Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Những năm gần đây Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Quảng Trị bị sụt giảm thứ bậc. Trước tình hình đó, ngày 29/6/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phân tích đánh giá kết quả và giải pháp nâng cao các chỉ số này.


Tại hội nghị, các sở, ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu và theo dõi các chỉ số báo cáo kết quả thực hiện trong năm 2021, thông tin về các chỉ số thành phần, phân tích nguyên nhân vì sao điểm số một số chỉ số thành phần giảm, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục.

 

Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến Chỉ số cải cách hành chính, vì đây là chỉ số quan trọng ảnh hưởng lớn đến hai chỉ số còn lại. Theo dõi qua 3 năm từ 2019- 2021 cho thấy, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh có số điểm tăng dần từ 81,32 lên 84,82 điểm, nhưng thứ hạng thì hoàn toàn ngược lại, giảm đến 25 bậc, từ đứng thứ 28/63 xuống thứ 53/63 tỉnh, thành phố.

 

Số điểm tăng dần nói lên công tác cải cách hành chính của tỉnh năm sau được đánh giá tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, so với cả nước thì nhiều tỉnh, thành phố làm tốt hơn nên mức độ tăng điểm nhiều hơn Quảng Trị, vì vậy, thứ bậc của Quảng Trị liên tục bị sụt giảm (năm 2019 xếp thứ 28/63; năm 2020 xếp thứ 39/63; năm 2022 xếp thứ 53/63).

 

Chỉ số cải cách hành chính có thang điểm 100 điểm, gồm 4 chỉ số thành phần: Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; Tác động của cải cách hành chính đến phát triển KT-XH; Lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp; Lấy ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính phụ thuộc điểm của các chỉ số thành phần, nhưng chỉ số “Lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp” lại được đánh giá một cách “định tính” nên điểm số phụ thuộc nhiều vào nhận định và cả trách nhiệm của người được hỏi ý kiến của từng địa phương.

 

Vậy nên, trong trường hợp nhiều địa phương có các điểm số thành phần khác tương đương nhau thì chỉ cần một chênh lệch rất nhỏ của chỉ số mang tính “chủ quan” này cũng có thể tạo ra một sự thay đổi rất lớn về thứ bậc giữa các tỉnh, thành phố. Thử so sánh năm 2021 giữa hai tỉnh Hải Dương và Quảng Trị để thấy điều này. Số điểm thành phần của Hải Dương: Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 55,28 điểm; Tác động của cải cách hành chính đến phát triển KT-XH 3 điểm; Lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp 19,89 điểm; Lấy ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước 9,21 điểm.

 

Cũng với các chỉ số này, Quảng Trị lần lượt là 55,86; 3; 17,39; 8,57 điểm. Tổng điểm của Hải Dương 87,38, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố; còn tổng điểm Quảng Trị 84,82, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố (sau Hải Dương đến 34 bậc).

 

Từ các điểm số trên cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính Quảng Trị làm tốt hơn Hải Dương (hơn 0,58 điểm); tác động của cải cách hành chính đến phát triển KT-XH thì hai tỉnh bằng nhau; ý kiến người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước Quảng Trị thấp hơn Hải Dương không đáng kể (0,64 điểm). Tổng điểm Quảng Trị thấp hơn Hải Dương 2,56 điểm, chủ yếu là số điểm đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp (thấp hơn đến 2,5 điểm).

 

Tương tự như Hải Dương, các tỉnh Điện Biên, Hậu Giang có điểm thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thấp hơn Quảng Trị, điểm tác động của cải cách hành chính đến phát triển KT-XH bằng Quảng Trị; các tỉnh này chủ yếu cao hơn Quảng Trị ở điểm đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp (Điện Biên 20,75 điểm; Hậu Giang 19,69 điểm) nên lần lượt được xếp thứ 24/63 và 27/63 tỉnh, thành phố (cao hơn Quảng Trị 29 và 26 bậc).

 

Từ đó có thể thấy chỉ số Lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các cấp góp phần quan trọng trong thứ bậc xếp hạng về cải cách hành chính của các tỉnh. Đối với chỉ số này, từ năm 2021, Bộ Nội vụ lấy phiếu điều tra xã hội học qua email cá nhân; Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản gửi đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo cấp sở, cấp huyện và cấp phòng thuộc sở, huyện về việc trả lời phiếu.

 

Theo tài liệu cung cấp tại hội nghị nói trên, nguyên nhân kết quả thấp của tỉnh Quảng Trị được xác định là do mức độ hài lòng về kết quả của một số nội dung cải cách hành chính chưa cao; một số trường hợp chưa nghiên cứu văn bản của UBND tỉnh, chưa hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trả lời phiếu đánh giá; một số trường hợp thiếu thông tin về công tác cải cách hành chính của tỉnh nên trả lời theo chủ quan cá nhân; một số đại biểu HĐND tỉnh không trả lời phiếu.

 

Như vậy trong 4 nguyên nhân, chỉ có một nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị làm chưa tốt, còn lại 3 nguyên nhân là do trách nhiệm, thái độ làm việc, việc không nắm bắt thông tin về công tác cải cách hành chính để trả lời của những người được hỏi.

 

Phân tích để thấy, thứ bậc Chỉ số cải cách hành chính còn phụ thuộc vào ý chí “chủ quan” của những người được hỏi chứ không phải hoàn toàn căn cứ vào kết quả những gì đã làm được của địa phương. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2021 thấp, đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố là đúng thực chất hay có phần “oan” cho tỉnh(!).

 

Đưa ra vấn đề này để thấy, Chỉ số cải cách hành chính bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó ý thức, trách nhiệm của những lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và đại biểu HĐND tỉnh khi trả lời câu hỏi rất quan trọng. Vậy nên, những người được hỏi cũng cần nghiêm túc nhìn lại để những năm tới kết quả đánh giá được sát hơn (có thể tăng hoặc giảm thứ bậc), vì vấn đề là xác định đúng Quảng Trị đang đứng ở vị trí nào trong 63 tỉnh, thành phố cả nước về cải cách hành chính và những nội dung nào làm chưa tốt để đưa ra giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số.

 

Tùng Lâm - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 1935

Tổng lượt truy cập: 6.779.130