Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Những địa danh đi vào lịch sử

Lịch sử đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị những địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đến nay, cả tỉnh có hơn 30 địa điểm di tích đã được xếp hạng quốc gia, trong đó có các di tích được xếp vào danh mục di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, đó là: Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Cụm di tích đôi bờ cầu Hiền Lương-Bến Hải; Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.

Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972

 

 

 

Thành Cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị có chu vi 2.160 mét. Giữa năm 1972 sau khi Quảng Trị được giải phóng, lo sợ ảnh hưởng dây chuyền, Mỹ - ngụy đã “dốc túi” toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược và tập trung mọi thủ đoạn để “tái chiếm Quảng Trị”. Thành Cổ Quảng Trị là mục tiêu số một của địch, bởi chiếm được đây là cơ bản đã chiếm lại được Quảng Trị.

 

 

 

 

Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Thành Dũng

 

 

 

Mỹ - ngụy đã tập trung tối đa hỏa lực, không quân, pháo binh và bộ binh; áp dụng mọi âm mưu thâm độc xảo quyệt nhất, tàn bạo nhất với mong muốn giành được chiến thắng nhanh nhất. Tuy nhiên, chúng đã gặp phải một sự kháng cự phi thường, một tinh thần gang thép, một tài nghệ tổ chức chỉ huy quyết đoán, sáng tạo của quân và dân ta. Trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 19/9/1972) chiến đấu, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, thất thường của thời tiết, bám trụ kiên cường, quyết chiến với lực lượng thiện chiến nhất của đối phương với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Trong thời gian ấy, kẻ thù đã dội xuống Thành Cổ Quảng Trị một lượng bom đạn tương đương bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Trung bình mỗi ngày, mỗi chiến sĩ phải hứng chịu trên 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Thậm chí, có ngày địch nã vào Thành Cổ hơn 5.000 quả đại bác.

 

 

 

81 ngày đêm máu lửa, chốt giữ Thành Cổ Quảng Trị, lực lượng ta đã tiêu diệt 26.400 tên địch, 205 máy bay, 349 xe quân sự, hơn 230 khẩu đại bác..., góp phần đánh bại những cố gắng cao nhất của Mỹ - ngụy trên chiến trường, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành Cổ trong thời điểm có tính chất quyết định của cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao giữa ta và Mỹ. Chiến công Thành Cổ đã ghi vào lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam một chiến tích hào hùng, đầy máu lửa, là bản anh hùng ca về tinh thần quả cảm, về sức mạnh phi thường của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 

 

 

Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ bao gồm Bến Thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, Chốt thép Long Quang, Ngã ba Cầu Ga, Ngã ba Long Hưng và Trường Bồ Đề.

 

 

 

Di tích này được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng vào năm 2014.

 

 

 

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải:

 

 

 

Đây là cụm di tích nằm ở điểm giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1, phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Hiệp định Giơ- ne-vơ ký kết, chọn sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời trong hai năm để tập kết lực lượng hai bên và tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Thế nhưng, do Mỹ - Diệm cố tình xé bỏ hiệp định, hòng chia cắt lâu dài nước Việt Nam, sông Hiền Lương đã đi vào lịch sử dân tộc, tiềm thức nhân loại như nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

 

 

 

 

Cầu Hiền Lương. Ảnh: Nguyễn Văn Dũng

 

 

 

Nơi đây có cây cầu Hiền Lương đã phải chia làm hai phần, mỗi bên 89 m. Bờ Bắc 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm. Tại đây, từ tháng 7/1954 đến tháng 10/1956 đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã kiên quyết đấu tranh đòi thực hiện quy chế hiệp định và cũng là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam - Bắc. Đôi bờ Hiền Lương, câu chuyện giới tuyến đã đi vào thi ca, để lại nhiều tác phẩm lay động lòng người cho đến mai sau. Ở đây có Cột cờ bờ Bắc, mà việc bảo vệ duy trì cho lá cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời giới tuyến là cả một kỳ tích. Cán bộ, chiến sĩ ta luôn giành phần thắng trong cuộc “chạy đua” về chiều cao cột cờ và diện rộng của lá cờ với kẻ thù.

