Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có từ lâu đời của nhân dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng. Qua thời gian tồn tại và phát triển, Nghệ thuật Bài chòi đã thấm sâu vào trong tâm thức của người dân địa phương và gắn liền với cuộc sống của người dân. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hóa dân tộc.

Hội Bài chòi được tổ chức tại lễ hội thống nhất non sông. Ảnh Ngọc Bình

Những năm gần đây, nhất là từ khi tỉnh Quảng Trị và các tỉnh Trung Bộ di sản Nghệ thuật Bài Chòi đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Bài chòi càng được các địa phương quan tâm bảo tồn, tổ chức nhiều hơn. Xác định tầm quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể về bộ môn nghệ thuật Bài chòi, ngày 17 tháng 8 năm 2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1899 về việc ban hành Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2023.  Các nội dung cụ thể trong đề án, kế hoạch đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Bài chòi ở Quảng Trị. Đồng thời, quan tâm, tạo mọi điều kiện để chủ thể nắm giữ di sản được thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản văn hóa và đưa nghệ thuật Bài chòi đến gần hơn với công chúng, du khách. Trong đó đáng kể như: Từ năm 2018 đến nay Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hàng năm đã tổ chức các lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật Bài chòi cho các huyện thị và thành phố, đã thu hút hàng trăm học viên tham gia. Đặc biệt hàng năm tổ chức biểu diễn nghệ thuật Bài chòi vào dịp tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông tối 29 và 30/4; vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, vào dịp chào năm mới thu hút đông đảo du khách muôn phương đến tham gia. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để bảo tồn mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa Hội bài chòi của tỉnh đến với du khách muôn phương khi đến với Quảng Trị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói hiện Bài chòi ở Quảng Trị chỉ được lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng. Cùng với quá trình đô thị hóa và sự biến đổi của đời sống hiện đại, Bài chòi đang ngày càng bị mai một, nhiều địa phương trước đây có Bài chòi hiện không duy trì được. Những nghệ nhân hát Bài chòi cổ, được coi là “di sản sống”, “báu vật sống” ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn vào các trò chơi công nghệ cao; số người làm anh Hiệu, chị Hiệu có khả năng giỏi ứng biến, linh hoạt ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã - nơi tổ chức Hội Bài chòi đang ngày càng biến đổi, thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục, phát triển nghệ thuật Bài chòi ở Quảng Trị. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là chính sách hỗ trợ động viên các nghệ nhân cũng chưa được đặt ra; việc tổ chức ở các địa phương chỉ mang tính tự phát chưa có sự chỉ đạo, quản lý, khôi phục và phát triển hình thức sinh hoạt này. Đây là vấn đề đặt ra cho di sản Bài chòi ở Quảng Trị.

Lễ vinh danh Bài chòi Trung bộ Việt Nam tại Quảng Trị, Ảnh Ngọc Bình

          Để di sản Bài chòi ở Quảng Trị – một bộ phận hợp thành của di sản nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nhóm giải pháp về tuyên truyền, truyền dạy và nâng cao nhận thức:

Điều cốt lõi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi Quảng Trị là xây dựng cho được ý thức bảo vệ của cộng đồng trước loại hình di sản với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau. Đây là công việc cần được tiến hành ngay, bởi lẽ đây chính là chiếc cầu nối để đưa di sản trở về với cộng đồng, với chủ thể sáng tạo trong quá trình giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi Quảng Trị. Để thực hiện được điều này phải kể đến là vai trò của các lực lượng truyền thông, trong đó là các loại báo nói, báo hình, báo viết sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là lực lượng tuyên truyền, quảng bá nhanh nhạy, hiệu quả, dễ đi sâu vào các tầng lớp nhân dân do diện phủ sóng và thu hút lượng người xem đông đảo.

Bên cạnh đó ngành Văn hóa cần tiếp tục tăng cường chương trình giáo dục cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường. Cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục xây dựng kế hoạch, chương trình giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Bài chòi nói riêng để giảng dạy trong các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở, xây dựng giáo trình để giảng dạy ngoại khóa, tổ chức trình diễn Bài chòi tại các trường học theo cuộc vận động xây dựng “nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, giúp cho học sinh dễ dàng nhận biết cái hay, cái đẹp, cái bản sắc của nghệ thuật bài chòi Quảng Trị để tiếp nhận nó một cách chủ động và tích cực.

Để Hội Bài chòi mang tính chất bền vững và phù hợp với bối cảnh hiện nay thì phải có kế hoạch tổ chức thường xuyên liên hoan, hội thi, trình diễn Bài chòi, tạo sân chơi cho các nghệ nhân hoạt động….

