Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên

Tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa diễn ra Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị cùng hơn 500 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch, các doanh nghiệp hàng đầu chuyên về du lịch của Việt Nam bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cũng như kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để tìm giải pháp phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị do UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính dẫn đầu tham dự hội nghị.

 

Với phương châm “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”, hội nghị đã tập trung thảo luận để xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm có 19 tỉnh, thành với diện tích tự nhiên xấp xỉ gần 152.000 km², dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, du lịch chiến tranh cách mạng, vườn quốc gia, hang động sinh thái, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới, hệ thống sân golf đẳng cấp thế giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch. Miền Trung – Tây Nguyên còn là cửa ngõ ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), lại trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

 

Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế. Nơi đây còn hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên.

 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Đà Nẵng, Quảng Bình, Phan Thiết, Hội An, Đà Lạt…Bên cạnh đó đã hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -  Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến EWEC kết nối với Lào, Thái Lan, Myanmar, chuỗi du lịch biển, đảo- du lịch sinh thái của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên… Những sản phẩm, chuỗi sản phẩm này đã thật sự kết nối các điểm đến và phát huy lợi thế liên kết vùng của các địa phương trong khu vực.

 

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng, trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là hơn 9,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch khoảng 120.000 tỉ đồng. Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như trên, Hội đồng vùng đã thẳng thắn đánh giá sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Tổng doanh thu từ du lịch còn thấp; chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp. Hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu (khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước). Tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…

 

Đánh giá cao kết quả du lịch miền Trung – Tây Nguyên đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập khiến cho “viên ngọc chưa được sáng”. Theo Thủ tướng, về tổng thể, du lịch miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung còn mất cân đối, thiếu sâu sắc, nhạt bản sắc hoặc sắc thái chưa ấn tượng, nói chung là thiếu một kiến trúc du lịch mang bản sắc Việt Nam rõ nét. Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp. Lâu nay, chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất, thay vì phát triển theo cụm ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch để làm hài lòng du khách vẫn là câu hỏi lớn. Thủ tướng khẳng định, thành quả đạt được của ngành du lịch cả nước cũng như miền Trung – Tây Nguyên có vai trò, sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn như Sungroup, FLC, Mường Thanh, Vingroup, Savico…, đặc biệt là sự đóng góp của 4 hãng hàng không Việt Nam. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đồng hành với Chính phủ, chính quyền các địa phương đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch miền Trung – Tây Nguyên.

 

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 19 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 36.100 tỉ đồng, trong đó có dự án Khu đô thị sinh thái biển AE- Resort -Cửa Tùng, Quảng Trị tại xã Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, với tổng vốn đăng ký đầu tư 492,6 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn AE.

 

Nguồn tin: quangtri.vn

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 99

Tổng lượt truy cập: 6.805.949