 

 

 

Trong khoảng thời gian từ 19/5/1956 đến ngày 28/10/1967, chúng ta đã treo hết 267 lá cờ các cỡ. Riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ - ngụy phá hỏng. Để cột cờ và lá cờ biểu tượng của dân tộc đứng vững dưới bom đạn kẻ thù đã có 13 đồng chí hy sinh, hơn 50 đồng chí bị thương và còn nhiều tấm gương giữ cờ vô cùng cảm động, như mẹ Nguyễn Thị Diệm, một người mẹ già yếu đã không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ... Ở địa danh này còn có dàn loa công suất 180.000W, hằng ngày phát sang bờ Nam những chương trình phong phú, đa dạng, lấn át giàn loa của Mỹ - ngụy, giành phần thắng trong “cuộc chiến âm thanh” ở đôi bờ, góp phần giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào ngày thống nhất đất nước.

 

 

 

Năm tháng trôi qua, đất nước đã thống nhất, non sông thu về một dải nhưng đôi bờ Hiền Lương cùng với cây cầu, cột cờ, dàn loa… mãi mãi là biểu tượng về ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là hình ảnh thu nhỏ về thắng lợi giữa ta và địch trên quê hương Quảng Trị anh hùng.

 

 

 

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh

 

 

 

Trong khoảng thời gian từ năm 1965-1968, người dân huyện Vĩnh Linh đã đào hàng trăm địa đạo để tránh bom đạn quân thù, trong đó nổi tiếng nhất cho đến ngày nay là địa đạo Vịnh Mốc.

 

 

 

 

Địa đạo Vịnh Mốc. Ảnh: Trà Thiết

 

 

 

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. Trong những năm chống Mỹ, Vịnh Mốc không chỉ là địa đầu của hậu phương miền Bắc mà còn là địa điểm thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, một hòn đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh. Với quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, người dân làng chài Vịnh Mốc đã bỏ gần 2 vạn ngày công, đào và vận chuyển trên 6000 m3 khối đất đá để tạo nên hệ thống địa đạo với tổng chiều dài 1.701 mét, có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi. Do cấu trúc hết sức khoa học nên địa đạo Vịnh Mốc được mệnh danh là “lâu đài trong lòng đất”, dọc hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những chỗ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 đến 3 độ để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ địa đạo được chia làm ba tầng nối thông với nhau qua trục chính dài 780 mét (tầng một cách mặt đất 8- 10 mét, tầng 2 cách 2 - 15 mét, tầng 3 khoảng 23 mét). Địa đạo còn có hội trường chứa được 60 người, có nhà hộ sinh, giếng nước; lúc cao điểm có 1.200 người sinh sống. Đặc biệt đã có 60 đứa trẻ được ra đời trong lòng địa đạo.

 

 

 

Trong những năm từ 1966 - 1972, đế quốc Mỹ đã trút xuống đây hơn 9.000 tấn bom đạn, nhưng địa đạo vẫn che chở cho người dân được sống an toàn. Hơn nữa, nhờ vào địa đạo, người dân Vịnh Mốc đã bám trụ để sản xuất, chiến đấu, làm nhiệm vụ là căn cứ hậu cần cho đảo Cồn Cỏ. Quân dân nơi đây đã bắn rơi 3 máy bay và bắn cháy 1 tàu chiến Mỹ; vận chuyển 11.500 tấn hàng cho đảo Cồn Cỏ, 300 tấn hàng cho chiến trường Đường 9 - Quảng Trị. Địa đạo Vịnh Mốc thực sự là “pháo đài ngầm trong lòng đất”, là một công trình quân sự độc đáo mang màu sắc huyền thoại của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là biểu tượng sáng chói về ý chí và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Quảng Trị. Với những giá trị lịch sử to lớn đó, năm 1976, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đặc cách công nhận di tích địa đạo Vịnh Mốc là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Năm 2014, địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

 

Theo báo Quảng Trị

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 173

Tổng lượt truy cập: 6.806.023