Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử- kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022), tối nay 29/4, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972 - 2022). Dự lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; UVTƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Quân khu 4; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và các vị khách quốc tế. Về tỉnh Quảng Trị có: UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và các tầng lớp nhân dân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Trị cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm - Ảnh: Thành Dũng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Thành Dũng

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đọc diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Thành Dũng

Trong diễn văn lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng khái quát lại lịch sử, truyền thống anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc; quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Trị.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết đã chia cắt nước ta  thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời hai miền. Cuộc phân ly ấy tưởng chừng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử, nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự để tiến đánh miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Trước tình hình đó, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã kề vai, sát cánh với các lực lượng vũ trang chiến đấu đập tan các kiểu chiến tranh, chặn đứng mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của Mỹ và bè lũ tay sai. Khát vọng độc lập, tự do, thống nhất non sông đã thổi bùng lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân 2 miền Nam - Bắc. 

Trước thời cơ và thuận lợi mới, để đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước, làm chuyển biến cục diện chiến trường, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Trị Thiên năm 1972. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tiến công giải phóng Quảng Trị bắt đầu. Cùng với sức mạnh áp đảo, những đòn tiến công dồn dập, bất ngờ của các binh đoàn, bộ đội chủ lực, quân và dân Quảng Trị đã tranh thủ thời cơ, phối hợp chiến đấu tiến công sào huyệt địch, giành được những thắng lợi quan trọng. 

Ngày 2/4/1972, các huyện Gio Linh, Cam Lộ được giải phóng, vùng giới tuyến, khu phi quân sự được khai thông. Ngày 28/4/1972, Đông Hà hoàn toàn giải phóng. Ngày 29/4/1972, quân ta làm chủ quận lỵ Triệu Phong, giải phóng cả vùng Triệu Hải rộng lớn. 11 giờ, ngày 1/5/1972, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên Dinh Tỉnh trưởng tại thị xã Quảng Trị. Quân và dân Quảng Trị vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Quảng Trị tự hào là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng và vinh dự được chọn đặt thủ phủ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. 

Trước tình thế thất thủ tại Quảng Trị, Mỹ - ngụy điên cuồng tập trung lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị để giành lợi thế trên bàn đàm phán Hội nghị Paris. Quân và dân Quảng Trị bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Trong 81 ngày đêm lịch sử mùa hè đỏ lửa 1972 chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bất chấp mọi hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn giữa mưa bom, bão đạn chiến đấu ngoan cường; hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu xương các anh đã hòa vào dòng sông Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trong lòng đất mẹ Thành Cổ - Quảng Trị anh hùng. 

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và trong đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975, cho Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất. 

Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đồng cam cộng khổ, cần cù, sáng tạo để tái thiết và xây dựng quê hương. Từ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển năng lượng tái tạo đã có bước tiến quan trọng, đúng hướng; môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước đến với Quảng Trị. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá trong nhiều năm liên tục, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm. 

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị không ngừng được đẩy mạnh, củng cố. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Quảng Trị là một trong những địa phương đứng đầu cả nước thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. 

Là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình, Quảng Trị đang thay mặt cả nước chăm sóc hơn 60.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh và Thành Cổ Quảng Trị. Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều lễ hội, hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như: Lễ hội Thống nhất non sông, tri ân tháng 7, thả hoa đăng tưởng niệm liệt sĩ trên dòng Thạch Hãn..., đã trở thành nét đẹp truyền thống, văn hóa, tâm linh tốt đẹp của người dân Quảng Trị và dân tộc Việt Nam... 

Quá khứ vinh quang chỉ thật sự được trân trọng khi hiện tại và tương lai được tiếp nối một cách bền vững và ngày càng nở hoa, kết trái. 

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước sự hy sinh vô bờ bến của bao lớp người đã ngã xuống vì Quảng Trị được giải phóng, vì đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân Quảng Trị quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, sáng tạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh... 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quảng Trị có một vai trò, vị trí đặc biệt trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó, phải kể đến mốc son của 50 năm trước đó là sự kiện giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. 

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giành được trong suốt 50 năm qua. Tin tưởng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ có những bước bứt phá, vươn lên mạnh mẽ với sức sống mới, khí thế mới; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KT - XH, giữ vững quốc phòng - an ninh; phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển trung bình cao vào năm 2025 và tỉnh khá vào năm 2030, tất cả vì cuộc sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và tốt đẹp hơn. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Quảng Trị chú trọng một số vấn đề như: Cần phát huy tính năng động, đối mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo của tỉnh vì lợi ích chung; tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. 

Cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tích cực cải cách hành chính, thu hút đầu tư có chất lượng; phát huy tài nguyên con người, nhất là đức tính thông minh, hiếu học, cần cù, chịu khó của người dân tỉnh Quảng Trị. Ưu tiên nguồn lực và ngân sách phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch; phối hợp với các tỉnh nước bạn Lào nghiên cứu chính sách chung về phát triển kinh tế biên giới. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại các khu kinh tế làm hạt nhân, động lực để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, tạo việc làm tốt và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo đột phá cho các ngành kinh tế có thế mạnh, mũi nhọn như năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp xanh, kinh tế biển… Chú trọng đầu tư xứng đáng cho sự nghiệp giáo dục và y tế; quan tâm chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế trong xã hội… Gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, biến nơi đây thành những "địa chỉ đỏ" về giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ không chỉ trong tỉnh Quảng Trị mà còn cho cả nước. 

Tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng, toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đổi mới phương thức đối ngoại với các tỉnh, các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây, góp phần tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực. 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị. 

Trong chương trình lễ kỷ niệm, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng Quảng Trị”. Chương trình gồm 3 phần: Mùa xuân giải phóng; Dòng sông hoa đỏ; Khát vọng hòa bình - Quảng Trị ngày mới đã khắc họa sinh động, rõ nét về mảnh đất và con người Quảng Trị anh hùng từ trong chiến tranh đến hiện tại hòa bình và vươn lên phát triển. Kết thúc chương trình là màn bán pháo hoa rực rỡ, đẹp mắt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị.

Minh Đức - báo Quảng Trị

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1175

Tổng lượt truy cập: 6.800.960