Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Đặc biệt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mấu chốt cần quan tâm trong chiến lược phát triển gia đình của mỗi địa phương, đất nước.

 

Đối với tỉnh ta, trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo các vấn đề xã hội, công tác gia đình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa; Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy. Công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng lên. Đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 152.904/168.043 gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 90,9%. Những gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa sống an vui, hạnh phúc, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là những tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, kinh doanh, đoàn kết xóm làng và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn còn xảy ra trong gia đình; các tai, tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào từng gia đình có xu hướng gia tăng; Tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.... dưới mặt trái của nền kinh tế thị trường, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức, nếu nghiêm trọng sẽ để lại hậu quả nặng nề, các nạn nhân có thể bị tổn thương về thể chất, tinh thần, đe dọa cuộc sống và sự bình yên của các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Theo con số thống kê chưa đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình, năm 2018, toàn tỉnh ta có khoảng …. vụ BLGĐ, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

 

 

 

Để bảo vệ quyền cho nạn nhân, duy trì sự ổn định, phát triển bền vững cho gia đình, trong những năm qua, Đảng và nhà nước đã có những nỗ lực để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/2/2005; Luật phòng, chống BLGĐ năm 2008; Chỉ thị 16/2008/CT ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đề cao vai trò của gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về  phòng, chống bạo lực gia đình…

 

Trên cơ sở những chỉ đạo của cấp trên, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2097/KH-UBND ngày 18/8/20008 về tổ chức triển khai thi hành luật phòng, chống BLGĐ; Kế hoạch số 3692/KH-UBND ngày 16/10/2014 về Triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng chống, bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch số 1498/KH-UBND ngày 26/5/2016 về triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2016; Kế hoạch số 4234/KH-UBND ngày 25/11/2014 về thực hiện chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hàng năm Ban hành Kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị về thực hiện công tác gia đình.

 

Nhờ vậy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở tỉnh ta được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động về thực hiện bình đẳng giới, luật phòng, chống bạo gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; các mô hình truyền thông, can thiệp phòng, chống BLGĐ; các CLB phòng, chống BLGĐ được xây dựng và hoạt động có hiệu quả; Tổ chức các Hội thi, Hội thảo, diễn đàn giao lưu về PCBLGĐ với chủ đề “Hãy biết lắng nghe và chia sẻ” tại Triệu Phong, “Vì một cộng đồng không có bạo lực gia đình” tại Hướng Hóa, Hội thi “Nâng niu mái ấm gia đình” tại Triệu Phong, gặp mặt kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 và biểu dương các gia đình tiêu biểu tại thành phố Đông Hà; thăm và tặng quà cho các gia đình khó khăn nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6.. góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng để chung tay xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững.

 

Trong những năm tới, để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động của BLGĐ, phát huy những mặt tích cực của gia đình Việt Nam, nâng cao trách nhiệm xây dựng gia đình trở thành tổ ấm bền vững, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam, các Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau sau

 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, coi công tác PCBLGĐ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tăng cường đầu tư, bố trí kinh phí cho công tác PCBLGĐ và triển khai có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh về nhiệm vụ PCBLGĐ.

 

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục đến từng người dân, từng hộ gia đình đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới; Chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư; tổ chức các Hội thảo, Hội thi, diễn đàn về PCBLGĐ; Tổ chức thực hiện tốt “Ngày Gia đình Việt Nam” (28/6) từ tỉnh đến cơ sở. Tôn vinh, biểu dương kịp thời các Gia đình văn hóa tiêu biểu; Tiếp tục nhân rộng, tổ chức hoạt động có hiệu quả các phong trào, mô hình như: "Gia đình 5 không 3 sạch", “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, CLB phòng, chống BLGĐ…

 

Tích cực phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, tăng cường hoạt động: hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, hòa giải mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, quan tâm việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các quy định của pháp luật cần nghiêm chỉnh thi hành, cần có cơ chế theo dõi giám sát.

 

Mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình cần phải tôn trọng, yêu thương, chia sẻ, bảo vệ nhau, có ý thức vun đắp, xây dựng tổ ấm bền vững, cùng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đồng thời cha mẹ, ông bà là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Mỗi thành viên hãy sống vì mình, vì mọi người, cố gắng học tập và lao động để xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

 

Vì một cộng đồng không có bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình, cộng đồng hãy tiếp tục chung tay góp sức hơn nữa đẩy lùi nạn bạo lực gia đình để xây dựng mỗi gia đình, toàn xã hội ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Huyền

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 42

Tổng lượt truy cập: 6.802.118