Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép... Để hiểu rõ hơn về bộ quy tắc này, phóng viên Báo QĐND Điện tử đã có trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.

 

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết việc ban hành văn bản này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam? Vì sao lại ban hành Bộ quy tắc ứng xử này?

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ: Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung "Xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

 

Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; Bộ quy tắc đưa ra khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

 

Môi trường mạng xã hội hiện nay rất đa dạng và phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021, là kịp lúc để định hướng cho các bên liên quan cách thức ứng xử lành mạnh và văn minh hơn, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trên môi trường mạng, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh hơn cho tất cả mọi người, không để ai bỏ lại phía sau trong đời thực cũng như trên môi trường mạng.

 

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông. 

 

PV: Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có giải quyết được những vấn đề được cho là “nhức nhối” trên mạng xã hội hiện nay hay không thưa ông?

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ: Mạng xã hội là nơi tràn ngập thông tin đa dạng, phong phú, tích cực có, tiêu cực, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, tinh thần của người khác cũng có... Những sự việc sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên mạng xã hội được cho là đang ở tình trạng đáng báo động. 

 

Để giải quyết các vấn đề trên, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý như Quốc hội ban hành Luật An ninh mạng năm 2018, với những quy định khá đầy đủ về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, hoạt động bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trước khi chúng ta dùng luật để giải quyết vấn đề, cần phải có giải pháp giáo dục ý thức để người dùng mạng xã hội từng bước hình thành thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử trên mạng xã hội.

 

Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nhằm hướng đến điều này, góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật hướng tới một môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, để tạo ra một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của cả cộng đồng, trong đó có vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và ý thức của người dùng mạng xã hội là hết sức quan trọng, trong việc cùng chung tay đẩy lùi các hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

 

PV: Thưa ông, Bộ Quy tắc này áp dụng cho những đối tượng nào hiện này? Mang tính bắt buộc hay khuyến cáo?

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ: Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.

 

Bộ Quy tắc chỉ mang tính khuyến nghị, khuyến cáo có bản chất là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Tuy nhiên, trong trường hợp, các đối tượng tham gia mạng xã hội, tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan.

 

 

Việc ra đời Bộ Quy tắc ửng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa mới ban hành là rất cần thiết. 

 

PV: Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được ban hành có những quy tắc nào thưa ông?

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ: Bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung áp dụng cho các nhóm đối tượng, để dễ hiểu, dễ nhớ, có thể tóm gọn lại nội dung 4 quy tắc chung bằng các cụm từ sau: Tôn Trọng-Trách nhiệm -An toàn -Lành mạnh. Trong đó, các cụm từ được hiểu như sau:

 

Tôn trọng: Là tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tham gia mạng xã hội, tôn trọng các quy định của nhà cung cấp dịch vụ xã hội để có các hành vi đúng đắn, hướng tới những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là tôn trọng bản thân mình.

 

Trách nhiệm: Trách nhiệm ở đây có nghĩa người tham gia mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Người tham gia dịch vụ mạng xã hội cũng như các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

 

An toàn: Là an toàn và bảo mật thông tin. Người tham gia mạng xã hội phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin, bảo mật thông tin.

 

Lành mạnh: Các hành vi ứng xử trên mạng xã hội phải phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

 

Ngoài ra, Bộ Quy tắc đưa ra các quy tắc cụ thể cho từng nhóm đối tượng như: Cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

 

Cơ quan nhà nước nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

 

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng được khuyến nghị tuân thủ nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

PV: Hiện nay vẫn có một số ý kiến thắc mắc về sự cần thiết ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông có bình luận gì về vấn đề này?

 

Tiến sĩ Đỗ Quý Vũ: Trong sự bùng nổ và phát triển của công nghệ thông tin với đa nền tảng mạng xã hội, để góp phần hạn chế được mức thấp nhất những hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, bên cạnh Luật an ninh mạng và những văn bản luật liên quan, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết, vì tất cả các lý do nêu trên. Ngoài ra, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thực sự cần thiết, vì Bộ Quy tắc góp phần truyền tải thông điệp năng lượng tích cực cho người dùng và giúp mỗi người tham gia mạng xã hội hiểu được sự cần thiết phải thay đổi thói quen và văn hóa ứng xử trên môi trường ảo nhưng có tác động đến xã hội thật, trở thành một công dân số biết tôn trọng người khác và có trách nhiệm trong kỷ nguyên số.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Bài viết cùng chuyên mục

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 626

Tổng lượt truy cập: 6.840.934