Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Văn hóa phải "thấm sâu" vào các lĩnh vực để tạo nên sự đồng bộ trong xã hội
- Sở VHTT&DL
- 10/08/2021 02:46:00
- 2229 lượt xem
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
Với mong muốn tiếp nhận thêm những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với tính khả thi cao, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến đóng góp các chuyên gia, nghệ sĩ.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám: Văn hóa phải "thấm sâu" vào các lĩnh vực để tạo nên sự đồng bộ trong xã hội
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, hiện đại hóa theo hướng bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới với nhiều thời cơ và thách thức. Nguồn lực quan trọng nhất đảm bảo cho sự phát triển đó chính là con người Việt Nam. Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần hình thành nên nguồn lực con người Việt Nam có khát vọng, ý chí vươn lên phụng sự đất nước, dân tộc; tinh thần sáng tạo, học hỏi mạnh mẽ; sự trung thực; hợp tác để cùng phát triển… Cùng với đó, văn hóa là nguồn lực tham gia trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội với sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa, cả về phương diện tăng trưởng GDP và giải quyết việc làm cho lao động.
Việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trở thành một yêu cầu cấp thiết
Bộ VHTTDL đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, Chiến lược hướng tới mục tiêu chung cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Những quan điểm này rất phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước hiện nay. Vấn đề quan trọng là làm thế nào hiện thực hóa tinh thần của Chiến lược thành những chính sách cụ thể, đồng bộ trong đời sống xã hội góp phần hình thành nên lối sống của con người Việt Nam trên cơ sở kết hợp giá trị tốt đẹp của dân tộc và giá trị phổ quát của nhân loại. Với lối sống đó, con người Việt Nam yêu thương nhau, gắn kết thành cộng đồng bền vững, hạnh phúc và cùng chung sống hòa bình với các dân tộc khác.
Một vấn đề được nhấn mạnh trong Chiến lược là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Hai vấn đề này có mối liên hệ mật thiết với nhau, là điều kiện của nhau. Không thể có con người phát triển toàn diện nếu không có môi trường văn hóa lành mạnh và ngược lại.
Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thực trạng tư tưởng, đạo đức, lối sống có nhiều biến chuyển phức tạp thì việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Môi trường văn hóa là khái niệm có nhiều cách hiểu rộng-hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng nhất, "môi trường văn hóa" gần như được đồng nhất với môi trường xã hội trong sự đối lập với môi trường tự nhiên. Theo nghĩa hẹp hơn, môi trường văn hóa chỉ là một bộ phận hợp thành môi trường xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, lịch sử, tôn giáo... Theo nghĩa hẹp nhất, môi trường văn hóa chỉ là một thành tố cấu thành nên văn hóa và chỉ bao gồm các yếu tố văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể.
Từ góc độ của văn hóa học, môi trường văn hóa được hiểu là "tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định trong một thời gian và không gian cụ thể mà cá nhân tiếp xúc và có tác động tới hoạt động của chủ thể". Từ cách hiểu này thì các thành tố cấu thành nên "môi trường văn hóa" sẽ bao gồm: Sản phẩm và hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường...
Vai trò của văn hóa giáo dục rất quan trọng, từ trong gia đình, nhà trường và xã hội để thực sự là môi trường lành mạnh hình thành, hoàn thiện nên nhân cách con người Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong điều kiện mới
Để xây dựng con người Việt Nam toàn diện, cần nhiều điều kiện, theo cá nhân tôi, trước hết phải thực sự coi trọng văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, văn hóa phải "thấm sâu" vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục… để tạo nên sự đồng bộ trong xã hội. Trong đó, vai trò của văn hóa giáo dục rất quan trọng, từ trong gia đình, nhà trường và xã hội để thực sự là môi trường lành mạnh hình thành, hoàn thiện nên nhân cách con người Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong điều kiện mới.
Bồi dưỡng và đào tạo nghệ sĩ sân khấu là một trong những vấn đề cấp bách nhất
Mục Nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược đã chú trọng đến nghệ thuật biểu diễn trong nhiệm vụ Phát triển một số lĩnh vực văn hóa. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, cần chú trọng nhất đến khâu bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.
