Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Vang danh Chiến khu Ba Lòng

Chiến khu Ba Lòng là tên gọi chung cho khu vực nằm trên một thung lũng dọc theo hai bờ của thượng nguồn sông Thạch Hãn, ở vào địa phận 3 xã: Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên, thuộc vùng đồi núi phía Nam huyện Ðakrông. Chiến khu Ba Lòng đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 01-1999/QÐ-BT ngày 4 tháng 1 năm 1999.

 

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, nhất là giai đoạn 9 năm chống Pháp, chiến khu Ba Lòng trở thành một căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não kháng chiến của khu vực Trị - Thiên, là một mắt xích quan trọng của hệ thống chiến khu miền Trung; đóng vai trò quan trọng trong tuyến giao liên thống nhất Bắc - Nam, vừa là hậu phương lớn và vừa là bàn đạp để tiến công địch.

 

Ngày 14/4/1947, Tỉnh ủy mở cuộc họp tại Teng Teng (vùng núi Triệu Phong), Hội nghị quyết định thành lập chiến khu để ổn định và tập trung địa điểm của cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Từ giữa năm 1947, nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể… đều lần lượt lên vùng rừng núi Ba Lòng. Lúc đầu đóng tại Khe Su (xã Hải Phúc), sau mở rộng dần ra cả thung lũng Ba Lòng. Núi rừng Ba Lòng trước đây vắng vẻ, ít người qua lại, giờ đây nhộn nhịp bước chân của những người nhiệt huyết vì cách mạng, với công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc.

 

Cuối năm 1947, sau cuộc họp của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chiến khu Ba Lòng được xây dựng trở thành căn cứ vững chắc cho toàn tỉnh, chủ trương đưa tất cả các cơ quan còn lại về đóng tại Ba Lòng. Tỉnh đội đóng ở Làng Hạ, công binh xưởng đóng ở Khe Su, Tỉnh ủy đóng ở Cồn Vò (thôn Hà Vụng), Ủy ban hành chính kháng chiến và mặt trận Việt Minh tỉnh làm việc tại Khe Cây. Trung đoàn Thiện Thuật đóng ở thôn Cây Chanh, Đại đội dân quân Lê Hồng Phong luyện tập và sản xuất ở Xuân Lâm. Tòa án, Viện kiểm sát và Ty Thương binh xã hội có trụ sở ở Khe Cây. Ngân hàng - Tài chính đóng tại Khe Su, các đồn công an được lập ra ở Trấm, Đuồi Mệ, Thác Lo, Đá Nổi. Bệnh viện dân y và quân y đóng ở Tà Lang và Khe Cây, Ty giáo dục đóng tại Đá Nổi, Ty Công an đặt trụ sở gần Tỉnh ủy (thôn Hà Vụng)...  

 

Trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, chiến khu Ba Lòng trở thành nơi đứng chân của bộ đội, thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến; nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở địa phương và khu vực (Ðại hội đại biểu tỉnh Ðảng bộ Quảng Trị lần 2 (11/1947), lần 3 (3/1949), lần 4 (4/1950), Hội nghị Phân khu ủy Bình Trị Thiên (4/1948), Hội nghị Dân quân du kích toàn tỉnh (cuối năm 1948), Ðại hội Phân khu Bình Trị Thiên (đầu năm 1949), Hội nghị Dân Quân Chính đảng ba tỉnh Bình - Trị - Thiên về xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng phản công (đầu năm 1950 và giữa năm 1952), Hội nghị Cán bộ của Uỷ ban Hành chính kháng chiến (9/1950), Hội nghị Chỉnh huấn chỉnh quân (9/1953), Hội nghị Quán triệt về công tác tư tưởng theo tinh thần của BCH Trung ương Ðảng khóa II...). Từ đây phát đi các nơi những đường lối, chủ trương của tỉnh, của phân khu; truyền đạt lại cho các cán bộ đảng viên và quần chúng những mệnh lệnh và chỉ thị của Trung ương. Ba Lòng cũng là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Ðảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra Bắc vào Nam; nơi ra đời Phân Khu Bình Trị Thiên trực thuộc Liên khu IV (đầu năm 1948), Ban vận động văn nghệ Bình Trị Thiên (9/1948), Bộ chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên (đầu năm 1950)...

