp, nông thôn”.

Về vấn đề kết nối và tiêu thụ sản phẩm (chủ yếu là nông sản), ông Tùng cho hay hiện nay các sản phẩm chủ yếu được bán thô dưới dạng nguyên liệu cho nơi khác sản xuất, chế biến. Vì vậy, có một rủi ro là bên nhập nguyên liệu có thể tìm được nguồn cung khác rồi cắt nguồn cung thô từ Việt Nam.

“Một trong những nguyên nhân cho vấn đề kết nối và tiêu thụ sản phẩm là Việt Nam mình bán thô nên không có thương hiệu. Nếu như có thương hiệu thì nông sản đó sẽ được định danh, vùng đó sẽ được bảo hộ thương hiệu, được sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị, được gọi tên bằng một thương hiệu gì đấy cụ thể và khác biệt, được quảng bá trên các kênh bán hàng. Vì chưa làm được điều đó nên khi thị trường xuất hiện những đối thủ có tính cạnh tranh mạnh thì chúng ta không có đủ sự khác biệt để chủ động ứng biến”.

Nói về yếu tố người thủ lĩnh bản, ông Tùng cho rằng: “Các địa điểm du lịch nông thôn vừa thiếu người thủ lĩnh bản, mà nếu có thì người thủ lĩnh lại không có đủ kỹ năng toàn diện. Khi đó, họ dẫn tour, tuyến hay phát triển du lịch không được sâu sắc, không mang lại ấn tượng cao. Đa phần họ giống như một người dẫn khách thôi chứ không phải là một người hướng dẫn viên, có nghĩa là họ chỉ có thể dẫn khách đi qua chỗ này, chỗ kia thôi, chứ không tạo nên trải nghiệm sâu sắc và độc đáo được”.

Ngoài ra, việc phát triển du lịch nông thôn nước ta hiện nay còn gặp rào cản đến từ sự kết nối giữa các cộng đồng có tài nguyên du lịch. Và hơn hết là nhận thức của xã hội về du lịch nông thôn còn chưa đủ sâu, biểu hiện ở việc khách du lịch chưa biết đi du lịch nông thôn để nhận được điều gì nên đa số chỉ đi du lịch nông thôn kiểu tham quan, giải trí cuối tuần, tìm nơi yên tĩnh và không khí trong lành. Họ (du khách) chưa biết rằng đi du lịch nông thôn là để trải nghiệm đời sống văn hóa nông thôn, biểu hiện ở ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, tôn giáo, bài hát, nhạc cụ,… Và khi du khách không có nhu cầu thì người làm du lịch nông thôn sẽ không biết để phục vụ những trải nghiệm văn hóa, nếu có thì cũng không nhận được sự hưởng ứng từ du khách.

“Du lịch nông nghiệp không phải lấy tiền từ du lịch”

Nói về vấn đề khó khăn nhất trong quá trình phát triển du lịch nông thôn, ông Tùng cho rằng vấn đề nằm ở nhận thức của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

“Hiện nay, nhiều người đang coi du lịch là ngành đơn giản. Nhưng thực tế, để tạo ra một trải nghiệm du lịch độc đáo và đặc sắc thì phải thay đổi hoàn toàn nhận thức của chính quyền, người quản lý cho đến người dân bản địa. Họ phải có tinh thần đón khách, phải có khả năng tạo ra những trải nghiệm độc đáo về mặt văn hóa để làm nổi bật sự khác biệt về văn hóa, nông nghiệp, lễ hội…, phải ý thức được dịch vụ cũng phải có sự giao thoa về nhu cầu”.

Về phía doanh nghiệp, Nhà hoạch định cho rằng sự quan tâm của doanh nghiệp tới du lịch nông nghiệp, nông thôn còn rất ít, do đó nguồn lực doanh nghiệp dành cho mảng này không nhiều.

Dưới góc độ lấy du lịch để phát triển sinh kế tại địa phương, TS Lan Hương cho hay, xét cho cùng, mục đích của du lịch nông nghiệp không phải kiếm tiền từ du lịch, mà là từ nông nghiệp.

Cùng với đó, Nhà nước nên có lộ trình, hướng dẫn và những chính sách để con đường du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, rõ ràng. 

Từ góc nhìn của nhà lữ hành, thông tin trên Thời báo Ngân hàng, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, cho rằng hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững.

Theo đó, bà Ly cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông lâm thủy sản được tiêu thụ tốt, khi kinh tế nông nghiệp thành công và các doanh nghiệp lữ hành chung tay, đồng hành cùng các điểm đến nông thôn làm du lịch. 

Nguồn: Báo Doanh nhân Việt Nam

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 161

Tổng lượt truy cập: 7.326.820