Chiến lược đã chỉ ra vấn đề: Ưu tiên đầu tư giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình có nguy cơ thất truyền. Phát triển hài hòa, cân đối giữa các loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Muốn vậy, nghệ thuật biểu diễn phải đổi mới và khâu đầu tiên cần chú trọng là đào tạo nguồn nhân lực. Trên thực tế, vấn đề đào tạo đội ngũ sáng tạo, bồi dưỡng nhân tài nghệ thuật, chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ là mục tiêu lâu dài. Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách và đề án cụ thể để đào tạo từng thành phần sáng tạo trong nhân lực của nghệ thuật.
Nhìn từ sân khấu truyền thống, thực tế hiện nay, lớp kế cận đa số đào tạo trong nước thực sự chưa thấy một đạo diễn nào có thể bứt phá để kế cận lớp cha ông. Đây là một báo động, một thực tế hết sức đáng buồn của tình hình về đội ngũ đạo diễn của nghệ thuật sân khấu. Nhiều năm qua, việc đào tạo đạo diễn sân khấu ở bậc đại học (hệ vừa học vừa làm) chủ yếu chỉ diễn ra ở hai trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy việc đào tạo này đã đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sân khấu theo kiểu cầm chừng, tỉ lệ đạo diễn giỏi ra trường có những tác phẩm đạt giải tại các kì liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước còn ít và chưa thật sự xuất sắc.
Đặc biệt, đạo diễn sân khấu truyền thống thì chỉ "đếm trên đầu ngón tay. Nhiều cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu vẫn chỉ xoay quanh một số tên tuổi đạo diễn quen thuộc, gần như gánh trọng trách định hướng nghệ thuật cho hầu hết các đơn vị nghệ thuật. Mỗi dịp liên hoan, hội diễn thì bằng sức nóng từ "thương hiệu" của mình, nhiều đạo diễn chạy sô đến cả chục vở trong một liên hoan. Điều này cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ đạo diễn trẻ, mặc dù có một số gương mặt đạo diễn mới, nhưng vẫn chưa khẳng định được tài năng nghệ thuật, cho nên vở diễn vẫn ở mức bình thường. Do vậy đào tạo nghề đạo diễn cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những sinh viên giỏi du học nước ngoài, nhất là tạo điều kiện cho diễn viên đã có nghề được theo học đạo diễn tại các nước phát triển.
Vấn đề bồi dưỡng và đào tạo nghệ sĩ sân khấu là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nền nghệ thuật sân khấu nước nhà đang đứng trước sự thách thức lớn
Ở nước ta từ xưa đến nay, các trường nghệ thuật không mở lớp đào tạo nhà quản lý nghệ thuật. Cho nên hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều là các nghệ sĩ gạo cội làm công tác quản lý, cho nên hiệu lực quản lý thấp, nhiều khi còn mang tính "nghệ sĩ". Do nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nhiều nhà quản lý tại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn còn hạn chế. Thói quen từ việc hưởng kinh phí từ ngân sách được bao cấp của nhà nước còn khá nặng nề, khiến cho nhiều đơn vị chưa chủ động tận dụng khai thác mọi nguồn lực để phát triển đơn vị, dẫn tới chất lượng nghệ thuật của nhiều đơn vị chưa cao.
Vì vậy, các trường nghệ thuật cần cấp thiết mở mã ngành đào tạo quản lý nghệ thuật để đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, tìm hướng đi và hoạch định chiến lược để giúp cho các đơn vị sân khấu thoát khỏi tình trạng sống èo uột như hiện nay.
Nguồn nhân lực bị khủng hoảng lại chính là lực lượng lớn của nghệ thuật sân khấu hiện nay đó là nghệ sĩ. Vấn đề bồi dưỡng và đào tạo nghệ sĩ sân khấu là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà nền nghệ thuật sân khấu nước nhà đang đứng trước sự thách thức lớn.
