Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Ngày 13.11.2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị_hội thảo trực tiếp và trực tuyến để xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số phòng, ban chuyên môn và đơn vị thuộc Sở; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Thông tin truyền thông; Báo QuảngTrị; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố đã tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), Luật Di sản văn hóa đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong hời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Bố cục dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều, tăng 3 chương, 81 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: "Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng. Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. Chính sách 3: Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa"

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương tham dự hội nghị - hội thảo đã tập trung làm rõ hệ thống khái niệm và quy trình nhận diện ghi danh xếp hạng di sản văn hóa; quyền sở hữu, các quyền liên quan đến di sản văn hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương; cơ chế huy động các nguồn lực xã hội tích cực tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đảm bảo các quy định pháp luật về di sản văn hóa được thực thi...

Những ý kiến, đóng góp tại hội thảo sẽ củng cố thêm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu, từng bước hoàn thiện quy định trong từng điều, từng khoản của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)./.

Ngô Lê Anh Thư - Phòng Quản lý Di sản Văn hóa

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 431

Tổng lượt truy cập: 6.828.553