Chi tiết - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Từ chủ trương hợp lòng dân của Quảng Trị…

Tôi chưa thấy sự kiện nào như ở Quảng Trị đang chuẩn bị tổ chức Lễ hội vì hòa bình dự kiến vào tháng 7.2024, lại được nhiều người quan tâm và hoan nghênh, nhất là những cán bộ, chiến sĩ từng công tác và chiến đấu trong những năm chống Mỹ, cứu nước tại đây. Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, cầu Hiền Lương..., những cái tên đã đi vào tiềm thức của nhiều người, trở thành những bài ca rung động lòng người, sống cùng năm tháng.

 

Tôi tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Quảng Trị để triển khai sự kiện có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc này: “Mỗi tấc đất, dòng sông, địa danh ở mảnh đất gian khó này đều ghi đậm dấu ấn một thời đạn bom của đất nước; thức tỉnh lương tri nhân loại, đau đáu khát vọng hòa bình; khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Vì thế, Bộ VHTTDL sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ địa phương”.

Chỉ cần điểm qua các hoạt động chính với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”, đã tạo ra sức hút lớn với những ai từng gắn bó với vùng đất Quảng Trị đầy sỏi đá và nắng lửa khắc nghiệt, suốt một thời “những đồi sim không đủ quả nuôi người”, rồi một thời đạn bom khốc liệt, nơi đáy sông Thạch Hãn này vẫn còn chìm khuất bao xương cốt của các chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi mang lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Với ý thức kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, đây là lần đầu tiên Quảng Trị năng động và sáng tạo tổ chức một sự kiện lớn của tỉnh, nhưng tạo được sự chú ý, quan tâm của cả nước.

Lễ hội có các hoạt động chính như: Ngày hội Đạp xe vì hòa bình tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (29-30.6); Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì hòa bình với chủ đề “Kết nối những nhịp cầu”, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (ngày 6.7) được truyền hình trực tiếp trên VTV1; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”, dự kiến diễn ra tại Khu du lịch Cửa Việt, Gio Linh (từ ngày 12-14.7); Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” với đêm nhạc Trịnh Công Sơn “Khúc ca hòa bình” (ngày 13.7) tại Công viên Fidel và Chương trình giao lưu quốc tế “Giai điệu hòa bình” tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh (ngày 20.7); Chương trình “Ước nguyện hòa bình” diễn ra tại thị xã Quảng Trị (ngày 26.7). Bên cạnh đó, còn rất nhiều hoạt động hưởng ứng tại các địa phương trong toàn tỉnh…

Cùng với các lễ hội của một số địa phương vừa qua, như Lễ hội Hoa phượng đỏ của Hải Phòng, Lễ hội về với vùng sông nước của thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Tràng An - Tam Cốc của Ninh Bình, Lễ hội Quảng Bình - khát vọng và phát triển v.v…, đó là những hoạt động văn hóa, vừa có ý nghĩa bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống quê hương anh hùng, vừa quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, thu hút ngày càng đông du khách đến với Việt Nam.

Chúng ta kỳ vọng “Lễ hội vì hòa bình” ở Quảng Trị diễn ra vào tháng 7 tới đây sẽ là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa đặc biệt về văn hóa; chắc chắn có tầm lan tỏa sâu rộng, nhất là ở thông điệp dân tộc Việt Nam luôn luôn nuôi khát vọng hòa bình, sẵn sàng gác lại quá khứ đau thương, dang rộng vòng tay bạn bè hợp tác, hữu nghị với các đối tác có chung mong muốn như Việt Nam.

Những hoạt động nói trên đã và đang góp sức khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Đây cũng là ý thức làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn của toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta tin tưởng Lễ hội sẽ thành công tốt đẹp bởi “ý Đảng hợp lòng Dân”.

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH (Nguồn: baovanhoa.vn)

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 14562

Tổng lượt truy cập: 7.324.815