Về lĩnh vực giảng dạy sân khấu, hiện thời đội ngũ người thầy giỏi mỏng, thiếu nghiêm trọng. Đây là nghề đặc thù, là đào tạo tài năng, vì vậy cần có cơ chế chính sách cho sinh viên nghề diễn cũng phải là chính sách đặc thù. người dạy cũng hết sức đặc thù, phải là những diễn viên giỏi nghề thì mới có thể cho ra lò các lớp diễn viên giỏi.
Chính chế độ đãi ngộ cũng là một phần quan trọng để thu hút người có tài năng nghệ thuật theo nghề tuyển vào nghề, tâm huyết với nghề. Số cán bộ, diễn viên có tuổi đời dưới 30 chiếm tỉ lệ thấp, về lâu dài sẽ không đủ lớp kế cận chuyên môn; Các nghệ sĩ, diễn viên vẫn được tính thời gian công tác và nghỉ hưu theo quy định chung của Bộ Nội vụ dẫn tới tình trạng nhiều người không còn khả năng biểu diễn nhưng vẫn ở trong biên chế của đơn vị…
Hiện nay ở một số nhà hát công lập đang có một lực lượng lớn lao động hết tuổi nghề nhưng vẫn còn trong độ tuổi lao động và không chuyển đổi được vị trí việc làm. Điều đó dẫn đến thực trạng nhân sự giữ biên chế trong đơn vị thì lại không tham gia biểu diễn nghệ thuật, đơn vị phải ký hợp đồng thời vụ với nghệ sĩ trẻ bên ngoài. Không những thế, hiện nhà nước không tiếp tục cho phép ký hợp đồng chuyên môn, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng nghệ sĩ trẻ có năng lực, trình độ phù hợp trong lĩnh vực có đặc thù cao như nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang khủng hoảng về nguồn lực lao động chuyên nghiệp, vì vậy cần có những cơ chế, chính sách kịp thời để khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ tham gia học tập, biểu diễn ở các loại hình này./.
Cổng TTĐT Bộ VH, TT&DL
- Triển khai “Tuần lễ cao điểm” phòng, chống COVID-19 (24/03/2022)
- Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (24/03/2022)
- Cài đặt và sử dụng App “Phản ánh hiện trường” dành cho công dân (24/03/2022)
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (24/03/2022)
- Hội nghị tổng kết công tác ngành VH,TT&DL năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 (24/03/2022)
- Thủ môn tài năng (24/03/2022)
- Đoàn Thể thao Quảng Trị xếp vị trí thứ Ba tại Giải Vô địch Điền kinh người khuyết tật toàn quốc năm 2020 (24/03/2022)
- Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đakrông (24/03/2022)
- Tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá và Doping trong hoạt động thể thao (24/03/2022)
- Thêm 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (24/03/2022)
- Quyết định về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa của Công ty TNHH Dịch vụ và Du...
- Quyết định công nhận kết quả tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở
- Quyết định phê duyệt danh sách thí sinh đủ điều kiện tham dự xét tuyển tại các đơn vị sự nghiệp thuộc...
- Thông báo Lịch kiểm tra, sát sạch viên chức tại các đơn vị: Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao...
- Thông báo Danh sách thí sinh đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn; không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển...
- LỊCH CÔNG TÁC CỦA BAN GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL Từ ngày 18/11/2024 đến ngày 24/11/2024 (Tuần 47)
- LỊCH CÔNG TÁC CỦA BAN GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL Từ ngày 11/11/2024 đến ngày 17/11/2024 (Tuần 46)
- LỊCH CÔNG TÁC CỦA BAN GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL Từ ngày 04/11/2024 đến ngày 10/11/2024 (Tuần 45)
- LỊCH CÔNG TÁC CỦA BAN GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL Từ ngày 28/10/2024 đến ngày 03/11/2024 (Tuần 44)
- LỊCH CÔNG TÁC CỦA BAN GIÁM ĐỐC SỞ VH,TT&DL Từ ngày 21/10/2024 đến ngày 27/10/2024 (Tuần 43)
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 434
Tổng lượt truy cập: 7.326.118