 

Ba Lòng không chỉ là chỗ dựa tinh thần của nhân dân Quảng Trị nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung mà hình ảnh chiến khu còn là hình ảnh của một chế độ mới: chế độ dân chủ nhân dân. Hình thức tổ chức của chiến khu tương đối hoàn chỉnh, giống như một chính quyền của một nhà nước kháng chiến với đầy đủ bộ máy như: chính quyền, quân đội, tòa án, công an, trại giam, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục, y tế; với một tập hợp quần chúng xung quanh Mặt trận và các tổ chức đoàn thể như: thanh niên, phụ nữ, nông dân, thiếu niên nhi đồng...và với một cơ cấu kinh tế gồm các ngành như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ.

 

Hòng tiêu diệt trung tâm đầu não của kháng chiến, từ tháng 4/1948 đến tháng 7/1954, Ba Lòng là nơi xảy ra nhiều cuộc đọ sức giữa lực lượng vũ trang kháng chiến với quân đội Pháp, trong đó tiêu biểu là trận chống càn vào tháng 9/1948. Bằng ưu thế về địa hình, tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm và chiến thuật chống càn linh hoạt, quân và dân chiến khu đã lần lượt đánh tan các cuộc tấn công của quân đội Pháp, làm thất bại mọi âm mưu đen tối của chúng bảo toàn được lực lượng kháng chiến. Chiến khu vẫn tồn tại vững chắc và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của quân dân Bình Trị Thiên.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng, Ba Lòng luôn là nơi xảy ra những cuộc tranh chấp quyết liệt giữa lực lương quân giải phóng với quân đội Mỹ - VNCH. Trên thực tế, chiến khu không còn tồn tại nhưng đất Ba Lòng vẫn là mảnh đất kháng chiến, người dân Ba Lòng vẫn vững niền tin vào Ðảng, một lòng đi theo cách mạng.

 

Từ năm 1957 đến năm 1965, khu vực Ba Lòng bị chính quyền Mỹ - Diệm chiếm đóng và biến thành một căn cứ quân sự kiên cố nhằm thực hiện việc ngăn cản hoạt động của lực lượng cách mạng trên vùng rừng núi và kiểm soát đường Trường Sơn. Song, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Ðảng, nhân dân và bộ đội chủ lực Quảng Trị đã liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh vào quận lỵ Ba Lòng nhằm lập lại vùng căn cứ cách mạng. Cuối năm 1960, nhân dân Ba Lòng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đã nổi dậy giải phóng quê hương lần thứ nhất. Ðến năm 1964, quân giải phóng Trị Thiên phối hợp với bộ đội địa phương tấn công giải phóng Ba Lòng lần thứ hai nhưng sau đó một thời gian ngắn thì bị địch oanh tạc bằng phi cơ buộc ta phải rút lên rừng.

 

Ngày 10/10/1965, Quân ủy Trị Thiên quyết định thành lập Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân khu. Tại rừng núi Khe Làng An (Triệu Nguyên). Ngày 19/6/1966, Trung đoàn 6 tấn công căn cứ Ba Lòng của địch. Với tinh thần mưu trí dũng cảm, các chiến sỹ Trung đoàn 6 đã quét sạch quân địch ra khỏi vị trí chiến lược Ba Lòng, nơi chúng đã chiếm đóng suất 10 năm trời.

 

Từ năm 1966 đến năm 1972, Mỹ - chính quyền Sài Gòn không chú trọng lập căn cứ ở Ba Lòng nữa, nhưng lại liên tục đánh phá bằng các đợt oanh kích bằng bom B52, rải chất độc hóa học và tiến hành các cuộc hành quân càn quét. Lực lượng kháng chiến và nhân dân vẫn kiên cường bám trụ với phương châm “hai chân, ba mũi” (2 chân: hợp pháp và bí mật, 3 mũi: quân sự, chính trị, binh vận). Các đơn vị chủ chốt của tỉnh Quảng Trị và Phân khu Bình Trị Thiên vẫn bám dân, bám địa bàn hoạt động. Ðặc biệt đây từng là nơi ra đời của sư đoàn 325, trung đoàn 6 (trung đoàn Phú Xuân). Trong thời gian này, Ba Lòng vẫn là một trạm dừng chân trong đường giao liên xuyên Bắc Nam cho đến khi được hoàn toàn giải phóng vào năm 1972.

 

Ngày nay, tất cả những gì vốn có của một chiến khu xưa đã không còn, nhưng quá khứ oanh liệt, hào hùng sẽ là động lực to lớn để người dân Ba Lòng tiếp tục vươn lên trong giai đoạn lịch sử mới. Nhân dân các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc; đồng bào Kinh, Vân Kiều vẫn luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau, nỗ lực vượt khó để hướng tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và giàu mạnh.

 

Ban Biên tập

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 84

Tổng lượt truy cập: 6.826.801