Thứ hai, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách:

Hội đánh Bài chòi có thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài năng diễn xuất, vận dụng các câu thơ, bài vè và khả năng sáng tác của người hô Hiệu - mà ta thường mệnh danh là nghệ nhân hay những “báu vật sống”. Chính vì lẽ đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể bài chòi Quảng Trị cũng có nghĩa là “bảo vệ” các nghệ nhân Bài chòi hay những “báu vật sống” đó.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nghệ nhân biết hô Bài chòi cổ và các anh Hiệu, chị Hiệu hiện nay đa phần đã lớn tuổi và không còn nhiều. Vì thế, việc bảo vệ và tôn vinh những nghệ nhân bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo quy định của Nhà nước trở thành nhiệm vụ cấp bách. Ngành Văn hóa cần có văn bản đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn cụ thể các chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và trên cơ sở đó tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và đưa nó vào hiện thực cuộc sống, đặc biệt là tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, trình diễn, phát huy giá trị di sản văn hóa bài chòi Quảng Trị, cụ thể là hỗ trợ kinh phí cho các Câu lạc bộ bài chòi, các địa phương trên địa bàn tỉnh duy trì tổ chức Hội đánh bài chòi thường xuyên vào các dịp lễ, tết.

Thứ ba, nhóm giải pháp về xây dựng nguồn lực:

Nghệ thuật Bài chòi là loại hình di sản cộng đồng và cộng đồng chính là chủ thể bảo tồn di sản. Do vậy, cần kiện toàn đội ngũ nghệ nhân: Đội ngũ nghệ nhân Bài chòi là những người lưu giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quý giá này. Trong tình hình hiện nay, trong dân gian vẫn còn nhiều người am hiểu Bài chòi và có khả năng thực hành di sản văn hóa này, các câu hô thai vẫn còn lưu truyền trong kho tàng văn học dân gian và cả lưu giữ thành văn, phải chú trọng việc hình thành được một lớp nghệ nhân trẻ về Bài chòi.

Mặt khác, thường xuyên đào tạo cho cán bộ quản lý văn hóa tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm trong việc quản lý, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể với định hướng lâu dài mang tính bền vững. Tạo điều kiện để cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở được học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong công tác quản lý.

Thứ tư, nhóm giải pháp về kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa:

Để thực hiện tốt giải pháp này, ngành Văn hóa cần phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có loại hình di sản đã và đang tồn tại để xây dựng kế hoạch nghiên cứu, điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể bài chòi; tiến hành sưu tầm và tổng kiểm kê khoa học toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể bài chòi trên địa bàn, bao gồm cả việc tổng kiểm kê nghệ nhân, nhằm làm cho mỗi địa phương, mỗi nhà quản lý nắm được chính xác di sản văn hóa phi vật thể quý báu ở địa phương mình. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá, phân loại, xếp đặt thứ tự ưu tiên trước - sau để nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến. Sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể bài chòi Quảng Trị, bao gồm: sưu tầm các câu hô thai lời cổ, lời mới; sưu tầm cách hô bài chòi cổ; cách thức làm thẻ bài; cách thức dựng chòi,…

Việc tiến hành điều tra, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi Quảng Trị được thực hiện cùng với việc tư liệu hóa thông qua việc chụp ảnh, ghi chép, ghi âm, ghi hình,… sẽ giúp chúng ta phục hồi, bảo tồn Hội đánh bài chòi truyền thống Quảng Trị.

Thứ năm, kiểm tra, đánh giá, thi đua khen thưởng:

Các cấp chính quyền cần phát huy vai trò, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động của nghệ thuật Bài chòi. Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về đời sống văn hóa cơ sở, kiểm tra câu lạc bộ hoạt động như thế nào, trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra thực trạng hoạt động trình diễn, biểu diễn của nghệ thuật bài chòi. Trên cơ sở đó, cán bộ văn hóa địa bàn có thể nắm bắt được tình hình hoạt động thực tế của di sản bài chòi ở địa phương mình được gìn giữ và phát triển trong đời sống của người dân. Từ đó, đề xuất giải pháp hữu hiệu để khen thưởng những người có công trong việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật độc đáo này.

Làm tốt công tác sơ, tổng kết hàng năm về lĩnh vực văn hóa, tổng hợp các kết quả, đánh giá những mặt tích cực, mặt hạn chế, những nguyên nhân của những mặt ưu điểm, nguyên nhân của các mặt tồn tại hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác quản lý văn hóa; đồng thời, đề ra phương hướng để triển khai tốt hơn trong thời gian tới; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả, tích cực trong công tác quản lý văn hóa, truyền dạy, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn xã, huyện.

Hội Bài chòi tại đình làng Hà Thượng, huyện Do Linh. Ảnh Sâm Dung

Di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu của không chỉ nhân dân các tỉnh Trung Bộ mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa thể hiện sự trân trọng của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật đặc sắc này, vừa khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam. Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quý báu này để nó tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người Quảng Trị, người miền Trung, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại là trách nhiệm cao cả của người dân Trung bộ nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng. Tin tưởng và hy vọng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng, từ Trung ương đến địa phương, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian ở Quảng Trị ngày càng đạt được kết quả tốt hơn.

          Ngô Thị Sâm Dung (Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị)

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 1029

Tổng lượt truy cập: 6.816.511