Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Ngày 9/11, đồng chí Nguyễn Đăng Quang- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Văn Hưng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc của BTV Tỉnh uỷ với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo một số nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024. Tham dự có các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ, Thường trực UBND tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại buổi làm việc
(Ảnh quangtrivt.vn)

Kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì hòa bình đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với một số đơn vị tư vấn nghiên cứu, khảo sát đề xuất ý tưởng để xây dựng kế hoạch khung cho một kỳ Lễ hội. Theo đó, lễ hội dự kiến sẽ được tổ chức trung tuần tháng 7/2024 với các hoạt động chính như Chương trình Khai mạc Lễ hội, hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực, dâng hương, tri ân và các hoạt động bổ trợ, hưởng ứng khác.

Chương trình khai mạc Lễ hội Vì hòa bình dự kiến tổ chức tại sân lễ hội bờ Nam Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải với một chương trình nghệ một chương trình đa sắc thái mang đến nhiều điểm chạm cảm xúc, chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, nơi đang lưu giữ những chứng tích của một thời hào hùng oanh liệt, nay mang tầm vóc thời đại kết nối tình ái hữu quốc tế với TRẦM TÍCH LỊCH SỬ - CON NGƯỜI THÂN THIỆN - VĂN HÓA RIÊNG CÓ. Với mong muốn thông qua Lễ hội vì hòa bình, mỗi một người dân Quảng Trị sẽ là một đại sứ của Lễ hội và mỗi người dân, du khách tham gia Lễ hội sẽ là một đại sứ hòa bình.

Hoạt động Ngày hội đạp xe vì hòa bình với sự tham gia của 500 đến 1.000 vận động viên trong nước và Quốc tế tham gia diễu hành xe đạp, tổ chức một số chặng đua ngắn; thăm hỏi, tặng quà, các hoạt động môi trường và quảng bá trước Lễ hội. Hoạt động nhằm giới thiệu một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, vùng đất, con người Quảng Trị với nhân dân cả nước và nước ngoài, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nói chung, người dân Quảng Trị nói riêng trong các cuộc đấu tranh vì nền hòa bình; xây dựng thông điệp hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền Hoa nắng - Taste of sunland’’ được tổ chức tại Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt gồm hoạt động trình diễn, giới thiệu các món ăn Quảng Trị cũng như những tinh hoa ẩm thực tiêu biểu của các địa phương trên toàn quốc và quốc tế. Hoạt động này sẽ là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Vì hòa bình trên mảnh đất Quảng Trị nhằm giới thiệu nét văn hóa ẩm thực đặc trưng không thể xen lẫn của Quảng Trị.

Trong chương trình Lễ hội Văn hóa - ẩm thực còn có Giao lưu Diều nghệ thuật quốc tế  với sự tham gia các nghệ nhân đại diện Hiệp hội Diều một số nước Đông Nam Á; các CLB Cánh Diều Vàng - Nam Định, CLB Diều Nghệ thuật Phượng Hoàng, CLB Diều Hướng Dương - TP Hồ Chí Minh, nhóm nghệ nhân Diều Huế.

Tiếp nối thành công của Lễ hội Văn hóa ẩm thực năm 2023, việc đưa nội dung tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực năm 2024 vào chương trình Lễ hội Vì Hòa bình sẽ tạo nên một hoạt động quảng bá về văn hóa, du lịch thường xuyên, được tổ chức hàng năm của Quảng Trị, thu hút đông đảo du khách đến với Quảng Trị trong mùa lễ hội.

Chương trình dâng hoa, thắp nến tri ân là điểm nhấn cuối cùng trong chuỗi các hoạt động chí của Lể hội Vì hòa bình năm 2024, Chương trình dự kiến được tổ chức tại Bến thả hoa song Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.  Chương trình nhằm mục đích tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và sự trường tồn của dân tộc; đồng thời thắp lên nén tâm nhang gửi tới các nạn nhân chiến tranh, qua đó nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của hòa bình, để mỗi người cần có suy nghĩ, hành động phù hợp, xứng đáng với những hi sinh, gian khổ của thế hệ đi trước.

Ngoài các hoạt động chính trong Kế hoạch Lễ hội Vì Hòa bình, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quy mô toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ như Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, một số giải đấu thể thao như Giải vô địch Bóng chuyền trẻ nam nữ, Giải vô địch Cầu lông cá nhân quốc gia... và nhiều hoạt động khác.

Sau khi nghe báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến tham gia của các đồng chí trong ban Thường Vụ, kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của Lễ hội Vì hoà bình và đề nghị ngành UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tính toán để tạo điểm nhấn cho lễ hội, gắn chặt với tiêu chí của một lễ hội văn hoá vì hoà bình. Tên gọi của lễ hội là vấn đề hết sức quan trọng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, cũng cần tính toán để hoạt động tri ân tại lễ hội là việc được tất cả người dân hưởng ứng. Đối với việc đặt biểu tượng hoà bình, đồng chí yêu cầu ngành chức năng dự kiến trước phương án để có sự chuẩn bị chu đáo; đẩy nhanh tiến độ tôn tạo 2 khu Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương Bến Hải và Thành Cổ Quảng Trị. Song song với đó, cần chuẩn bị tốt cho dịch vụ lưu trú trong thời gian diễn ra lễ hội.

 
Nguyễn Thị Phương – Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 413

Tổng lượt truy cập: 6.828.535