Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất xây dựng chính sách với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại kỳ họp 7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề cập đến vấn đề tuyển chọn, đào tạo, chế độ chính sách với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.

Nhiều khó khăn, bất cập

Theo bộ trưởng, đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (từ 7 - 12 năm, một số bộ môn từ 15-16 năm). Tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu.

Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 - 20 năm, khi đến độ tuổi từ 35 - 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 - 45 tuổi (đối với nam).

Điều này dẫn đến khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...

Báo cáo nêu rõ với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính.

Bởi không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức do đa số các diễn viên chỉ có bằng trung cấp nghề.

Mặt khác, trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm.

Lương, chế độ còn thấp

Bên cạnh đó, theo bộ trưởng, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06, diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.

Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86.

Trừ 10,5% bảo hiểm xã hội, thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại với diễn viên.

Về chế độ bồi dưỡng, theo quy định mức bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn theo mức tiền cụ thể (chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập.

Chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn).

Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Điều này giúp họ được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn...

Thành Chung - báo Tuổi trẻ

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 14525

Tổng lượt truy cập: 7.324.778